Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ chuyện “chiều” vợ trẻ

Mai Hạnh,
Chia sẻ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang viên mãn với tổ ấm được xây dựng ở tuổi 65 với người vợ trẻ kém ông 30 tuổi. Nghe ông chia sẻ câu chuyện riêng tư về gia đình, chúng tôi mới hiểu vì sao dù luống tuổi nhưng ông vẫn được yêu, được… ngưỡng mộ!

Hạnh phúc không phải che dấu hay tô vẽ

Ông từng nói “80 tuổi vẫn kiếm tìm hạnh phúc” nhưng lại không đồng tình với quan điểm cho rằng mình đào hoa. Vì ông cho rằng mình chỉ có một số ít phụ nữ thích trong khi người đào hoa được đa số phụ nữ “muốn vơ vào”. Ông tự nhận ra điều phụ nữ thích mình là ở chỗ góc cạnh, gây được ấn tượng và có gì đó thu hút ở nội tâm, phong thái chứ không phải ở hình thức.

Trước đây, khi đã ở tuổi 65, ông không chỉ yêu mà còn tự tin làm đám cưới với nàng ca sĩ kém mình tới 30 tuổi. Điều này, khiến không ít bạn bè lo lắng khuyên ông đừng nên động lòng, ngồi yên một chỗ hưởng tuổi già. Nhưng ông lại có quan niệm hoàn toàn khác “không vui một mình, hưởng thụ một mình. Tình yêu luôn là điều cao cả, nó đến thì phải tiếp nhận”. Ông đã “đón nhận” và đến thời điểm hiện tại ông đang rất viên mãn với tổ ấm của mình.

Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ chuyện “chiều” vợ trẻ - Ảnh 1.

GS Đặng Hùng Võ với đôi mắt sáng và nụ cười cuốn hút người đối diện. Ảnh: P.V

Nói về các con, ông chia sẻ: “Tất cả các con của tôi đều được đối xử rất công bằng, cả về vật chất và tình cảm. Tất cả các con tôi đều rất thương và tự hào về bố của chúng. Tôi có 4 người con chia thành 2 nhóm theo tuổi tác. Hai đứa lớn một trai và một gái đã ngoài 40 tuổi rồi, đã là chủ của gia đình riêng độc lập, không có việc gì bố mẹ phải cùng lo cả. Cả hai đều ủng hộ bố tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn rất tốt đẹp. Hai đứa nhỏ đều chưa đầy mười tuổi, là con của vợ tôi hiện đang sống với tôi”.

Theo quan điểm của ông, chuyện đi bước nữa không có gì phức tạp. “Mệnh của tôi là “thân lập thân”, bố, mẹ, cô, dì, chú, bác cũng không can dự gì vào mọi ngõ ngách của cuộc đời tôi”. Vậy nên chuyện đi thêm bước nữa của ông cũng diễn ra nhẹ nhàng, êm ru. Nhưng khi trả lời PV về kinh nghiệm ứng xử tình huống khó, ông xuề xòa: “Kinh nghiệm giải quyết những việc éo le thì tôi không có đâu. Tôi vẫn chọn cách sống hồn nhiên nhất. Yêu, ghét rất phân minh, không vì bất cứ lý do gì để yêu phải thành ghét, cũng như ghét lại thành yêu”.

Ông cho rằng, mọi sự đều chẳng có gì phải che giấu hay tô vẽ, nhất lại là hạnh phúc. Nên ông sống thật, mỗi lần chia tay đều muốn giải quyết dứt khoát những gì còn lại một cách toàn vẹn nhất. Những cuộc hôn nhân đổ vỡ của ông đều do cả hai bên cảm thấy không tiếp tục được nữa và thống nhất dừng lại, giữ mối quan hệ bình thường như những người bạn.

Mọi chuyện sau đó đều được ông giải quyết ổn thỏa, ngay cả việc chia tài sản. “Tôi vẫn luôn giữ quan điểm cuộc sống thực như thế nào hãy để nguyên như vậy, không cần phủ những thứ hào nhoáng lên để che đậy đi những sự thật mọi người cần biết. Chuyện đời sống, gia đình của tôi cũng minh bạch như chuyện kiếm tiền vậy”, ông chia sẻ.

Là người… chiều vợ

Mỗi người có một định nghĩa riêng cho mình về “gia đình” đó là mái ấm hạnh phúc lớn nhất, nơi ta được yêu thương chăm sóc, lo lắng, chở che. Với ông cũng vậy, gia đình phải là nơi trú ngụ bình yên, yêu thương và vui vẻ. Ông mạnh mẽ, quyết liệt trong việc xây tổ ấm bất chấp hai lần đổ vỡ và cũng sẵn sàng làm mọi điều để giữ lửa cho tổ ấm của mình, đem đến hạnh phúc cho người vợ trẻ và những đứa con.

