Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất về xét nghiệm máu, nhiều người lơ mơ nhất về câu hỏi thứ 4

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Xét nghiệm máu được xem là một biện pháp để phát hiện rắc rối tiềm ẩn hoặc được sử dụng như một công cụ chẩn đoán nhằm xác nhận nhiều chứng bệnh khác nhau.

Mặc dù có thể gây khó chịu, xét nghiệm máu chính là hàng rào phòng ngự đầu tiên, giúp bạn chống lại nhiều rắc rối sức khỏe, từ thiếu hụt vitamin D tới bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Harvey Kaufman, giám đốc y khoa cao cấp tại Quest Diagnostics, một trong những công ty xét nghiệm lớn nhất Anh, giải pháp thắc mắc phổ biến nhất của mọi người về lấy máu xét nghiệm.

Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất về xét nghiệm máu, nhiều người lơ mơ nhất về câu hỏi thứ 4 - Ảnh 1.

1. Bao lâu tôi nên đi lấy máu xét nghiệm một lần?

Điều này còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ví dụ: Tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, tuổi tác, giới tính và lối sống.

Các bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm máu mỗi lần bạn đi khám sức khỏe để kiểm tra toàn diện, có thể là mỗi năm 1 lần hoặc thậm chí lâu hơn thế.

Tiến sĩ Kaufman cho biết, những xét nghiệm định kỳ này nhằm mục đích phát hiện bất cứ vấn đề tiềm ẩn nào, ngay cả khi triệu chứng không biểu hiện ra.

Trường hợp khác cần làm xét nghiệm máu là khi bệnh nhân tìm tới và trình bày một vấn đề cụ thể nào đó. "Nếu đủ lo ngại để tới khám bác sĩ thì cũng có thể đủ điều kiện bạn phải lấy máu xét nghiệm". Ví dụ: bạn tới bệnh viện khám vì tình trạng mệt mỏi không dứt dù đã ngủ 7-8 tiếng đều đặn mỗi ngày. Trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định lấy máu để kiểm tra xem bạn có bị thiếu hụt sắt hoặc gặp rắc rối về tuyến giáp không.

Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất về xét nghiệm máu, nhiều người lơ mơ nhất về câu hỏi thứ 4 - Ảnh 2.

2. Bác sĩ "tìm kiếm" điều gì trong mỗi lần xét nghiệm máu định kỳ?

Đó là 2 thứ quan trọng, có thể giúp tiết lộ RẤT NHIỀU điều.

Điều đầu tiên mà xét nghiệm máu định kỳ muốn hướng tới là tổng số tế bào máu trong một đơn vị thể tích máu (CBC), bao gồm hồng cầu, bạch cầu cũng như huyết sắc tố (hemoglobin) và các thành phần khác.

Mỗi thành phần của CBC được đo dựa trên một thang so sánh với mức "bình thường". Nếu bất cứ thành phần nào rơi ra ngoài khoảng "bình thường", thì nó báo hiệu một vấn đề sức khỏe nào đó như thiếu máu, nhiễm trùng hay thậm chí ung thư máu.

Điều thứ 2 là một bảng chỉ số trao đổi chất để kiểm tra chức năng tim, thận, gan.

Ở người trưởng thành cao tuổi có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch, các bác sĩ có thể xem xét thêm bảng lipoprotein – đo mức độ chất béo có trong máu như cholesterol HDL (tốt) và LDL (xấu).

Thông thường, chỉ khoảng 1-3 thìa cà phê máu là đủ để làm xét nghiệm máu định kỳ. Nhưng khi cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn thì bạn có thể bị lấy lượng máu nhiều hơn.

Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất về xét nghiệm máu, nhiều người lơ mơ nhất về câu hỏi thứ 4 - Ảnh 3.

3. Bác sĩ của tôi cần biết những thông tin gì?

Bạn cung cấp càng nhiều thông tin cho bác sĩ càng tốt.

Bác sĩ càng biết được nhiều thông tin cơ bản về bạn, họ càng có cơ hội tăng hiệu quả của các xét nghiệm cho phù hợp với thứ bạn cần. Rất nhiều thông tin quan trọng trước một buổi xét nghiệm máu mà bác sĩ nên biết liên quan tới tiền sử bệnh và tiền sử gia đình bạn.

Nếu bác sĩ không biết một người có quan hệ thân thuộc/họ hàng với bạn bị bệnh tiểu đường hay tim mạch, họ có thể không chỉ định xét nghiệm máu từ sớm - việc vốn luôn được chỉ định cho người có nguy cơ cao.

Hơn nữa, có một số yếu tố thuộc về lối sống có thể ảnh hưởng tới mục đích chỉ định xét nghiệm máu của bác sĩ. Ví dụ, nếu một người có đời sống tình dục tích cực, bác sĩ có thể muốn họ làm xét nghiệm để kiểm tra bệnh nấm chlamydia và bệnh lậu. Nếu một ngươi ăn chay hoặc đang áp dụng chế độ ăn hạn chế, bác sĩ có thể muốn họ làm xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng vitamin xem có bị thiếu hụt không.

Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất về xét nghiệm máu, nhiều người lơ mơ nhất về câu hỏi thứ 4 - Ảnh 4.

4. Tôi có nên nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu không?

Không cần. Trừ khi bác sĩ dặn cụ thể là bạn cần nhịn ăn.

