Hà Nội: Nhiều trường lấy ý kiến về việc tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi

Hà Linh,
Chia sẻ

Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từ đầu tháng 4/2022. Về việc này, tại Hà Nội, nơi trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến thời điểm này có gần trọn 1 năm đóng cổng trường, ở nhà học trực tuyến vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.

Về việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ,  đến thời điểm này phụ huynh vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Trường mầm non Thực hành Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) thực hiện lấy ý kiến cha mẹ học sinh về tiêm phòng vắc xin cho trẻ kết thúc trước ngày 24/3. Kết quả, ở nhóm lớp trẻ 5 tuổi có 18 phụ huynh trả lời “không tiêm” cho câu hỏi bố mẹ dự kiến có tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 cho con không và chỉ có 3 phụ huynh đồng ý.

Hà Nội: Nhiều trường lấy ý kiến về việc tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi - Ảnh 1.

Ở bậc tiểu học, trẻ ở nhà học trực tuyến không hiệu quả, gián đoạn tương tác với bạn bè, thầy cô khiến các em bị tác động tâm lí mạnh mẽ. (ảnh: Trọng Tài)

Hay như kết quả khảo sát lấy ý kiến về việc tiêm phòng ngừa vắc xin ở một lớp 3 của Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, lớp có 46 học sinh, trong đó có 26 phụ huynh đồng ý cho con tiêm (56,5%); 14 người không đồng ý (khoảng 30%) và 6 người không có ý kiến.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, có 2 con học tiểu học và mầm non tại quận Hai Bà Trưng cho biết, chị không đồng ý cho con tiêm phòng COVID-19 vì cả hai cháu đều đã nhiễm bệnh. Không được đến trường, hai con gần như bị “nhốt” ở nhà gần trọn một năm qua nhưng cuối cùng các cháu đã bị lây bệnh từ bố mẹ. Ở toà nhà chung cư chị Hằng ở, có 15 hộ gia đình đều đã nhiễm bệnh, trong đó có trẻ con. Tuy nhiên, cháu chỉ bị sốt nhẹ 2 ngày là khỏi. “Giờ đây, gia đình đã cho cháu đi du lịch, đi chơi để bù đắp những ngày tù túng. Tôi cảm thấy rất tiếc nuối thời gian gần một năm nhà trường đóng cửa, học trực tuyến”, chị Hằng nói.

Ngược lại, anh Trịnh Xuân Phú có 1 con học lớp 9, Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân) và Trường tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai) chia sẻ, gia đình chọn phương án đồng ý tiêm phòng để nếu có mắc COVID-19 cũng sẽ có triệu chứng nhẹ hơn. Gia đình có 4 người, hiện mẹ với chị gái học lớp 9 đã mắc COVID-19, còn anh và con út cách li tốt nên chưa mắc. Lần này, nhà trường thông báo tiêm phòng, anh sẽ cho cháu tiêm đủ các mũi.

Theo báo cáo kết quả rà soát chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi của Phòng GD&ĐT quận Long Biên từ cuối tháng 2/2022, trong đó bậc mầm non có 46,6% phụ huynh đồng ý tiêm chủng; 48,1% phụ huynh chưa đồng ý.

Đối với học sinh tiểu học, các nhà trường khảo sát 100% ý kiến cha mẹ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, kết quả tỉ lệ phụ huynh đồng ý cho con tiêm đạt tỉ lệ từ 59 – 74% tuỳ từng khối lớp.

Cũng như bậc mầm non, một số phụ huynh không đồng ý cho con tiêm phòng vắc xin là do lo ngại bị phản ứng; lo lắng về tác dụng phụ; con có bệnh nền, dị ứng hoặc trẻ đã mắc COVID-19 nên còn kháng thể, không muốn tiêm.

Nhiều phòng GD&ĐT tại Hà Nội cho biết, tỉ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học mắc COVID-19 hiện khá cao, có nơi chiếm từ 30-40% số trẻ.

Sốt ruột vì trường học vẫn đóng cửa

Trên các diễn đàn, phụ huynh tại Hà Nội bày tỏ sự sốt ruột, mong ngóng ngày trường học mở cửa. Thậm chí, có người còn băn khoăn, lí do đến thời điểm này gần kết thúc năm học 2021-2022, Thủ đô vẫn chưa cho trẻ tới trường. “Tất cả các hoạt động đã bình thường hoá trở lại. Trẻ đi ăn, đi chơi, đi du lịch thì được nhưng đi học thì không là việc rất lạ lùng, khó hiểu. Chưa kể, trẻ ở nhà nhưng đến nay vẫn mắc COVID-19 như thường”, anh Vũ Văn Việt, ở quận Hai Bà Trưng nói.

Hà Nội: Nhiều trường lấy ý kiến về việc tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi - Ảnh 2.

Trước đó, tỉ lệ phụ huynh cho con ở bậc THCS- THPT tiêm vắc xin đạt gần 100%.

Hiệu trưởng một số trường mầm non, tiểu học cũng cho biết, rất sốt ruột, lo lắng cho chất lượng giáo dục vì gần trọn 1 năm qua, trẻ không được đến trường. Cô trò nỗ lực kết nối dạy học trực tuyến nhưng hiệu quả đến đâu khó đong đến được vì việc kiểm tra, đánh giá cũng được giảm nhẹ độ khó, không kiểm soát được gian lận. Với bậc mầm non, thì việc đóng cửa trường học đồng nghĩa với giáo viên bị giảm hoặc mất trắng thu nhập. Ở bậc tiểu học, trẻ ở nhà học trực tuyến không hiệu quả, gián đoạn tương tác với bạn bè, thầy cô khiến các em bị tác động tâm lí mạnh mẽ. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng trẻ ở nhà lâu ngày có biểu hiện cáu bẳn, mệt mỏi, dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, nghiện trò chơi điện tử…

Thế nhưng, đến thời điểm này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa có thông tin về việc thời điểm nào sẽ cho trẻ mầm non, tiểu học đi học trở lại. Một số nhà quản lý giáo dục ở cơ sở nói rằng, dù rất mong ngóng và luôn trong tình trạng sẵn sàng mở cửa trường học nhưng họ không thể có ý kiến đề xuất. Vì việc này, phụ thuộc vào căn cứ đánh giá tình hình dịch bệnh của UBND TP và ý kiến đề xuất của Sở GD&ĐT.

Chia sẻ