Đường dây nhập cảnh trái phép bị phanh phui: Những kẻ môi giới có thể bị phạt tiền đến 25 triệu đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Sau Ths - Luật sư Đặng Văn Cường với tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra trên thế giới thì việc nhập cảnh trái phép cũng như "giúp đỡ" nhập cảnh trái phép sẽ để lại nhiều nguy cơ phức tạp.

Triệt phá đường dây người Trung Quốc nhập cảnh, lưu trú trái phép vào Quảng Nam, Đà Nẵng

Mới đây, Một người mang quốc tịch Trung Quốc trong đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vừa bị bắt. 

Ngày 26/7, Công an tỉnh Quảng Nam và Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp bắt giữ 1 người trong đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng, Quảng Nam.

Cũng trong ngày 26/7, ông Trương Xuân Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện 199 Bộ Công an (tại Đà Nẵng), cho biết đã hoàn thành việc cách ly cho 5 người Trung Quốc - đây là nhóm người bị Công an Đà Nẵng phát hiện có hành vi nhập cảnh, lưu trú trái phép trên địa bàn TP Đà Nẵng và đưa đến cách ly tại bệnh viện 199.

Theo đó, Công an 2 địa phương đã theo dõi, ập vào 1 nhà nghỉ ở quận Ngũ Hành Sơn và bắt giữ người đàn ông có quốc tịch Trung Quốc tên là Cao Lượng Cố, SN 1978.

Đường dây nhập cảnh trái phép bị phanh phui: Những kẻ môi giới có thể bị phạt tiền đến 25 triệu đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Đối tượng Cao Cố Lượng có quốc tịch Trung Quốc.

Bước đầu, Cố đã khai nhận là thành viên trong đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đưa đến lưu trú tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Chánh văn phòng Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết công an Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp điều tra để triệt phá đường dây này.

"Đây là 1 đối tượng trong đường dây, chưa phải là kẻ cầm đầu. Các đối tượng trong đường dây này sẽ sớm được điều tra làm rõ, xử lí nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", Đại tá Dũng nói.

Mức án nào cho những kẻ môi giới nhập cảnh bất hợp pháp?

Việc nhập cảnh vào nước ta phải đảm bảo các điều kiện theo quy đinh của pháp luật. Mọi trường hợp nhập cảnh trái phép đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ từng tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, Tại điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau: 

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như:

- Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; 

- Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép; 

- Cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc khai không đúng sự thật khi bảo lãnh, mời hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam;...

Trong trường hợp người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về trường hợp trên mà còn vi phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 347 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

"Giúp đỡ" người khác nhập cảnh trái phép có thể bị phạt từ 15 triệu đồng đên 25 triệu đồng - Ảnh 1.

Thạc sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường.

Ths - Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm, dưới góc độ pháp lý, Điều 20 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định về điều kiện nhập cảnh đối với người nước ngoài.

Những trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật nhập cảnh, bao gồm:

- Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật nhập cảnh;

- Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; 

- Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú;

- Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; 

- Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; 

- Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; 

- Vì lý do phòng, chống dịch bệnh; Vì lý do thiên tai; Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, với tình trạng nhập cư trái phép vào nước ta là đặc biệt nguy hiểm, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid 19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát và nước ta vẫn đang thắt chặt các biện pháp cấm nhập cảnh để kiểm soát dịch bệnh. 

Nếu để lọt các đối tượng này thì không chỉ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại mà còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội. Bởi lẽ, một số đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động phi pháp, thực hiện những hành vi trái pháp luật như sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tổ chức đánh bạc trên mạng internet với quy mô xuyên quốc gia hay gây bạo động lật đổ chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị. 

Do đó, việc kiểm soát an ninh đối với người nước ngoài là thật sự cần thiết. Vì vậy nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép cần xử lý thật nghiêm để thể hiện tính răn đe, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép thì các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cần tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ người ngoài nhập cảnh.

Tăng cường phối hợp với Bộ đội biên phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới, làm tốt công tác quản lý công dân nhập cảnh, nhất là các đường tiểu ngạch. 

Tăng cường công tác nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện những người nhập cảnh, dẫn dắt đưa người nhập cảnh trái phép để xử lý kịp thời. 

Đồng thời, để công tác đấu tranh với hoạt động nhập cảnh trái phép qua biên giới đạt được hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp từ biên giới đến nội địa.

Theo quy định tại Điều 348 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018):

1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:

Khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất - nhập cảnh.

Chủ thể: Chủ thể của tội danh này là chủ thể thường, bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.

Mặt khách quan: Hành vi môi giới (đóng vai trò là trung gian, cầu nối) cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vì mục đích vụ lợi.

Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

- Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội:

Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (Khoản 2) hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (Khoản 3).

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chia sẻ