Gợi ý thực đơn cho người tiểu đường đơn giản mà lại hấp dẫn, hội chị em giảm cân cũng áp dụng ngon lành

B.Phương,
Đánh giá:
Chế biến
Độ phức tạp
Chi phí
Khẩu phần

Nhà có người mắc bệnh tiểu đường thì nhất định phải xem bộ thực đơn sáng, trưa, tối này nhé!

Đối với người mắc bệnh tiểu đường thì chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng. Các chị em hãy tham khảo thực đơn dưới đây để nấu những bữa ăn đủ dưỡng chất cho người nhà bị tiểu đường nhé!

Thực đơn cho người tiểu đường

1

Bữa sáng: Khoai lang nướng bằng nồi chiên không dầu

Khoai lang rửa sạch rồi để ráo. Cho khoai nguyên củ, nguyên vỏ vào nồi chiên không dầu. Set nhiệt độ lần một ở khoảng 200 độ C trong 25 phút và lần 2 ở 210 độ C trong 10 phút. Không cần lật nhưng khoai lang vẫn sẽ chín đều. Đợi khoai lang nguội bớt là chúng ta có thể đem ra thưởng thức.

Thực đơn cho người tiểu đường - Ảnh 2.

Để giữ lượng đường trong máu ở mức kiểm soát, tốt nhất bệnh nhân tiểu đường nên ăn khoai lang vì chúng có chất xơ, cũng như nhiều loại vitamin khác. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một củ khoai lang luộc cỡ vừa chứa 3,75g chất xơ - bằng 15% lượng chất xơ mà cơ thể cần trong một ngày.

2

Bữa trưa: Thịt bò cuộn nấm kim châm nướng ăn cùng yến mạch, salad

Yến mạch cho vào rây lọc rửa sạch sau đó trộn thêm chút bột nghệ. Cho vào xửng hấp 20 phút, hấp xong cho chút dầu olive vào đảo đều cho hạt yến mạch mềm tơi, bóng đẹp.

Sốt trộn thịt bò: 1,5 thìa dầu hào, 1/2 thìa sốt cà chua, 1/2 thìa tương ớt, 1/2 thìa dầu olive. Trộn đều lên và cho 1/2 thìa mè chưa rang vào khuấy đều.

Thịt thăn bò thái mỏng. Sau đó cuốn thịt quanh nấm kim châm, phết chút sốt trộn phía trên. Xếp thịt bò cuộn nấm kim châm vào khay nướng của nồi chiên không dầu và nướng ở nhiệt độ 200 - 220 độ C trong 10 đến 15 phút.

Sốt dầu giấm trộn salad: Cho dầu olive vào chảo đun nóng vừa, phi thơm hành tây, hành tím băm nhỏ. Pha hỗn hợp 1 thìa canh nhỏ nước lọc, 1/2 thìa nước tương, 1 thìa đường ăn kiêng, 1 thìa giấm táo. Khuấy đều đổ vào nồi hành vừa phi. Đun thêm 1 - 2 phút nữa để sốt nguội rồi rưới lên salad. Các bạn nên chọn các loại rau như xà lách, dưa chuột nhé!

Thực đơn cho người tiểu đường - Ảnh 5.

Ảnh: Loan Trần

Người tiểu đường nên ăn phần nạc của thịt bò. Thịt bò khi ăn vào buổi tối sẽ khiến cho gan hoạt động nhiều vì thế thời gian tốt nhất để ăn đó là các bữa ăn ban ngày.

Yến mạch nguyên chất là một trong những thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường vì chúng chứa một chất xơ gọi là beta-glucan, có tác dụng chống bệnh tiểu đường.

Dưa chuột có tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Nghiên cứu cho thấy dưa chuột chỉ chứa 1,6% đường, là loại thực phẩm vô cùng lành mạnh cho bệnh nhân đái tháo đường.

3

Bữa tối: Canh mướp đắng nhồi thịt, cơm gạo lứt cuộn rau củ

Thịt rửa sạch băm nhỏ cho vào bát. Nấm hương ngâm mềm rồi thái nhỏ. Đập trứng vào bát thịt. Thêm nước tương, dầu hào, muối, đường và rượu nấu ăn vào trộn đều. Mướp đắng cắt khúc, loại bỏ hạt rồi rửa sạch.

Đun sôi lượng nước nóng thích hợp trong nồi cùng chút muối và vài giọt dầu ăn. Cho mướp vào luộc sôi khoảng 3 phút sau đó vớt mướp ra bát nước lạnh (nước lạnh giúp loại bỏ vị đắng trong quả mướp và giúp mướp có màu xanh đẹp mắt hơn). Mướp sau khi vớt ra bát nước lạnh thì nhồi nhân thịt vào giữa.

Đặt đĩa mướp nhồi thịt vào nồi hấp, hấp trong khoảng 15 phút. Trong lúc hấp mướp bạn có thể đun sốt nước tương: Cho nước tương, dầu hào vào chảo rồi thêm nước bột năng vào đun cho hơi sánh lại là được. Mướp chín thì chan phần sốt vừa nấu lên trên.

Thực đơn cho người tiểu đường - Ảnh 6.

Với món cơm cuộn các bạn trải rong biển ra, tiếp theo trải trứng tráng trên lớp rong biển. Sau đó cho cơm lứt đã trộn dầu mè dàn đều. Tiếp đó cho cà rốt, quả đậu, nấm đùi gà hấp chín vào giữa sau đó cuộn lại và cắt miếng vừa ăn. 

Sốt chấm cơm cuộn: 2 thìa ăn cơm mayonaise + 1,5 thìa cafe nước tương + 1 thìa cà phê tương ớt. Tất cả trộn đều lên là xong.

Thực đơn cho người tiểu đường - Ảnh 9.

Ảnh: Loan Trần

Mướp đắng có vị đắng, tính lạnh, chứa hàm lượng vitamin C cao. Các nghiên cứu dược lý đã phát hiện ra rằng chất saponin của mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết rất rõ rệt, không chỉ có tác dụng giống insulin mà còn có chức năng kích thích tiết ra insulin.

Gạo lứt giúp giảm cholesterol xấu, ổn định huyết áp, bảo vệ hệ tim mạch, tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, cải thiện chứng rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, hấp thụ kém. Đặc biệt gạo lứt giúp ổn định đường huyết trong cơ thể, giúp hỗ trợ phòng và điều trị các biến chứng bệnh tiểu đường.

Các bạn có thể tham khảo thực đơn này nếu nhà có người mắc bệnh tiểu đường nhé!

Chia sẻ