Giữa châu lục nguy hiểm nhất, có một đất nước "được" Covid-19 lãng quên

J.D,
Chia sẻ

Đất nước này vẫn sống trong những ngày của năm 2019. Mọi thứ chẳng khác gì cả, như chưa từng có sự xuất hiện của thứ virus chết người.

Khu vực điều trị chính cho Covid-19 trống trải suốt hàng tháng trời. Những khu cách ly bị phủ mờ bởi cát bụi. Trên đường phố, khẩu trang không có chút bóng dáng, và suốt nhiều ngày qua chẳng có ca dương tính với Covid-19 nào. Nhu cầu tiêm vaccine cũng là rất thấp, đến mức chính phủ phải gửi hàng vạn liều ra nước ngoài cho những nơi cần đến.

Đó là Niger, một quốc gia tại Tây Phi, một đất nước virus corona đã vô tình bỏ quên.

Giữa châu lục nguy hiểm nhất, có một đất nước được Covid-19 lãng quên - Ảnh 1.

Khung cảnh nhộn nhịp ở Niger, như chưa từng có Covid-19

Điều kỳ diệu của đất nước nghèo khó ở châu lục rủi ro nhất

Đất nước rộng lớn ở Tây Phi, nơi có tỉ lệ sinh và nghèo cao nhất thế giới đã từng được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá là một trong những nước dễ tổn thương nhất trong đại dịch. Liên hợp Quốc (UN) thì dự đoán dịch bệnh có thể giết chết hàng triệu người ở đây.

Nhưng suốt 1 năm qua, khi nhiều đất nước của châu Phi đã phải đón nhận đến làn sóng dịch thứ 3 với số ca nhiễm kỷ lục, lại nằm trong số các nước hiếm hoi ở rìa phía Nam sa mạc Sahara thoát khỏi sự tấn công của Covid-19.

Nguyên nhân, theo các chuyên gia đánh giá, có bao gồm việc khí hậu ở đây nóng và khô. Hơn nữa, cư dân tại Niger sinh sống rải rác, ít kết nối, cộng thêm quy mô dân số trẻ - tất cả đã tạo ra một trường hợp hết sức đặc biệt để nghiên cứu về sự tiến hóa của Covid-19.

Giữa châu lục nguy hiểm nhất, có một đất nước được Covid-19 lãng quên - Ảnh 2.

Có rất ít bằng chứng cho thấy sự hiện diện của Covid tại Niamey, thủ đô của Niger

Giữa châu lục nguy hiểm nhất, có một đất nước được Covid-19 lãng quên - Ảnh 3.

Đất nước trốn thoát Covid-19 thành công

Theo các bác sĩ, sự lây lan của biến chủng Delta, cũng như việc biên giới Niger đang mở cửa những tuần gần đây đang mang đến rủi ro khá lớn, nhất là khi phần đông người dân ở quốc gia này chưa được tiêm vaccine và hệ thống y tế khá nghèo nàn. Nhưng tại Niamey, thủ đô lặng lẽ bên bờ sông Niger, có rất ít bằng chứng về sự tồn tại của một dịch bệnh đang gây tai họa cho cả châu lục, và cho cả thế giới nữa.

Tại Le Pilier - nhà hàng nổi tiếng tại địa phương, chủ sở hữu người Ý tên Vittorio Gioni cho biết nhà hàng đều kín bàn vào cuối tuần, và mọi chuyện diễn ra chẳng khác gì so với cách đây 2 năm. Việc kinh doanh bị sụt giảm vào mùa xuân năm 2020 khi biên giới bị đóng cửa, nhưng cũng nhanh chóng phục hồi. Theo lời Sani Issoufou, Bộ trưởng dầu mỏ, một trong những khách quen của nhà hàng: "Ở đây chúng tôi vẫn đang sống như những ngày năm 2019."

Tính đến giữa tháng 6/2021, Niger - đất nước có số dân 24 triệu, chỉ cao hơn bang New York của Mỹ một chút - xác nhận 194 trường hợp tử vong và 5.500 ca nhiễm kể từ tháng 3/2020. Con số này thua xa so với chỉ một vùng San Marino nhỏ bé của Ý, với dân số 34.000 người.

Giữa châu lục nguy hiểm nhất, có một đất nước được Covid-19 lãng quên - Ảnh 4.

Đất nước từng bị xem là có rủi ro rất lớn khi đại dịch bùng phát, nhưng rốt cục chẳng có gì xảy ra cả

"Chúng tôi đã dự đoán sẽ bị quá tải bởi các ca nhiễm, nhưng chuyện đó chưa từng xảy ra," - Adamou Foumakoye Gado, bác sĩ gây mê hàng đầu tại khu điều trị tích cực Covid-19 của Niger.

"Virus dường như có vòng đời rất ngắn tại đây," - ông nói thêm, trong lúc rảo bước trong hành lang khu điều trị 70 giường ở Niamey. Với việc không có bất kỳ ca bệnh nào cần điều trị tích cực kể từ tháng 4, ông Gado giờ đang hướng về việc nghiên cứu căn bệnh nghiêm trọng hơn với họ: Sốt rét.

Cuối tháng 5/2021, Niger thậm chí làm một điều được xem là bất thường nhất trong đại dịch: Họ gửi 100.000 liều vaccine AstraZeneca cho Bờ Biển Ngà - quốc gia cũng tại Tây Phi với cơ cấu dân số tương đồng nhưng chỉ bằng 1/4 diện tích và có số ca nhiễm cao hơn gấp 10 lần. Họ cũng đã ưu tiên tiêm chủng cho người lao động thiết yếu, nhưng đại đa số công chúng thì chưa được tiêm.

