Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty

Louis,
Chia sẻ

Gây hấn thụ động không chứng minh bản thân một người là xấu, nhưng nó khiến các mối quan hệ công sở bị rạn nứt.

Chắc hẳn không ít lần, chị em công sở có dịp tiếp xúc với những kiểu đồng nghiệp thường ra vẻ đồng ý – thậm chí nhiều lúc rất nhiệt tình trước yêu cầu của người khác; tuy nhiên, thay vì làm theo yêu cầu đó, họ lại bày tỏ sự tức giận hoặc bất mãn bằng cách không làm, làm qua quýt hoặc tệ hơn là trễ deadline.

Cách cư xử có vẻ khó hiểu này mang tên hành vi gây hấn thụ động (passive-aggressive behaviour) - là một dạng hành vi lặp đi lặp lại những biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng. Có một sự không nhất quán giữa những gì người gây hấn thụ động nói và những gì họ làm.

Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty - Ảnh 1.

Không riêng gì những người đồng nghiệp khó hiểu, tất cả chúng ta đều có những lúc trải qua hành vi gây hấn thụ động kiểu này, nhưng chính bản thân mình cũng không hề nhận ra. Gây hấn thụ động không chứng minh bản thân một người là xấu, nhưng đó là hành vi mang tính phòng thủ không được tích cực cho lắm.

Tuy nhiên, dù muốn dù không, gây hấn thụ động vẫn làm mất đi sự hiệu quả trong giao tiếp và khiến mối quan hệ đồng nghiệp bị rạn nứt. Vậy đâu là dấu hiệu để có thể nhận biết đâu là kiểu người đang gây hấn thụ động? Dưới đây là một số trường hợp cơ bản, thường xảy ra nơi công sở:

Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty - Ảnh 2.

1. Những câu nói nuối tiếc kém duyên

Sau những tất bật không ngừng nghỉ, An được vinh danh là “nhân viên xuất sắc nhất của tháng 2”. Cô dùng tiền thưởng để tự tặng cho mình một đôi giày mới, giá cũng khá chát. Đăng tải lên mạng xã hội như một cách động viên bản thân, An nhận được hàng chục bình luận phản hồi kiểu: “Ước gì mình cũng có đủ tiền để mua được đồ hiệu. Tiếc thay, mình không giàu cũng không đủ giỏi như cô ấy. Tiền nhà còn phải lo từng đồng mà”.

Những lời bình luận kiểu như trên (có thể là vô ý) nhưng có thể sẽ làm người nghe cảm thấy bối rối và tội lỗi vì họ đang có những thứ hoặc đang làm những việc mà người khác không thể.

Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty - Ảnh 3.

2. Những lời khen ngợi thảo mai, giả tạo

Trở lại công ty sau Tết với một diện mạo hoàn toàn mới, phải nói là có phần cao cấp hơn phiên bản trước Tết rất nhiều, Hồng Ngọc nhận được vô vàn lời khen ngợi, chân thành có và giả tạo cũng có.

Đơn cử, bên cạnh những cái gật đầu bày tỏ sự ưng ý hay những nụ cười ra chiều hạnh phúc, Hồng Ngọc vẫn nghe đâu đó những câu móc mỉa: “Da Ngọc căng quả, người không biết lại tưởng vừa đi tiêm filler”, “ôi tóc Ngọc làm kiểu này đẹp nè, cơ mà nhuộm màu này chắc sẽ càng nổi bật hơn”.

Những câu khen ngợi giả tạo hay sự móc mỉa núp bóng lời khen là kết quả của sự ghen tị kết hợp với hành vi gây hấn thụ động.

Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty - Ảnh 4.

3. Lờ đi hoặc im lặng

Gây hấn thụ động không chỉ tồn tại ở dạng lời nói mà đôi khi nó còn được thể hiện thông qua sự im lặng.

Trong phòng họp, khi cả nhóm đang brainstorm một cách sôi nổi, Quyên lại chỉ chú tâm và màn hình máy vi tính và gõ không ngừng. Không dừng lại ở đó, cô còn được cả văn phòng đặt cho biệt danh thánh phớt lờ vì liên tục bấm điện thoại khi đồng nghiệp đang nói chuyện với mình hoặc nhận email và tin nhắn Skype mà không một lời phản hồi.

Việc này khiến Quyên trở thành một trong những đồng nghiệp bị đánh giá là bất lịch sự và khó làm việc chung bậc nhất công ty.

Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty - Ảnh 5.

4. Bỏ rơi một ai đó

Ngày vào công ty, Linh được mọi người chào đón nồng hậu, trừ An. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc, ngày còn ngồi chung trên ghế nhà trường, Linh luôn vượt qua An trong mọi hoạt động phong trào. Không những không chào đón người bạn cũ, An còn thường hay “bỏ quên” Linh trong các hoạt động của team, nào là: đi ăn, đi chơi, đi quẩy.

Đỉnh điểm, ngày cả team tụ họp tại nhà chị trưởng phòng để nấu ăn và trò truyện, mặc dù là người chịu trách nhiệm thông tin và phổ biến đến các thành viên, An lại một lần nữa “bỏ quên” cô bạn cũ. Phải đến khi mọi người đăng ảnh lên facebook, Linh mới biết mình bị “bỏ quên”.

An là kiểu người đặc trưng cho việc khi không hề thích một đồng nghiệp nào đó, thay vì đối mặt để giải quyết vấn đề một cách trực tiếp, cô làm đủ mọi cách để loại bỏ và cách ly đối phương khỏi phần còn lại của văn phòng.

Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty - Ảnh 6.

5. Ăn miếng trả miếng

Va chạm với nhau trong công việc là điều khó mà tránh khỏi đối với dân công sở. Trong rất nhiều trường hợp, thay vì đối diện với đối phương một cách trực tiếp (hoặc mặc kệ chuyện ấy), không ít người thường chọn cách “ăn miếng trả miếng” – một hành vi mà được coi như là hành vi gây hấn thụ động để giải quyết vấn đề.

Đơn cử như trường hợp của Thúy An. Hôm đó là thôi nôi con gái cô nhưng Ngọc Minh lại không đến với lý do đưa con đi khám bệnh. Ít ngày sau, khi được Ngọc Minh mời đi sinh nhật con trai; mặc dù được cả team khuyến khích, Thúy An vẫn một hai từ chối.

Gây hấn thụ động - nghe lạ nhưng đây lại là hành vi được dân công sở thường xuyên sử dụng ở công ty - Ảnh 7.

Chia sẻ