Theo Tiến sĩ Kaufman, có 2 xét nghiệm chính đòi hỏi bạn phải nhịn ăn trước đó: xét nghiệm đường huyết và triglyceride huyết (blood glucoza/blood triglyceride test). Với xét nghiệm đường huyết để kiểm tra bệnh tiểu đường, bạn cần nhịn ăn trước đó vì đường huyết tăng lên sau khi ăn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Kaufman cho biết, nhiều người nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu dù họ không cần phải làm thế. "Nhiều người trong chúng ta đã bị tuyên truyền quá mức về việc nhin ăn trước khi làm xét nghiệm dù mục đích để kiểm tra thứ chẳng có liên quan chút gì tới mẫu xét nghiệm".

Bất kể bạn có phải nhịn ăn hay không thì một điêu quan trọng cần đảm bảo là giữ cho cơ thể đủ nước.

Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất về xét nghiệm máu, nhiều người lơ mơ nhất về câu hỏi thứ 4 - Ảnh 5.

5. Tôi có nên hỏi cho rõ nhóm máu của mình?

Không có lý do gì để làm vậy.

Tiến sĩ Kaufman chia sẻ: "Tôi cực kỳ hứng thú muốn biết tại sao người ta lại quá quan tâm tới chuyện nhóm máu của mình là gì. Bạn sẽ làm gì với thông tin đó chứ?".

Có 4 nhóm máu chính, mỗi nhóm máu được phân loại là dương hay âm. Điều này có nghĩa là mỗi người có 1 trong 8 nhóm máu tuỳ thuộc vào nhóm máu của cha mẹ họ.

Một số nhóm máu nhất định không hòa hợp với các nhóm khác. Do đó, trong quá trình truyền máu hay phẫu thuật, quan trọng là chỉ sử dụng nhóm máu hợp để ngăn ngừa cục máu đông vốn có thể rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Kaufman cho biết, thậm chí trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ sẽ không chỉ dựa vào thông tin của bệnh nhân về nhóm máu của họ. "Nếu bạn hoặc tôi phải vào phòng cấp cứu ngay bây giờ và cần truyền máu lập tức, bác sĩ sẽ sử dụng nhóm máu O âm, nhóm máu có thể truyền cho bất cứ người có nhóm máu nào. Trong vòng 20-30 phút, bác sĩ có thể tự xác định nhóm máu của bạn để quyết định xem nhóm nào hợp. Nhưng họ sẽ không bao giờ chỉ dựa vào lời bạn nói đâu".

Giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất về xét nghiệm máu, nhiều người lơ mơ nhất về câu hỏi thứ 4 - Ảnh 6.

6. Điều gì xảy ra khi mẫu máu của tôi được đưa ra khỏi phòng?

Nó được gửi tới phòng thí nghiệm.

Sau khi lấy mẫu máu, một kỹ thuật viên sẽ dán nhãn lên lọ đựng mẫu máu và gửi chúng tới phòng thí nghiệm. Tại đây, các mẫu được phân loại dựa trên nhóm máu và số xét nghiệm được chỉ định

Để tìm CBC, một mẫu máu được đặt dưới một chiếc máy phóng ra các tia sáng xuyên qua chất lỏng nhằm đếm số tế bào dựa trên cách chúng phản ứng với sóng ánh sáng. Chỉ trong vài phút, chiếc máy này sẽ cung cấp kết quả hiển thị trên màn hình máy tính.

Với các chỉ số trao đổi chất, một chiếc máy khác có tên máy ly tâm sẽ quay mẫu máu cho tới khi tách được huyết thanh. Huyết thanh sau đó được xét nghiệm để tìm chỉ dấu của chức năng cơ quan trong cơ thể.

Bất kể xét nghiệm cụ thể đó là gì, mọi kết quả đều được kiểm duyệt lại bởi một nhà khoa học hóa sinh trước khi gửi trở về cho bác sĩ. Lúc này, bác sĩ sẽ cho bạn biết sức khỏe của bạn có gì bất thường không.

Mẫu máu sau đó được xử lý như cách xử lý các rác thải y tế khác.

7. Liệu bác sĩ có bỏ lỡ điều gì đó với xét nghiệm máu của tôi không?

Có.

Tiến sĩ Kaufman cho hay, dù hoàn toàn có khả năng bác sĩ bỏ lỡ điều gì đó với một bản kết quả xét nghiệm máu, bạn cũng không nên lo lắng quá về điều này. "Bác sĩ thăm khám cho rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày và thực tế là không có gì hoàn hảo. Bác sĩ cũng là người. Vì vậy, luôn tồn tại khả năng họ bị xao nhãng, bị quên hay không thể tìm ra đáp án chính xác. Nói vậy để thấy rằng, tất cả chúng ta không thể cứ chạy quanh mà đoán già đoán non về các bác sĩ được".

Theo Tiến sĩ Kaufman, yếu tố lớn nhất có thể dẫn tới việc bác sĩ bỏ lỡ điều gì đó trên xét nghiệm máu là họ không nắm được trọn vẹn tiền sử bệnh của bạn hay của gia đình bạn. Ông gợi ý, bạn nên hỏi bác sĩ của mình: "Tôi có nên làm xét nghiệm kiểm tra gì nữa không?". Khi đó, bác sĩ có thể ngừng lại một chút và xem xét họ có bỏ lỡ bất cứ điều gì không.

Nguồn: Dailymail

Chia sẻ