Giá đầu vào tăng, khó kềm giá bán

NGUYỄN TRÍ,
Chia sẻ

Chi phí sản xuất tăng mạnh, đặc biệt chịu thêm thiệt hại kéo dài từ tỉ giá USD, nhiều doanh nghiệp bước vào giai đoạn sản xuất cuối năm với áp lực lớn, buộc tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu do giá đầu vào tăng mạnh.

Giá đầu vào tăng, khó kềm giá bán - Ảnh 1.

Chị Lan, tiểu thương ở TP.HCM, cho biết thời gian này đã nhập nhiều bánh mứt, đồ khô để chuẩn bị bán Tết, giá nhập hàng vào có tăng khoảng 10.000 đồng/kg/món - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hệ thống siêu thị cho biết đang đau đầu khi nhiều mặt hàng nhập khẩu phải ký hợp đồng mới với mức giá tăng cao do ảnh hưởng bởi tỉ giá, đặc biệt chủng loại có lượng nhập lớn như trái cây, thịt gia súc, gia cầm.

"Thông thường siêu thị sẽ trả tiền trước để nhập khẩu. Vì vậy, với trường hợp nhiều đối tác đã tăng giá bán, và ảnh hưởng từ tỉ giá, đơn vị sẽ phải tốn thêm một khoản khi ký hợp đồng cho đơn hàng năm tới. Nếu không tìm được giá nhập tốt, giá bán nhiều mặt hàng trong năm tới có thể tăng", vị này nói.

Ngoài việc tăng tỉ lệ nguồn hàng trong nước, ông Trần Văn Trường - tổng giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (TP.HCM) - cho biết sẽ phải xem xét tăng giá nếu giá nhập neo cao kéo dài. "Với khoảng 70% sản phẩm là hàng nhập khẩu trực tiếp, thanh toán hầu hết bằng USD nên đơn vị đang phải trả thêm một khoản lớn do tỉ giá USD tăng", ông Trường cho biết.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất đã liên tục đề xuất tăng giá bán. Cụ thể, đại diện một siêu thị tại TP.HCM cho biết dù tìm nhiều giải pháp kìm giá nhưng mới đây vẫn có hơn 30 nhà cung cấp đề xuất tăng giá bán, trong đó 90% thuộc nhóm hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm với mức đề xuất tăng phổ biến từ 5-25%.

"Đơn vị đã cho tăng giá bán đối với một số mặt hàng, còn lại hơn 80% mặt hàng được nhà cung cấp đề xuất tăng giá từ tháng 10 và 11-2022 như hàng gia vị, nước mắm, bún, phở khô... hiện chưa được siêu thị chấp thuận", vị này thông tin.

Tuy vậy, vị này thừa nhận những sản phẩm đang được giữ giá chủ yếu nhờ hàng dự trữ, còn với đơn hàng mới, khả năng 90% phải theo giá bán được nhà cung cấp đề xuất, bởi nếu không thì nguy cơ sẽ thiếu hàng bán.

Đại diện siêu thị Emart cũng cho biết dù cố gắng kìm giá thời gian qua nhưng đơn vị gặp áp lực khi nhiều nhà cung cấp đã và đang đề xuất tăng giá bán hàng thiết yếu với lý do "đầu vào tăng".

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Trương Tiến Dũng, phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho rằng doanh nghiệp đề xuất tăng giá bán mùa cuối năm là hợp lý.

Bởi so với cùng kỳ năm ngoái, giá thành sản xuất nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng 10-30%, thậm chí giá nhiều nguyên liệu thủy hải sản trong nước gần như tăng gấp đôi.

Trừ số ít doanh nghiệp lớn trữ được nguồn nguyên liệu từ sớm và đã sản xuất lượng lớn hàng, nhiều doanh nghiệp khác đang tổ chức sản xuất hàng cho mùa cuối năm với nhiều áp lực. "Giá nguyên và nhiên liệu đều tăng, lương lao động, lãi suất ngân hàng tăng... 

Do đó, dù sức mua còn hên xui nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể phải cho tăng giá bán sản phẩm, ít nhất cũng phải 5-10% so với Tết năm ngoái", ông Dũng nhận định.

Doanh nghiệp bình ổn mong được tăng giá

Với những khó khăn do giá cả đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi cơ cấu sản xuất sản phẩm, đặc biệt là quà tặng Tết theo hướng tăng cường mặt hàng bình dân, thiết thực, và giảm hàng giá cao, xa xỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TP cho biết đang đề xuất cơ quan chức năng xem xét cho doanh nghiệp được tăng giá, bởi nhiều mặt hàng như trứng, đường, sữa, gạo... có mức tăng giá khiêm tốn so với ngoài chương trình, thậm chí không tăng.

"Nếu giá bán như hiện nay kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu đựng không nổi, có thể tìm cách giảm nguồn cung", một doanh nghiệp cho biết.

Chia sẻ