Gửi tiền nhận lãi đến 8,2%, lãi vay hiện ra sao?

Dy Khoa,
Chia sẻ

Lãi vay phụ thuộc vào mục đích sử dụng vốn. Mức lãi dao động trên dưới 9%/năm.

Gửi tiền nhận lãi đến 8,2%, lãi vay hiện ra sao? - Ảnh 1.

Lãi vay tại một số ngân hàng dao động quanh mốc 9%/năm. Ảnh: NLĐ.

Hiện lãi suất tiền gửi tăng cao nhờ quyết định của Ngân hàng Nhà nước thay đổi mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm trước đây lên thành 0,5%/năm; có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm.

Đa số ngân hàng thương mại trong nước đã nâng mức lãi suất huy động lên trên 7%/năm. Một số ngân hàng còn huy động với mốc lãi suất trên 8%/năm. Trong đó, Ngân hàng số Cake by VPBank có mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, áp dụng đối với khách gửi món tiền 300 triệu đồng trở lên.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) triển khai tiền gửi tiết kiệm online đặc biệt với kỳ hạn 15 tháng, lãi suất 8,2%/năm. Còn lãi suất online bình thường là 7,7%/năm. Lãi suất đặc biệt online kỳ hạn 6 tháng cũng lên 7,5% (online bình thường là 7%), 12 tháng lên 8% (bình thường là 7,5%/năm).

Trong một báo cáo, Yuanta Việt Nam cho rằng biên lãi ròng (NIM) toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) thấp, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thấp, sẽ ít chịu áp lực về NIM lớn hơn.

Như vậy, hiện tại, khi mà điều kiện chi phí đầu vào tăng thì khả năng gây áp lực lên lãi suất đầu ra là hoàn toàn có thể dù thời gian thay đổi có thể chưa thấy ngay. Quan sát mặt bằng lãi suất huy động đã tăng từ đầu năm đến nay thì việc tăng lãi vay là khó tránh khỏi.

Lãi vay tại các ngân hàng được phân chia tùy theo đối tượng vay và mục đích vay như tiêu dùng, mua sửa nhà, du học, mua ô tô... Nhìn chung mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng thương mại hiện tại dao động trong khoảng 9%.

Trong đó, lãi vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) niêm yết 8,8%/năm đối với trường hợp khách vay mua ô tô cũ, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, vay thấu chi tiêu dùng có tài sản đảm bảo…

Lãi vay lên đến 15%/năm

Lãi vay tại Ngân hàng hàng Quốc Dân (NCB) cao nhất là 9,6%. Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết lãi suất cho vay cao nhất là 9,5%. Tại Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank), lãi suất cho vay cao nhất là 8,6%, đối với kỳ hạn vay trung hạn và dài hạn.

Ngân hàng Tiên phong (TPBank) có lãi vay dao động từ 7,1% - 8,6%/năm. Mốc lãi vay 7,1% được áp dụng cho lãi suất cơ sở kỳ hạn một tháng. Kỳ hạn 3-6 tháng lần lượt là 7,9% và 8%.

Ngân hàng SHB, lãi suất cho vay dao động từ 7,85% - 9,1%. Trong đó, các kỳ hạn vay càng dài, lãi suất vay càng cao. Chẳng hạn kỳ hạn bằng và dưới 6 tháng là 7,85%/năm. Trên 6 và dưới hoặc 12 tháng là 8,15%. Dưới 36 tháng lãi vay là 8,7%. Trong đó, cao nhất 9,1% cho kỳ hạn vay  lớn hơn hoặc bằng 60 tháng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB Bank) có lãi suất cho vay cao nhất là 15%, đối với khoản vay lãi ngày kỳ hạn trung và dài hạn (tài sản đảm bảo khác bất động sản). Cùng loại vay này, nếu có tài sản đảm bảo là bất động sản thì lãi vay là 14%/năm. Lãi vay thấp nhất tại ACB là 9,5%/năm cho ngắn hạn, có đảm bảo bằng bất động sản.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM cho rằng để giữ ổn định lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao là các ngân hàng thương mại cần tiết giảm các loại chi phí, cấu phần tạo nên lãi suất cho vay.

Cùng ý đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, dù tăng lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng Nhà nước không điều hành lãi vay, vì đây là thoả thuận giữa ngân hàng và người vay.

Chia sẻ