"Gãy xương chân" khi nào Hùng Dũng được trở lại sân cỏ?

Khánh Mai,
Chia sẻ

Xung quanh vụ tiền vệ Đỗ Hùng Dũng chịu tổn thương nghiêm trọng, sau va chạm của Ngô Hoàng Thịnh tại V-League tối 23/3 khiến dân cư mạng xã hội lo lắng về quá trình hồi phục và trở lại sân cỏ của cầu thủ này.

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia GS.BS.TS Trần Trung Dũng -Trưởng Phân môn Chấn thương Chỉnh hình Trường Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.

Theo GS Dũng, chấn thương thể thao nói chung và chấn thương chi dưới nói riêng luôn là vấn đề mà các huấn luyện viên và vận động viên quan tâm nhưng khó khắc phục. Khi bị gãy xương, có lẽ một trong những vấn đề bạn quan tâm nhất là khi nào thì xương của bạn liền chắc để bạn có thể sinh hoạt, làm việc trở lại bình thường. “Quá trình liền xương không phải là quá trình đơn giản và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, GS Dũng nói.

GS. Dũng cho biết: Khi xảy ra gãy xương thì ngay lập tức các thay đổi của xương và phần mềm xung quanh xuất hiện. Các cục máu đông làm tắc các mạch máu nhỏ xung quanh, các cấu trúc mạch máu của tủy xương bị thay đổi và cấu trúc lại. Trong vòng 24h, các tế bào tủy xương chuyển dạng thành các tế bào đa hình thái và có xu hướng biến đổi thành các tạo cốt bào (là các tế bào tham gia trực tiếp vào quá trình liền xương).

Tại vị trí gãy xương, sẽ xuất hiện 2 quá trình hay hiện tượng liền xương, đó là liền xương nguyên phát và liền xương thứ phát.

"Gãy xương chân" khi nào Hùng Dũng được trở lại sân cỏ? - Ảnh 1.

Hoàng Thịnh vào bóng khiến Hùng Dũng không kịp né tránh và chịu tổn thương nghiêm trọng.

Đối với liền xương nguyên phát (còn được gọi là liền xương trực tiếp) GS Dũng giải thích: là hiện tượng cấu trúc lại sự liên tục của vỏ xương cứng. Kiểu liền xương này yêu cầu sự cố định ổ gãy phải vững chắc nên thường gặp trong các trường hợp liền xương sau kết hợp xương.

Còn đối với liền xương thứ phát (hay được gọi là liền xương gián tiếp) là 1 quá trình khác hoàn toàn và liên quan chặt chẽ đến vai trò của màng xương. Khi việc cấp máu cho ổ gãy của tủy xương bị gián đoạn, màng xương nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp chính cho ổ gãy. Các tế bào của màng xương dưới sự hoạt hóa nhanh chóng hình thành nên cấu trúc xương tương tự như tình trạng canxi hóa trong màng xương và hình thành cấu trúc xương nội tủy.

Tuy nhiên, GS Dũng nhấn mạnh: Đối với mọi kiểu gãy xương, dù mổ hay không mổ thì đều xuất hiện cả hai kiểu liền xương, tuy nhiên tùy theo trường hợp mà ưu thế kiểu liền xương này hay kiểu kia. 

Nếu là kết hợp xương thì sẽ ưu thế kiểu liền xương nguyên phát, còn điều trị bảo tồn hay các kỹ thuật ít xâm lấn thì sẽ ưu thế kiểu liền xương thứ phát. Sự liền xương thứ phát hay liền xương gián tiếp có thể coi là sự liền xương sinh lý hơn.

"Gãy xương chân" khi nào Hùng Dũng được trở lại sân cỏ? - Ảnh 2.

GS.TS. Trần Trung Dũng cùng đồng nghiệp - học trò thảo luận về ca bệnh khó

Chính vì vậy, theo GS Dũng việc phục hồi khi gãy xương chân cần phải có thời gian nhất định để cho việc liền xương cũng như tập vận động để cho bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường cũng như tham gia các hoạt động thể thao.

“Thời gian bao lâu, nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể chứ không phải không có hy vọng và điều này hoàn toàn có thể khi tiến bộ y học ngày càng phát triển.

Và điều vô cùng quan trọng, nếu tiến triển liền xương tốt và có phương án tập phục hồi chức năng phù hợp thì việc trở lại thi đấu đỉnh cao là hoàn toàn có thể." GS Dũng nhấn mạnh.


Chia sẻ