Giải đáp những thắc mắc của người dân khi sống cạnh F0, F1

TH,
Chia sẻ

Bỗng một ngày mình thành F0 hay F1, bỗng một ngày khu cạnh mình trở thành bệnh viện dã chiến... nhiều người dân khá hoang mang, lo lắng. Trong những tình huống này, bạn phải làm gì?

Đợt dịch thứ 4 tại nước ta vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Số ca F0 vẫn tiếp tục tăng, kéo theo đó là vô số các F1 liên quan. Trước tình hình đó, nhiều người dân là F0 hoặc F1 vẫn khá lo lắng, bỡ ngỡ với cuộc sống thường ngày khi phát hiện ra mình hoặc người ở cạnh mình mắc bệnh. Giới chuyên gia đã trả lời một loạt câu hỏi được các F0, F1 hiện nay rất quan tâm, nếu bạn nằm trong số đó hoặc để dự phòng cho chính mình. Hãy đọc để nắm rõ, tránh mất thời gian hỏi lại nhiều.

Nhà tôi ở sát bệnh viện dã chiến, liệu virus SARS-CoV-2 có bay trong không khí qua cửa sổ vào nhà không?

Trong khi các bác sĩ khuyên nên mở cửa nhà thông thoáng thì nhiều người lại lo sợ nhà mình sát bệnh viện dã chiến, khu cách ly nếu làm vậy thì dễ nhiễm Covid-19. 

ThS.BS Võ Việt Hản (chuyên khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) khẳng định, không có khả năng lây nhiễm vì căn bệnh này chỉ lây xa 2m trong trường hợp bạn ở cùng một không gian kín với người bị nhiễm bệnh. Còn nếu ở không gian thoáng đãng, vị trí tiếp xúc trên 2m thì không phải quá lo lắng. Chính vì vậy, nhà ở sát bệnh viện dã chiến, khu cách ly càng nên mở cửa thông thoáng để phòng tránh bệnh.

Vô số câu hỏi từ người dân khi sống cạnh F0, F1, chuyên gia giải đáp cặn kẽ từng trường hợp thế nào? - Ảnh 2.

Con tôi 5 tuổi, là F0 trong khi cả hai vợ chồng cùng không bị, chúng tôi rất hoang mang, phải làm gì bây giờ?

Theo ThS.BS Võ Việt Hản (chuyên khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), điều đầu tiên là bố mẹ cần bình tĩnh, không được lo lắng vì hầu hết trẻ em mắc Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đầu tiên, bạn cho con cách ly tại nhà với phòng riêng, mọi thứ đều dùng riêng. Từ trước đến giờ, con bị sốt, ho, cảm được bố mẹ xử trí như thế nào thì giờ hãy bình tĩnh xử trí theo hướng đó, không cần phải làm gì đặc biệt hơn. Chú ý dặn trẻ hoặc cho trẻ uống nhiều nước vì trẻ em thường hay quên uống nước. Điều cần quan tâm hơn là sức khỏe của ông bà các cháu nếu ông bà sống cùng gia đình vì ông bà là nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở bệnh nặng nếu mắc Covid-19.
Vô số câu hỏi từ người dân khi sống cạnh F0, F1, chuyên gia giải đáp cặn kẽ từng trường hợp thế nào? - Ảnh 4.

F0 cách ly tại nhà bỗng có hiện tượng khó thở có thể làm gì để dễ thở hơn? Khi nào cần gọi cấp cứu?

BS Trương Hữu Khanh đã chỉ rõ, nếu SpO2 < 94%, kèm theo các triệu chứng mệt, khó thở nhẹ, nếu chưa có thở oxy thì có thể nằm sấp để tăng lượng oxy. Cách nằm sấp như sau:

- Nằm sấp trên mặt phẳng trong vòng 30 phút - 2 giờ.

- Chuyển sang nằm nghiêng phải trong vòng 30 phút - 2 giờ.

- Tiếp tục nằm ở tư thế lưng vai nhô cao 30-60 độ so với mặt phẳng trong vòng 30 phút - 2 giờ.

- Chuyển sang nằm nghiêng trái trong vòng 30 phút - 2 giờ.