Trong khi đó, tại trung tâm xét nghiệm của Niamey, nhiều ngày trôi qua mà không có ca dương tính nào xuất hiện. 4 túp lều cỡ lớn dùng để cách ly bệnh nhân hồi đầu đại dịch giờ được tận dụng là nơi chứa đồ. Mà cũng chẳng nhiều, chỉ vài đôi ủng cao su và xô chậu.

Trong cái rủi có cái may

Niger đến lúc này có thể nói đã tránh được sự công kích nặng nề nhất của đại dịch, khi so với nhiều nơi khác tại châu Phi. Như Uganda - đất nước nằm trên đường xích đạo, các bệnh viện trở nên quá tải vì biến chủng mới trong những tuần gần đây. Bệnh nhân chết dần khi đang chờ đợi giường bệnh.

Kể từ khi virus xuất hiện tại châu Phi hồi đầu năm 2020, tỉ lệ lây nhiễm đã luôn ở mức thấp tại vành đai Sahel - khu vực rộng 3000 dặm phía Nam Sahara, trong đó có lãnh thổ của Niger. Suốt đại dịch, tỉ lệ dương tính của Niger chỉ là 4,5% trên tổng cộng 125.000 lần xét nghiệm. So sánh với những đất nước có tỉ lệ xét nghiệm đầu người tương đồng, Afghanistan và Madagascar lần lượt là 16% và 30%.

Giữa châu lục nguy hiểm nhất, có một đất nước được Covid-19 lãng quên - Ảnh 5.

Khu khám bệnh điều trị Covid-19 trống trải của Niger

Việc sở hữu tỉ lệ lây nhiễm thấp đã thu hút sự chú ý của các nhà dịch tễ học và chuyên gia WHO. Họ kết luận rằng quốc gia này sở hữu môi trường thù địch nhất dành cho Covid-19. Với khí hậu nóng và khô đến cùng cực, vành đai Sahel trên thực tế cũng nằm trong số những nơi khó sống nhất của hành tinh này.

"Đặc điểm khí hậu này cực kỳ... có hại cho virus tồn tại trên cơ thể," - Tiến sĩ Gado cho biết. "Đây đúng là trong cái rủi lại có cái may."

Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời và nhiệt độ có thể giảm rủi ro lây nhiễm của virus, cả qua đường không khí lẫn tiếp xúc bề mặt. Theo giả định của Bộ Y tế Hoa Kỳ, sử dụng tia cực tím, nhiệt độ và độ ẩm để so sánh New York và Niamey, kết quả cho thấy tốc độ lây nhiễm chỉ bằng 1/2 mà thôi.

Giữa châu lục nguy hiểm nhất, có một đất nước được Covid-19 lãng quên - Ảnh 7.

Phân nửa dân số Niger là trẻ em dưới 15 tuổi

Nhưng Niger không chỉ có khí hậu. Họ có dân số trẻ nhất thế giới, với hơn 1/2 là trẻ em dưới 15 tuổi. Người dân sinh sống ở những khu tách biệt - cũng là một rào cản dành cho dịch bệnh.

"Niger có cộng đồng chăn nuôi rất lớn, dành nhiều thời gian ở ngoài trời với điều kiện thông khí tốt. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khả năng lây nhiễm," - trích lời Osman Dar, chuyên gia y tế từ Anh.

Ngoài ra, chính sách của Niger cũng có đóng góp phần nào. Ngay từ tháng 3/2020, chính phủ đã tiến hành phong tỏa, cấm tụ tập cầu nguyện tôn giáo tại các nhà thờ, và đóng cửa biên giới. Họ làm vậy ở thời điểm 5 tháng trước khi Anh tiến hành chặn di chuyển quốc tế.

"Chúng tôi lấy dao mổ trâu để giết gà," - Tổng thống Mohamed Bazoum từng nói ở thời điểm ông mới là Bộ trưởng Nội vụ. "Virus đã tới, nhưng nó chưa từng lây lan mạnh."

Trên thực tế, Covid-19 chỉ là dịch bệnh gần nhất của một khu vực vốn chìm sâu vào khủng hoảng. Từ những cuộc nổi dậy của người Hồi giáo, biến đổi khí hậu làm hạn chế nguồn cung nông nghiệp, cho đến những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Và dù có né tránh được thảm kịch từ dịch bệnh, nền kinh tế của Niger cũng chẳng khá hơn là bao. Số người thuộc diện cực nghèo tại đây vốn chiếm hơn nửa dân số đã tăng hơn 400.000 người do ảnh hưởng của đợt phong tỏa hồi năm 2020. Trên đường phố thủ đô, số người quỳ lạy xin ăn cũng đã tăng mạnh.

Với người Niger, thứ họ lo lắng chẳng phải dịch bệnh. Tài xế Moussa Soumoula là một ví dụ. Ông chẳng lo nghĩ về chuyện tiêm vaccine, mà lo lắng không biết khi nào lương sẽ được trả.

"300 người tại khu tôi, chỉ 1 người dương tính," - Soumoula chia sẻ. Sự đau đầu của ông dành cho khoản tiền 200 đô (khoảng 4,6 triệu đồng) học phí còn nợ cho các con, sau khi chính phủ ban hành quy định hạn chế số hành khách ông có thể chở mỗi chuyến.

Nguồn: WSJ

Chia sẻ