Hai cựu cảnh sát liên quan tới thảm họa giẫm đạp trong đêm Halloween ở Seoul bị bắt

Quỳnh Chi (Theo CNN),
Chia sẻ

Hai cựu sĩ quan cảnh sát đã bị bắt tại Hàn Quốc hôm 5/12 với cáo buộc phá hủy bằng chứng liên quan đến vụ giẫm đạp chết người đêm Halloween ở Seoul.

Vụ bắt giữ cựu sĩ quan tình báo Park Sung-min của chính quyền thành phố Seoul và Kim Jin-ho của cảnh sát quận Yongsan là vụ bắt giữ đầu tiên trong cuộc điều tra đang diễn ra về thảm họa giẫm đạp khiến 158 người thiệt mạng vào tháng 10.

Hai cựu cảnh sát trên bị cáo buộc đã ra lệnh cho cấp dưới của mình tiêu hủy một báo cáo nội bộ về những rủi ro bắt nguồn từ một đám đông lớn tụ tập ở Itaewon trong lễ hội Halloween.

Hai sĩ quan đã bị cách chức vào tháng 11 do xử lý vụ giẫm đạp ở Itaewon. Theo các điều khoản của lệnh bắt giữ hai người do tòa án Seoul ban hành hôm 5/12, các công tố viên hiện có 10 ngày để đưa ra hồ sơ buộc tội.

Hầu hết những người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp vào ngày 29/10 là thanh thiếu niên, những người nằm trong số hàng chục nghìn người đổ về quận Itaewon của Seoul để ăn mừng Halloween. Nhiều người bị mắc kẹt khi những con đường hẹp bị tắc nghẽn. Người sống sót và nhân chứng nói rằng có rất ít sự hiện diện của cảnh sát hoặc sự kiểm soát đám đông cho đến khi đã quá muộn.

Hai cựu cảnh sát bị bắt liên quan tới thảm họa giẫm đạp trong đêm Halloween ở Seoul - Ảnh 1.

158 người đã thiệt mạng trong thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng. (Ảnh: Reuters)

Hôm 5/12, tòa án Hàn Quốc đã bác bỏ lệnh bắt giữ cựu cảnh sát Yongsan Lee Im-jae, người từng là trưởng đồn, và cựu sĩ quan giám sát khẩn cấp Song Byung-joo. Cả hai đang bị nghi ngờ "sơ suất nghề nghiệp" liên quan đến vụ chen lấn đám đông dẫn đến tử vong và thương tích.

Khi bác bỏ lệnh bắt giữ, tòa án cho rằng khả năng Lee và Song tiêu hủy bằng chứng hoặc bỏ trốn là rất thấp. Hai người này hiện vẫn đang bị điều tra.

Sau thảm họa, một đơn vị cảnh sát đặc biệt đã được thành lập để điều tra vụ việc, trong đó các nhân viên điều tra đã đột kích các đồn cảnh sát và văn phòng trên khắp thủ đô, thu thập các báo cáo và tài liệu nội bộ về những cuộc gọi khẩn cấp của cảnh sát.

Theo nhật ký cuộc gọi đó, ít nhất 11 cuộc gọi khẩn cấp đã gọi tới cơ quan cảnh sát, yêu cầu kiểm soát đám đông, sau đó là lực lượng cứu hộ. Những cuộc gọi đầu tiên được thực hiện sớm nhất là bốn giờ trước khi thảm kịch xảy ra.

Chia sẻ