- Kế tiếp chuyển sang nằm sấp co một chân.

- Cuối cùng quay về nằm sấp trên mặt phẳng trong vòng 30 phút - 2 giờ (như bước đầu tiên).

Trong quá trình nằm sấp, dùng máy đo SpO2 theo dõi xem SpO2 < 92% hay không, nếu có thì gọi ngay bác sĩ hoặc cấp cứu.


BS Phạm Hữu Tiền (chuyên khoa Tai Mũi Họng tại TP.HCM) chia sẻ về tư thế nằm để tăng lượng oxy cho bệnh nhân F0 (như hướng dẫn của BS Trương Hữu Khanh).

Là F0 không triệu chứng trong khu cách ly, tôi nên làm gì để nhanh chóng khỏe mạnh?

Theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), nếu bạn là F0 không triệu chứng trong khu cách ly thì chú ý uống đủ nước, uống nước đều, giờ giấc nghỉ ngơi và vận động cố gắng như ở nhà, tự vệ sinh và giữ thông thoáng trong phòng cách ly. Giữ vệ chung trong khu nhà vệ sinh, mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch và thường xuyên. Khi có triệu chứng gì khó chịu, bình tĩnh báo cho nhân viên y tế. Có thể bạn sẽ chứng kiến trong phòng nhiều người chuyển đến, nhiều người chuyển đi cũng là hiện tượng bình thường, đừng căng thẳng, hãy luôn bình tĩnh.
Vô số câu hỏi từ người dân khi sống cạnh F0, F1, chuyên gia giải đáp cặn kẽ từng trường hợp thế nào? - Ảnh 7.

Tôi là F0 nhưng chưa được chuyển đến khu cách ly, tôi phải làm gì?

Theo BS Trương Hữu Khanh, nếu bạn là F0 nhưng chưa được chuyển đến khu cách ly thì hãy tự cách ly tại nhà trong phòng riêng, bình tĩnh chờ và thực hiện giống như trong khu cách ly. Phải cách ly, giữ khoảng cách trên 2m với bất cứ ai, luôn đeo khẩu trang đúng cách, trang bị tấm che giọt bắn vì có thể bạn sẽ lây thêm cho thành viên khác trong gia đình.
Vô số câu hỏi từ người dân khi sống cạnh F0, F1, chuyên gia giải đáp cặn kẽ từng trường hợp thế nào? - Ảnh 9.

Tôi là F1 đang ở trong khu cách ly thì cần làm gì để phòng tránh bệnh nếu may mắn chưa nhiễm?

BS Trương Hữu Khanh nhận định, nếu bạn là F1 trong khu cách ly, rất có thể bạn chưa bị lây nên thường xuyên mang khẩu trang đúng cách, tấm che giọt bắn, hạn chế tối đa mặt đối mặt dưới 2m với người khác.

Tốt nhất, bạn nên tự theo dõi nhiệt độ. Chú ý uống nhiều nước, súc miệng, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng thường xuyên. Đừng quên việc giữ vệ sinh như F0 trong khu cách ly và giữ phòng thông thoáng. Điều này vô cùng quan trọng để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vô số câu hỏi từ người dân khi sống cạnh F0, F1, chuyên gia giải đáp cặn kẽ từng trường hợp thế nào? - Ảnh 11.

Tôi sống ở khu phố có nhiều hàng xóm là F0, F1, tôi nên làm gì lúc này?

BS Khanh cho rằng, điều này không có gì lạ vì hiện nay xuất hiện rất nhiều ca trong cộng đồng. Bạn nên nhớ, virus không bao giờ tự nhiên đi vào nhà và tấn công vào khuôn mặt mình. Chỉ có tiếp xúc trực tiếp dưới 2m và không có phòng hộ khuôn mặt mới có khả năng lây nhiễm bệnh. 

Hãy xem xét lại xem khả năng tiếp xúc của bản thân với hàng xóm để biết mình có bị lây nhiễm hay không.

Vô số câu hỏi từ người dân khi sống cạnh F0, F1, chuyên gia giải đáp cặn kẽ từng trường hợp thế nào? - Ảnh 13.