Micro công sở:

Gặp gỡ các nhân vật đa-dzi-năng với nghề tay trái

Bảo Bình,
Chia sẻ

Bằng cách lên kế hoạch, sắp xếp thời gian hợp lý, nhiều nhân viên công sở sẵn sàng đảm nhận thêm một nghề tay trái để thỏa mãn niềm yêu thích và đam mê của mình, tăng thêm nguồn thu nhập.

Quản lý trang web kiêm hướng dẫn viên du lịch

Gặp gỡ các nhân vật đa-dzi-năng với nghề tay trái 1
Vừa làm quản lý trang web, Mỹ Hương vừa làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách nước ngoài.

Là người quản lý trang web về du học, fanpage Imagine của Lãnh sự quán Canada nhưng Phạm Trần Mỹ Hương (23 tuổi) vẫn “ham hố” kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch mặc dù tính chất của hai công việc hoàn toàn khác nhau.

Một điều độc đáo, loại hình du lịch Hương đang tham gia hướng dẫn là loại hình du lịch bằng xe máy nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi hướng dẫn viên sẽ trực tiếp chở và “chăm sóc” một khách du lịch. Nhờ công việc này mà kỹ năng tiếng Anh của Hương được cải thiện đáng kể vì mỗi ngày cô đều tiếp xúc và nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Anh với khách nước ngoài, nếu có thắc mắc gì cô cũng dễ dàng trao đổi với họ, vừa thỏa mãn niềm yêu thích du lịch, lại có thêm một giáo viên tiếng Anh bản xứ dễ thương, nhiệt tình.

Hương cũng chia sẻ rằng nhờ khung thời gian làm việc khác nhau và lòng hăng say với công việc nên cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình: “Ở lãnh sự quán Canada, thời gian làm việc từ 8h đến 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Còn công việc bên du lịch thì lại làm vào buổi chiều tối từ 17h30 đến 21h45, đặc biệt thời gian làm việc rất linh động, mình có thể tự đăng ký thời gian rảnh trong tuần để đi tour”.

Nhân viên PR với nghề tay trái viết báo

Gặp gỡ các nhân vật đa-dzi-năng với nghề tay trái 2
Tịnh Giao tranh thủ lúc thời gian rảnh rỗi để viết báo.

Vốn theo đuổi “nghiệp” báo chí đã lâu nên dù đảm nhận công việc chính thức là PR Executive, Lê Tịnh Giao (22 tuổi) vẫn không thể buông bút. Cô nàng cho rằng: “Viết báo, viết bài PR không hẳn là nghề tay trái vì bất cứ ngành nghề nào cũng quan trọng như nhau, đối với Giao đó còn là đam mê khó mà từ bỏ được”.

Tịnh Giao hài hước kể lại: “Hồi còn học cấp 2, cấp 3, Giao đã mê mẩn mấy tờ báo dành cho tuổi teen và ước mơ có ngày được làm việc trong tòa soạn báo. Lên đại học, Giao may mắn gặp một cô bạn là cộng tác viên của báo nên quyết tâm xin làm cộng tác viên. Lúc đầu, những bài viết của Giao bị chê viết cho teen mà “thanh niên nghiêm túc” quá. Giao tập tành sửa mãi, dần dần cũng lên tay”.

Cùng trong lĩnh vực truyền thông, viết báo cũng góp phần hỗ trợ cho công việc PR của Giao rất nhiều do đó cô gái trẻ luôn cố gắng học cách phối hợp để kết quả công việc đạt cao nhất.

Trưởng phòng kinh doanh với nghề tay trái biên dịch viên

Gặp gỡ các nhân vật đa-dzi-năng với nghề tay trái 3
Đại Nghĩa tranh thủ giờ nghỉ trưa để làm thêm.

Ngay từ khi còn là sinh viên khoa Quan Hệ Quốc Tế trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Huỳnh Hồ Đại Nghĩa đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, nhờ tài năng anh nhanh chóng được nhận vào làm ở một công ty lớn. Dù chỉ mới 22 tuổi nhưng anh đã giữ vị trí Trưởng phòng kinh doanh của một công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Áp lực và khối lượng công việc luôn khiến Nghĩa rơi vào tình trạng quá tải nhưng anh vẫn “tham lam” nhận làm thêm cho các dự án nghiên cứu thị trường với vai trò Transcriber, Note-taker và Biên dịch viên.

Đôi khi dự án cần hoàn thành gấp và thời gian hai công việc bị trùng nhau, nên anh thường xuyên tận dụng thời gian nghỉ buổi trưa, thậm chí thức nguyên đêm để công việc được đúng tiến độ. Điều đặc biệt đó là Nghĩa có lập hẳn một đội do chính anh quản lý, mỗi thành viên sẽ có một nhiệm vụ riêng được anh phân công.

Những lúc quá bế tắc vì công việc dồn dập, anh sẽ chia sẻ với các bạn khác trong đội để xử lý các dự án một cách nhanh nhất, chất lượng nhất. Anh bộc bạch thêm: “Nghề tay trái là một con dao hai lưỡi, nếu làm tốt, năng lực, kinh nghiệm của bạn sẽ tăng lên đáng kể, nhưng ngược lại, sức khỏe sẽ bị hao tổn dần dần và chất lượng công việc lại chẳng đi đến đâu” 

Chia sẻ