Gặp cụ bà ngã quỵ trên đường, hai học sinh Nhật Bản có màn phối hợp giải cứu cực trơn tru: Đây chính là sức mạnh của giáo dục!
Nếu ở trong tình huống này, bạn sẽ làm gì?
Sáng 25/3, một cụ già tóc bạc xuất hiện trên đường phố Nhật Bản, một tay cầm gậy, một tay cầm túi, trên người đeo túi xách. Bà bước đi lảo đảo, đi một bước thì dừng lại thở hổn hển.
Có thể thấy bà đã già lắm rồi, đi lại rất khó khăn và có thể bị ngã bất cứ lúc nào.
Phía trước bà có hai học sinh tiểu học bước tới, có lẽ là đang đi học. Đột nhiên thấy cụ bà ngồi xổm xuống và rên rỉ đau đớn, hai em nhanh chóng chạy tới, ngồi xổm bên cạnh và hỏi bà có ổn không.
Sau khi xác định cụ bà không sao, một em hỏi bà có nước không? Bà nói có chai nước trong túi. Em nhận chiếc túi từ tay cụ bà, lấy nước ra và đưa cho bà uống. Em hỏi bà đã thấy khỏe hơn chưa? Cụ bà nói đã đỡ hơn nhiều.
Vậy em học sinh còn lại đã làm gì? Thì ra là chạy đi gọi một người lớn tới trợ giúp.
Cậu bé đã gọi người đến giúp nhanh đến mức nào?
Gần đó nhất là một người đàn ông trưởng thành. Khi người đàn ông và cậu bé chạy đến thì cụ bà vừa uống nước xong, lúc này bà đã thấy thoải mái hơn trước rất nhiều.
Quá trình nhanh như vậy đấy!
Người đàn ông hỏi cụ bà có bị khó thở và nôn mửa không? Có cần gọi bác sĩ không? Cụ bà trả lời rằng không sao, chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ ổn. Người đàn ông lại nói: “Hãy ngồi xuống một lát”.
Thế là anh cũng ngồi xuống nghỉ ngơi với bà. Hai cậu bé đứng bên cạnh quan sát.
Lúc này hai em không rời đi mà vẫn ở nguyên tại chỗ, cho đến khi chắc chắn rằng cụ bà vẫn ổn và ngồi xuống.
Khi các em chuẩn bị rời đi thì người trong ekip chương trình đã chạy ra "hạ màn", đây chỉ là một khảo sát của chương trình thực tế với chủ đề "Có nên giúp đỡ người lạ hay không?".
Các em giới thiệu mình là học sinh tiểu học, đang đi đến trường học bù. Chương trình hỏi hai em nghĩ sao khi làm việc này?
Hai em kể rằng sau khi thấy cụ bà thở một cách khó khăn và đau đớn, vì sợ tính mạng của bà gặp nguy hiểm, các em đã nhanh chóng chạy tới, quan sát tình trạng của bà và giúp đỡ nếu có thể.
Chương trình tiếp tục hỏi, khi đó một em ở lại với bà, một em chạy đi gọi người, các em đã nghĩ gì hoặc thậm chí đã lên kế hoạch như thế nào? Các em có cảm nghĩ gì khi gặp phải chuyện như thế này?
Hai em nói các em chỉ là trẻ con và không thể làm gì được. Tuy nhiên, các em biết cụ bà đang gặp tình trạng sức khỏe nguy cấp nên phải làm điều gì đó. Các em không thể giúp bà tốt hơn nên đã nhờ người lớn ra tay.
Ở trường, giáo viên thường dặn các em rằng bất cứ khi nào có chuyện gì xảy ra, các em nên nhờ người lớn giúp đỡ càng sớm càng tốt, tìm kiếm người đang ở vị trí gần với mình nhất.
Thế là hai em đã làm theo lời giáo viên, chỉ đơn giản thế thôi. Khi được khen ngợi, các em đã nói cảm ơn và cho biết có thể giúp đỡ người khác là chuyện tốt.
Nhiều người cho rằng đây chính là sức mạnh của giáo dục bài bản và rèn luyện kỹ năng sống từ nhỏ.
Như một trình tự được sắp đặt sẵn, khi gặp cụ bà đang khó chịu trong người, một em đã ở lại giúp bà, một em chạy đi gọi người lớn. Sự phối hợp một cách ăn ý này đã giúp đẩy nhanh tốc độ giúp cụ bà qua tình trạng nguy hiểm sớm nhất có thể.
Đoạn video khảo sát tình huống xã hội này đã “viral” trên nhiều trang mạng xã hội Trung Quốc, khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.
Trên thực tế, “thấy người lạ gặp vấn đề, đặc biệt là tình huống người già té ngã, thì có nên giúp đỡ không?” đã trở thành vấn đề khá nhức nhối trong xã hội Trung Quốc, thậm chí còn được bàn luận trong chương trình “Xuân vãn” được tổ chức hàng năm. Qua đó mới thấy, vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào.
Một số cư dân mạng đã lên tiếng: “Bạn có biết tại sao học sinh tiểu học Nhật Bản lại dám giúp đỡ người lạ không? Vì ở Nhật Bản không có những người chuyên dựng chuyện và ăn vạ”.
Một số người còn cho rằng vì Nhật Bản hỗ trợ chăm sóc y tế rất tốt cho người dân nên họ không cần lừa dối người qua đường.
Song dù ra sao, chúng ta cũng không thể phủ nhận việc hai em học sinh tiểu học Nhật Bản này đã được giáo dục rất tốt. “Đây mới chính là sức mạnh của giáo dục”, một cư dân mạng cho hay.
Nguồn: 163