Gọi con là "thằng", con gọi bố là "mày"

K. Minh,
Chia sẻ

“Mày làm gì thế, sao lại vứt ô tô ra kia?". Nói rồi cu Sún quay ra các bạn giải thích: “Bố tớ toàn nói chuyện như thế với bạn. Chúng mình cũng nói chuyện kiểu như thế nhé”.

Trẻ lên ba cả nhà học nói

Cậu con trai 3 tuổi đang ở cái tuổi học nghe học nói, cả ngày bi bô nên nhà anh Hưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Không lần nào đi qua nhà anh mà không thấy giọng bố con anh đang chí choét: “Cháu tên là gì?  Cháu tên là Bi. Bi mấy tuổi? Bi năm nay 3 tuổi. Nhà Bi ở đâu? Nhà Bi ở…”

Tuy nhiên, đó là lúc anh Hưng vui vẻ, muốn chơi với con. Còn trong sinh hoạt hàng ngày, anh Hưng rất ít khi chú ý đến lời ăn tiếng nói của mình. Câu cửa miệng của anh mỗi khi đi làm về là: “Thằng con trai của bố đâu rồi?”, hoặc những lúc nói chuyện với người khác, anh Hưng thường nói một điều “Thằng cu Bi”, hai điều “Thằng cu Bi”… Những lúc cáu lên, anh toàn nói với con là “thằng” và “mày”: “Thằng này… mày… mày…”.

Ảnh Internet.

Không ít lần vợ anh nhắc nhở phải cẩn thận trong nói năng không là con sẽ học theo, nhưng anh Hưng chỉ xuề xòa cười: “Ôi dào, lo gì, thằng bé còn nhỏ, biết đâu mà học theo”.

Cũng có con nhỏ học nói, anh Minh ý thức được việc con có thể học theo bố mẹ bất cứ điều gì. Tuy nhiên, mặc dù không bao giờ xưng hô “mày, tao” hay nói những từ đệm vào mỗi câu khi nói chuyện với con nhưng anh lại thường xuyên thêm vào khi nói chuyện với người khác. Thậm chí có những hôm đang ngồi chơi cùng con, có điện thoại anh cũng bô lô ba la nói chuyện và không quên kèm theo những từ không mấy dễ nghe trong mỗi câu thoại. Quay lại thấy con trai tròn mắt, anh Minh chỉ cười hỉ hả giải thích: “Bố nói chuyện với bạn bố ấy mà”.

Hậu quả bất ngờ

Ai cũng biết câu “trẻ lên ba cả nhà học nói”, học nói ở đây không phải là học nói theo con mà là phải học nói làm sao để con học theo. Nói đơn giản là người lớn phải nói năng cẩn thận, chú ý ngôn từ để con không bắt chước nói theo những từ ngữ mà một đứa trẻ không nên học.

Anh Hưng đã rất bất ngờ khi một hôm hai bố con cùng chơi đùa, cố tình trêu con, anh Hưng cù liên tục vào bụng con làm cu Bi cười mãi thì phát cáu lên. Bất ngờ, cu Bi đứng phắt dậy quát: “Mày còn nghịch nữa là ăn đòn đấy”. Trợn mắt nhìn con, anh Hưng giơ tay định đánh con và mắng: “Thằng này láo thật đấy, muốn ăn đòn không”, thì cu Bi liền nói theo: “Thằng này láo”. Chỉ đến khi mẹ chạy ra dàn xếp thì hai bố con mới không “cãi nhau”. Lúc này anh Hưng mới nhận ra do mình thường hay mắng còn là “thằng”, là “mày” mà giờ đây con anh học được rất nhanh.

Ảnh Imagine

Còn anh Minh cũng được một phen giật mình vì con. Vừa đi làm về, thấy tiếng trẻ con léo nhéo trong nhà, anh biết ngay mấy đứa trẻ con hàng xóm lại sang chơi với Sún nhà anh. Nhưng vừa bước vào cửa anh đã nghe thấy giọng con trai nói rất to: “Mày làm gì thế, sao lại vứt ô tô ra kia. Tao nói mày có nghe không? Tao đập chết giờ”. Chưa kịp mắng con thì anh lại nghe con nói tiếp: “Bố tớ toàn nói chuyện như thế với bạn. Chúng mình cũng nói chuyện kiểu như thế nhé”.

Trẻ con như tờ giấy trắng, ngay khi con hiểu được vấn đề và học nói là lúc cha mẹ cần định hướng những gì đúng đắn cho con.

Nhiều gia đình, cả ba mẹ và ông bà đều không ý thức được việc nên chọn lựa từ ngữ thế nào mà cứ vô tư nghĩ rằng sau này con lớn sẽ tự ý thức hoặc sẽ dạy con lại sau. Nhiều khi thấy bé nói được những từ “người lớn” một cách ngộ nghĩnh, các bậc phụ huynh không thấy khó chịu mà còn vô cùng thích thú. Thực chất những tiếng nói đầu đời rất ý nghĩa với con trẻ, là cột mốc đầu tiên cho những câu nói khác để mở rộng kỹ năng giao tiếp xã hội, vậy nên mọi từ ngữ bé học được đều được vận dụng và khó sửa đổi về sau.
Chia sẻ