Hàng chục thương nhân Trung Quốc sang Bắc Giang thu mua vải thiều

Ban Thời sự,
Chia sẻ

Thương nhân người Trung Quốc đã bắt đầu thu mua vải tươi tại Bắc Giang. Mỗi ngày họ đưa về Trung Quốc hàng chục đến hàng trăm tấn vải.

Thời điểm này đang là mùa vải, người nông dân ở Bắc Giang và Hải Dương đang tất bật với việc thu hoạch vải thiều. Theo đánh giá của doanh nghiệp và đầu mối thu mua, giá vải sớm năm nay được giá.

Theo thông tin mới nhất từ Bắc Giang, hiện toàn tỉnh đã tiêu thụ được 22,5 nghìn tấn vải, trong đó hơn 50% là dành cho xuất khẩu, và 99% sản lượng xuất khẩu là vào thị trường Trung Quốc. Hiện cũng đã có hàng chục thương nhân Trung Quốc đã sang Bắc Giang trực tiếp thu mua vải thiều.

Những thương nhân người Trung Quốc đã bắt đầu thu mua vải tươi, mỗi ngày họ đưa về Trung Quốc hàng chục đến hàng trăm tấn vải. Theo ông Lý Vệ Cường vải năm nay chất lượng rất tốt, khách hàng của ông ở Trung Quốc đặt số lượng nhiều hơn.

"Hiện nhiều khách hàng của tôi ở Bắc Kinh, Thượng Hải đang đặt hàng nhiều nhưng nếu tình hình thông quan không được cải thiện tôi cũng không đáp ứng được đơn hàng đó", ông Lý Vệ Cường, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho hay.

 - Ảnh 1.

Hiện toàn tỉnh đã tiêu thụ được 22,5 nghìn tấn vải, trong đó hơn 50% là dành cho xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Mặc dù tại các cửa khẩu đã có luồng xanh, sau khi kiểm dịch xong vải thiều được tập kết vào một bãi riêng và có đường riêng để tạo điều kiện xuất khẩu nhanh nhất sang nước bạn. Tuy nhiên, nhiều thương nhân Trung Quốc đang băn khoăn về thời gian thông quan vẫn lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vải khi về tới Trung Quốc.

"Trước đây thông quan chỉ từ 1 - 2 ngày, nay có xe tôi phải mất tới 5 ngày mới thông quan được. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng vải, chúng tôi cũng không dám thu mua nhiều", một thương nhân Trung Quốc khác chia sẻ.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số điểm thu mua vải xuất khẩu sang Trung Quốc tại đây, đã có những xe vải lên cửa khẩu đã phải quay đầu trở lại do vải chưa được nhặt lá, cắt cuống theo đúng yêu cầu của phía nước bạn.

Dự kiến vải thiều chính vụ sẽ cho thu hoạch từ giữa tháng 6, kết thúc khoảng cuối tháng 7 năm nay. Hiện giá bán vải đang dao động từ 18.000 - 35.000 đồng/kg.

Vải Việt Nam phải cạnh tranh tại thị trường tỷ dân

Vài thiều nước ta năm nay được mùa, giá bán cao, chất lượng quả tốt và được đánh giá là ngon nhất từ trước tới nay. Nhu cầu tại thị trường Trung Quốc cũng cao nên bà con lãi lớn. Tuy nhiên cũng không phải không có khó khăn.

Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là thị trường truyền thống, tiêu thụ phần lớn lượng vải tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách "Zezo Covid" nên dự báo việc xuất khẩu vải vào thị trường này tiếp tục gặp khó khăn. Còn về lâu dài, quả vải Việt Nam sẽ còn gặp thêm khó khăn nữa là cạnh tranh với chính vải của Trung Quốc.

Trung Quốc là nước trồng vải lớn nhất thế giới, khoảng 530.000 ha với trên dưới 2,5 triệu tấn/năm. Nước này đang đẩy mạnh nghiên cứu lai tạo những giống mới để nâng cao chất lượng. Gần đây nhất, Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc nghiên cứu thành công giống vải không hạt để nhân rộng với màu sắc đẹp, quả to, thịt giòn, ngọt thanh.

 - Ảnh 2.

Quả vải Trung Quốc được bán trên các trang thương mại điện tử.

Tại siêu thị, 1 hộp gần 50 quả, giá bán khoảng 2 triệu đồng. Trung Quốc có tới 20 giống vải nhưng đa phần không ngon bằng của Việt Nam. Vải chính vụ của Trung Quốc rơi vào tháng 5, 6, 7. Trên các trang thương mại điện tử, giá vải phổ biến từ 56.000 - 63.000 đồng/kg. Vải ngon như Hỏa Sơn Hải Nam hay Quý Phi Tiếu 151.000 - 280.000/kg.

Mùa vụ thu hoạch quả vải của Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau. Quả vải Việt Nam chủ yếu xuất biên mậu nên cũng khó bán giá cao.

Trung Quốc có nhiều thay đổi về xu hướng tiêu dùng

Trung Quốc đang đẩy mạnh hướng các hoạt động nhập khẩu sang chính ngạch để quản lý chất lượng. Người tiêu dùng ngày càng mua mạnh trên thương mại điện tử với các nền tảng Taobao, JD.com…

Từ tháng 5, các trang bán hàng này tràn ngập trái vải nội địa, với các đợt khuyến mãi lớn.

 - Ảnh 3.

Vải chính vụ của Trung Quốc rơi vào tháng 5, 6, 7.

Kênh tiêu thụ lớn nữa là các hệ thống siêu thị nhưng đòi hỏi chất lượng, bao bì bắt mắt. Người tiêu dùng ngày càng khó tính với xu hướng thích chọn quả ngon, sạch hơn là tiêu chí rẻ.

Vì vậy, vải Việt Nam nếu có chiến dịch quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng thương mại điện tử, cải tiến bao bì, cũng như có những doanh nghiệp nội địa mạnh ký kết hợp đồng với các hệ thống siêu thị Trung Quốc sẽ còn đi xa, leo cao hơn nữa về giá trị so với xuất qua biên mậu và bán cho thương lái Trung Quốc.

Chia sẻ