Ông cho rằng, phụ nữ sinh ra đã vất vả hơn đàn ông, bởi họ có thiên chức làm mẹ, mang nặng đẻ đau, sinh và chăm sóc con. Bởi vậy, đàn ông phải làm mọi điều có thể để bù đắp cho những mệt nhọc hi sinh đó. Ông quan niệm rằng, đàn ông có làm chủ về kinh tế, làm ra tiền của, cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm so với những đóng góp cho gia đình của phụ nữ. Công việc dù có bận rộn đến mấy, ông cũng “ghé vai”, sẵn sàng giúp vợ chăm sóc con nhỏ, dù hôm nào ông cũng thức đến 3,4 giờ sáng để làm việc.

Ông cũng thừa nhận mình là người nhường nhịn và chiều vợ nhưng không vì thế mà ông lép vế với vợ trẻ. Theo ông, trong một gia đình một người lép vế so với người còn lại cũng không hay, tốt nhất nên bình đẳng. Với ông chiều vợ là để cuộc sống tăng thêm sự thú vị, lãng mạn, sinh động đáng yêu hơn và ông muốn được chiều.

Tết là sự sum vầy đầm ấm

Chia sẻ với PV ông cho hay: “Bố, mẹ tôi đã mất và mái nhà xưa gắn với Tết cổ truyền đã trở thành nhà thờ của chi họ. Con cái trong gia đình, cũng chỉ về thắp hương, không thể tìm lại ở đó khung cảnh Tết cổ truyền”, ông Võ cho hay.

“Tôi ăn Tết với gia đình riêng của mình và muốn tìm lại cho các con khung cảnh Tết xưa, cả nhà quây quần quanh nồi bánh chưng. Có năm làm được nhưng cũng nhiều năm không làm được. Ngày Tết tôi cũng đưa vợ và các con tới chúc Tết, ăn cơm cùng với anh, chị, em trong nhà, rồi cũng làm cơm mời mọi người trong nhà tới ăn. Cố gắng tạo được những niềm vui gia đình, những khung cảnh ấm cúng, mọi người mừng tuổi nhau, trẻ con cười vui tíu tít nhận tiền mừng tuổi. Gia đình tôi không đi du lịch ở đâu cả, ngày Tết là của gia đình sum họp”, ông chia sẻ.

GS Đặng Hùng Võ là người ham công việc, luôn tiếc thời gian vì việc này, việc kia chưa xong. “Trước kia thì cũng làm hết trách nhiệm với công việc của Nhà nước, làm sao cho tốt nhất. Mặc dù vậy, tôi vẫn phải để ngày Chủ nhật hàng tuần, ngày giỗ các cụ, ngày Tết cho gia đình sao cho vẹn toàn. Tôi là con trai trưởng, lại là con một nên trách nhiệm đó không bỏ được cho ai cả”.

Ông đã nghỉ hưu hơn mười năm nhưng công việc riêng bây giờ còn bận bịu hơn xưa. Ông thật thà rằng: “Nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, viết báo, viết sách... làm cho mình, nhưng cũng là để kiếm tiền nuôi mình và nuôi con nữa. Mấy đồng lương hưu làm sao đủ chi dùng được. Mặc dù, bận hơn nhưng vẫn làm việc ở nhà là chủ yếu, gần sát với gia đình. Mọi việc sửa chữa điện, nước, máy móc trong nhà tôi đều tự làm cả. Tết lại để nhiều thời gian hơn cho gia đình, để dạy con về truyền thống, văn hóa dân tộc nữa”.

Quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi nhiều phong tục mà chỉ miền quê mới có. Việc thay các tập quán tự làm các món ăn ngày Tết bằng mua các đồ ăn sẵn ở siêu thị cũng xẩy ra nhiều ở lứa tuổi trẻ. Ông thì hơi khác vì ông thích nấu ăn, thích tự mình làm món ăn để mọi người thưởng thức. Ngày Tết gia đình ông vẫn giữ nếp sống như vậy. “Còn ngày Tết mà phải lo đi Tết các sếp lớn, sếp bé thì tôi chưa làm bao giờ. Theo tôi, nếp sống văn hóa tại đô thị không bao gồm việc lợi dụng ngày Tết cổ truyền để “bôi trơn”, ông Võ khẳng định.

Sinh năm 1946, hiện GS. Đặng Hùng Võ là Chủ nhiệm bộ môn Địa chính - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng đảm nhiệm vai trò cố vấn cao cấp cho Tổng cục Quản lý đất đai, là nhà tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức phát triển quốc tế. Ông là người có công lớn cho ngành quản lý đất đai Việt Nam trong đó có việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003 mang lại nhiều điểm mới cho công tác này. Ông đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ TN&MT từ 2002 đến 2007.

Chia sẻ