Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn

,
Chia sẻ

Đèn lồng làm bằng tre đã gắn bó với gia đình từ lâu và giúp vợ chồng ông nuôi 8 người con trưởng thành, được học hành đầy đủ.

Đam mê đèn lồng tre từ nhỏ

Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Ga và bà Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi, sống tại khu lồng đèn Phú Quang, đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11, TP.HCM).

Từ thời thơ ấu, ông Ga đã rất thích chơi đèn lồng nhưng hồi đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không có tiền để mua những chiếc đèn mình thích. Mỗi dịp trung thu đến, nhìn đám bạn cùng trang lứa được mua nhiều loại đèn lồng khác nhau, nhưng vì tính trẻ con nên đứa nào cũng giữ khư khư món quà của mình, không ai chịu cho chơi cùng, ông Ga tủi thân lắm.

Một ngày nọ, đứa bạn hàng xóm cầm đèn lồng ngôi sao, ông hỏi mượn xem thử kết cấu làm thế nào, từ đó ông nảy sinh ý định tự làm cho mình một cái để chơi trung thu. Hình ngôi sao là đèn lồng đầu tiên ông làm.

Khi lớn lên và đến lúc lập gia đình, ông Ga vẫn gắn bó với nghề và dạy luôn cho vợ cách làm đèn lồng. Từ đó, hai vợ chồng ông bà gắn bó với nghề đèn lồng thủ công đến bây giờ. Trải qua mấy chục năm thăng trầm với nghề, ông vẫn không muốn từ bỏ, mặc dù đèn lồng làm bằng tre dần bị thay thế bởi đèn lồng điện tử.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 1
Khung vuông làm thân đèn lồng hình trực thăng được ông hoàn thành từ nhiều ngày nay.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 2
Công đoạn nối thân và đuôi trực thăng là khó nhất vì nếu làm không nhẹ nhàng và tỉ mỉ đuôi sẽ bị gãy.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 3
Chiếc đèn lồng hình trực thăng đầu tiên được ông hoàn thành khung.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 4
Khung đèn lồng con cá.

Đèn lồng bằng tre đã gắn bó với ông bà từ lâu, cũng nhờ chúng mà ông bà đã nuôi được 8 người con trưởng thành. Nhờ tiền bán lồng đèn ở mỗi dịp trung thu, ông giúp các con tiếp tục con đường học đại học. Giờ các con đứa nào cũng có cuộc sống ổn định nhưng ông bà vẫn không muốn bỏ nghề.

Nhiều ý tưởng mới về đèn lồng

Cứ sau dịp tết Nguyên Đán, ông bà lại bắt tay vào làm đèn lồng để đến dịp trung thu có hàng để bán. Mọi công đoạn từ cưa, cắt, chẻ nan, uốn cong… đều được chính tay ông Ga làm hết, còn vợ ông lên khung rồi dán giấy. Tất cả những hình thù từ con thỏ, con bướm đến ngôi sao hay một chiếc trực thăng đều được ông phác họa bằng bản vẽ tay, sau đó mới tiến hành cắt dán.

Theo ông Ga, từ khoảng 20/7 đến đầu tháng 8 âm lịch là thời điểm nhiều đơn đặt hàng nhất. Lường trước việc đó nên ông bà đã bắt tay vào làm từ đầu năm, tới thời điểm "chính vụ" thì khỏi phải “chạy đua”. “Khi làm xong khung đèn lồng thì vợ chồng tôi tranh thủ cắt giấy màu để dán, việc trang trí như thế nào thì có thợ mỹ thuật của khách hàng làm”, ông Ga cho biết thêm.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 5
Trong nhà ông chỗ nào cũng thấy tre, chất liệu chính để làm đèn lồng.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 6
Những chiếc đèn lồng hình trực thăng sau nhiều đêm lên ý tưởng để làm, đang chờ được làm đuôi và mui.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 7
  
Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 8
Khung lồng đèn hình con bướm.

Gia đình 65 năm gắn bó với nghề làm đèn lồng thủ công ở Sài Gòn 9
Đèn lồng con thỏ.

Mỗi ngày, vợ chồng ông Ga làm được từ 40-50 chiếc đèn lồng các loại. Một chiếc đèn lồng được bán sỉ với giá 13.000 đồng. Cứ khoảng vài ngày thì khách hàng đến lấy hàng về bán, mỗi cái đèn lồng bán như thế ông bà lãi khoảng 3.000 đồng. Bà Hoa cho biết, trước đây làm để mưu sinh và nuôi con, bây giờ các con có gia đình hết rồi nên vợ chồng bà làm để giữ nghề sau này truyền lại cho con cháu và làm cho đỡ buồn, lời lãi cũng không đáng bao nhiêu.

Hiện nay, để theo kịp với cuộc sống hiện đại, nhiều mẫu mã đa dạng, để có chỗ đứng trong mắt trẻ thơ, ông Ga đã nghĩ ra nhiều ý tưởng mới, gặng hỏi mãi ông mới tiết lộ: “Sắp tới đây, tôi và bà ấy sẽ làm thêm lồng đèn Hoàng Sa và Trường Sa để gợi cho các cháu nhỏ khi chơi lồng đèn nhớ đến biển đảo quê hương”.

Chia sẻ