Giữa Sài Gòn, có một trường mẫu giáo không có lớp học để trẻ thỏa sức “dầm mưa dãi nắng” cả ngày
Trước khi thực hiện bài viết này, tôi có đọc một bài báo đăng trên trang BBC, bài báo cho biết, nhu cầu gửi con tới các trường mẫu giáo thiên nhiên, trường học trong rừng ở London (Anh) ngày một tăng cao, đến mức chuyên gia và nhà nghiên cứu các lĩnh vực phải kêu gọi thêm những nghiên cứu công phu và kĩ càng về xu hướng này. Bài báo xuất hiện sau khi một vườn trẻ ở London là Little Forest Folk tiết lộ, danh sách chờ ghi danh vào 5 cơ sở của họ ở Chiswick, Barnes, Wandsworth, Fulham và Wimbledon hiện đã lên tới 2.100 học sinh.
“Forest Nursery, Forest schools, Forest schooling, Forest Kindergarten” (trường học trong rừng) là những từ khóa “nóng” trong vài năm trở lại đây. Các trường học trong rừng hiện đang phát triển mạnh mẽ ở một số nước Châu Âu (Đức, Anh), đặc biệt là các nước vùng Scandinavia và Mỹ; ngay cả ở Nhật Bản, các trường học kiểu này cũng đang trở thành sự lựa chọn thu hút nhiều cha mẹ. Đó là những trường học hoặc mô hình giáo dục mà lớp học chính là không gian thiên nhiên, nơi trẻ nhỏ sẽ dành cả một ngày ở trường và tất cả các ngày trong tuần để vui chơi, khám phá ngoài trời, bất kể điều kiện thời tiết như thế nào. Ở Việt Nam, có thể nói Konnit Kindergarten là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên được xây dựng theo “đúng chất” và đúng tinh thần của một trường học trong rừng.
Khi đặt những bước chân đầu tiên vào Konnit, tôi thầm nghĩ “Thật giống một khu nghỉ dưỡng!”. Không tiếng nhạc “thùng thình” đổ ra từ những chiếc loa lớn tôi vẫn nghe thấy khi đi qua các trường mầm non vào buổi sáng, không cảnh các cô giáo xếp hàng ở cổng trường để bế ẵm đón trẻ vào lớp, cũng không có màn lũ nhóc khóc lóc bấu chặt lấy bố mẹ nước mắt giàn dụa “con không đi học đâu”… Các bạn nhỏ ở Konnit được bố mẹ thả ở cổng trường rồi tự mình kéo balo đi trên con đường đá ngoằn ngoèo vào trong trường, cất balô rồi ra ăn sáng cùng các bạn, một cách chủ động và nhanh nhẹn.
Konnit không có một phòng học nào, cũng không có một bức tường hay cánh cửa nào, cả một khu đất rộng hàng nghìn mét vuông và thiên nhiên đa dạng chính là lớp học của các bạn nhỏ ở đây. Một khu vườn cỏ mọc um tùm thơm mùi rơm rạ, với nhà cây, cầu treo, với lò nướng ngoài trời và hàng trăm món quà kì diệu biến đổi hàng ngày mà thiên nhiên mang tới chính là những bài học mà lũ trẻ khám phá mỗi ngày. Hằng ngày, lũ trẻ ở Konnit sẽ cùng nhau tắm nắng, quậy với nước, chơi với hoa cỏ theo sự dẫn dắt của trí tưởng tượng, của trí tò mò và trái tim hồn nhiên, can đảm có sẵn trong bất cứ đứa trẻ nào. Các cô giáo sẽ chỉ là những người quan sát, hỗ trợ và làm mẫu khi cần.
Sau bữa sáng, các bạn nhỏ ở Konnit có bài tập thể chất khởi động buổi sáng thú vị và độc đáo vô cùng. Ở sân trung tâm của trường có một đống các cuộn rơm khổng lồ cuộn chặt xếp chèn lên nhau, một ván gỗ được bắc lên làm cầu, cô giáo cầm một món đồ chơi nhỏ tung vào đống rơm, thử thách đưa ra là hãy tìm món đồ chơi thật nhanh. Thế là lũ trẻ thoăn thoắt bò lên cầu, có bạn nhảy cóc qua những cuộn rơm, mấy bạn nhỏ quá hụt chân tụt xuống giữa cuộn rơm còn thò bàn tay nhỏ xíu lên vẫy vẫy báo hiệu cho các anh chị lớn hơn tới cứu. Lũ trẻ cứ lăn lộn, cười đùa khanh khách với nhau như thế cho đến khi tìm được món đồ chơi lọt thỏm ở đâu đó. Chơi chán ở đống rơm, lũ trẻ lại kéo nhau ra trèo nhà cây và chạy thi qua cầu treo, chiếc cầu dây treo đung đưa thử thách khả năng thăng bằng của cả người lớn mà bạn nhỏ nào cũng hăm hở vượt qua; đứa đi lò dò, đứa chạy cái vèo, đứa bò lổm ngổm, đứa men theo thành cầu…
Tôi nhớ mãi một cô bé tóc xoăn bé xíu, khi đang trèo thang dây lên nhà cây thì bị trượt chân ngoắc vào dây cứ thế lơ lửng và khóc òa lên, nhưng nhất định không kêu ai tới cứu. Cô giáo trông thấy vậy cũng chỉ đứng lại gần khích lệ và hướng dẫn: “Con làm được mà, chỉ cần đưa cái chân phải ngoắc lên xíu là được!”, khoảng 5 phút loay hoay trong nước mắt, cuối cùng cô bé cũng làm được. Cũng là một người mẹ, tôi thấy đó thực sự là 5 phút dài như thế kỷ, khi mà chỉ cần lao đến, nhấc em bé lên là xử lý xong vấn đề, nhưng cách cô giáo bình thản, chờ đợi cô bé tự xoay xở với thái độ đầy tin tưởng khiến tôi thực sự xúc động. Không phải cô giáo mầm non nào cũng có thể và được “cho phép” xử lý một “sự cố” theo cách như vậy.
Còn “giờ học” mỹ thuật của lũ trẻ thì sao? Chúng phải tự đi kiếm chất liệu cho bài học của mình trong khắp khu vườn, bạn được giao nhặt lá khô, bạn được phân công nhặt hoa rơi, bạn thì nhặt cành gãy, thế là mỗi bạn một chiếc giỏ tre, tha thẩn khắp trường “làm nhiệm vụ”. Kiếm đủ nguyên liệu, tất cả tụ lại quanh cô để tô màu lên lá cây, được cô hướng dẫn đính lá, đính hoa lên bìa để làm thành một bức tranh theo trí tưởng tượng của mình. Một giờ học diễn ra tự nhiên, đầy ắp niềm vui và sự chủ động của các bạn nhỏ.
Các hoạt động khác ở Konnit cũng vậy, các bạn nhỏ luôn là người phải chuẩn bị và hoàn toàn chủ động cho hoạt động của mình: Muốn có chè hạt lựu cốt dừa ăn bữa xế thì phải phân công nhau đi nhặt củi khô, rơm khô và đập than củi cho cô nhóm bếp; muốn có đồ ăn thì phải xếp hàng để tự xúc vào bát của mình; muốn uống nước thì tự ra bình nước rót, nếu không hào hứng với hoạt động chung cùng các bạn thì tự mình nghĩ ra trò khác thú vị hơn để chơi, nếu ngã thì tự đứng dậy, nếu khóc thì ngay lập tức sẽ có bạn ra xoa dịu, vỗ về…
Các bạn nhỏ ở đây dường như vì phải TỰ làm mọi việc bằng bản năng sinh tồn của mình nên chúng vô cùng gắn bó và hỗ trợ nhau. Suốt một ngày ở đây, tôi không thấy em bé nào tranh chấp, đánh bạn hay đòi hỏi gì từ người lớn, chúng cứ hăm hở làm mọi việc, hăm hở khóc, hăm hở cười và chia sẻ mọi khoảnh khắc hồn nhiên đó với tất cả bạn bè mình. Nhìn những đứa trẻ lanh lẹ, thành thục và chủ động trong mọi việc, tôi không thể tin là các bé học sinh ở đây đều mới chỉ từ 18 tháng cho đến 3 tuổi.
Việc sắp đặt và thiết kế một ngôi trường thiên nhiên khó khăn và thử thách hơn việc xây dựng một ngôi trường “công nghiệp” rất nhiều, bởi mọi thứ trong một ngôi trường thiên nhiên đều có thể trở thành một bài học, một thử thách, một trải nghiệm thú vị của các bạn nhỏ. Ở Konnit, mọi học cụ, đồ chơi, đồ dùng của các bạn nhỏ đều được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên như gỗ, lá, tre nứa, rơm rạ và đều là những món đồ THẬT, những đồ dùng mà trẻ nhìn thấy, trải nghiệm hằng ngày ở nhà hay quan sát thấy trong cuộc sống.
Konnit không phải là một sự lựa chọn tốt cho những phụ huynh ưa sạch sẽ, bởi chỉ sau vài phút đến trường, lũ trẻ đã lấm lem nhem nhuốc từ đầu đến chân; càng không phải sự lựa chọn cho các phụ huynh “yếu tim”, coi con mình là “bảo bối” bởi các bạn nhỏ từ 2 tuổi đã được học cách bật diêm nhóm lửa, dùng búa đập than, múc đồ ăn từ nồi đang nóng… thêm vào đó mức học phí cũng ở mức phân khúc trên khoảng từ 8-10 triệu đồng/ tháng. Thế nhưng, nếu đã lựa chọn thì đó là sự lựa chọn hoàn toàn xứng đáng, bởi không phải cứ có thật nhiều tiền là các bố mẹ đều có thể mua được cho con một nơi trú ẩn của tuổi thơ, để mà lưu giữ lại những khoảnh khắc thật sự hồn nhiên của những đứa trẻ được phép là CON NÍT.