Gánh nước bằng thang máy, đi tắm nhờ ở chung cư bạc tỉ giữa lòng Hà Nội

Hà Hương,
Chia sẻ

Người dân sống trong nhiều căn hộ của chung cư Nam Đô Trương Định đang chịu đựng cảnh nước bị cắt, nước ô nhiễm thạch tín.

Bị cắt nước, nước nhiễm bẩn, dân Hà Nội kêu trời

Cho tới thời điểm này, dưới tiết trời nắng nóng, nhiều hộ dân trong khu chung cư Nam Đô Trương Định vẫn đang phải sống trong cảnh “thùng không, chậu rỗng”.

Đã hơn 1 tuần nay, người dân ở nhiều căn hộ của chung cư Nam Đô (tại 609 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải chịu cảnh nước bị cắt, nước ô nhiễm. Điều này khiến sinh hoạt của hàng trăm người dân bị xáo trộn trong thời điểm mùa nóng đang hoành hành.

Từ nhiều tháng nay, người dân liên tục phải chịu đựng cảnh nước bẩn, nước nhiễm độc. Chị Thu Minh – một cư dân sinh sống trong khu chung cư than thở: trước đây, chị sống ở ngay quận Hoàn Kiếm nhưng vì nhà chật chội, chị bán đi và quyết định mua căn chung cư để ở, thế nhưng ai ngờ: “Bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để mua nhà vậy mà không chỉ mình mà biết bao gia đình khác bức xúc vì nước bị ô nhiễm nặng. Dùng chỉ sợ có ngày ung thư sớm".

Gánh nước bằng thang máy, đi tắm nhờ ở chung cư bạc tỉ giữa lòng Hà Nội 1
Chỉ sau 4 phút xả nước ra bồn, nước chuyển màu vàng đục, mùi tanh

Theo lời chị kể, nước ở đây luôn trong tình trạng “tanh ngòm, xả ra chậu chỉ khoảng 4 phút sau thì nước chuyển sang màu vàng đục”. 

Các hộ dân cư đã mang mẫu xét nghiệm nước đi kiểm định và nhận được kết quả nước nhiễm thạch tín ở mức độ cao. Nhưng ai ai cũng bức xúc khi chủ đầu tư lại lấp liếm chuyện này và hứa hẹn sẽ cố gắng khắc phục.

Cụ thể là hàm lượng Asen (thạch tín) cao gấp 2 lần cho phép của Bộ y tế. Ông Vũ Thanh Sơn chia sẻ: “Theo kết quả kiểm định, khu dân cư chúng tôi hết sức bàng hoàng khi biết nguồn nước từ tòa nhà cung cấp bị nhiễm asen, những hộ gia đình có con nhỏ như hộ gia đình tôi phải mua bình nước lọc về sử dụng cho sinh hoạt ăn uống hằng ngày. Biết nguồn nước gây nguy hiểm tới đến sức khỏe, nhưng điều kiện kinh tế không cho phép, buộc người dân chúng tôi vẫn phải sử dụng".

Gánh nước bằng thang máy, đi tắm nhờ ở chung cư bạc tỉ giữa lòng Hà Nội 2
Phiếu kết quả kiểm tra mẫu nước tại khu chung cư Nam Đô do những cư dân tại đây trực tiếp mang đi làm.

Hiện tại, người dân sống trong khu chung cư Nam Đô Trương Định đang xảy ra tình trạng “ở chẳng được mà bỏ cũng không xong”.

Anh Ngọc Toàn một cư dân sống tại đây chia sẻ: “Mình tiết kiệm cả chục năm trời, vay mượn khắp nơi mới mua được nổi căn hộ này cho 4 thành viên trong nhà. Toàn bộ vốn liếng của gia đình đã tập trung vào đây, ấy thế mà nguồn nước lại trục trặc. Với gia đình có con nhỏ như mình thì nước vô cùng quan trọng. Dù rất chán nản nhưng mình không thể bỏ đi đâu được”.

Dù nước tanh và vàng đóng cặn song "có vẫn hơn". Thế nhưng mới đây ngày 26/5, mọi người bàng hoàng khi nhiều căn hộ bị cắt nước vô lý. Ông Võ Thanh Sơn, Trưởng Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô Complex cho biết, vào ngày 26/5, một số hộ dân sống tại tòa CT1B bị cắt nước đột ngột mà không được thông báo lấy một câu.

Ông chia sẻ: “Giữa trời nắng nóng như hiện nay, có rất nhiều hộ gia đình trong chung cư CT1B bị cắt nước đột ngột. Cắt từ sáng ngày hôm trước tới sáng ngày hôm sau, thậm chí cắt nước dài ngày”. 

Toán loạn đi tắm nhờ, xin nước, di cư...

Trên Facebook riêng của cộng đồng cư dân khu chung cư Nam Đô, chuyện nước bị ô nhiễm, độc hại, rồi chuyện cắt nước trở thành đề tài bất tận, muôn thuở của người dân. 

"Bao giờ nước sạch về?" là câu hỏi mà ai ai cũng mong mỏi có người trả lời giúp. 

Trước tình trạng nước nhiễm độc, cắt nước, việc đi mua nước sạch, nước khoáng là chuyện mà ai cũng nghĩ tới. Chị Bích Hoàng (người dân sống tại khu chung cư) cho biết: "Thời gian đầu khi thấy nước có hiện tượng lạ, nhà tôi có mua máy lọc về song vẫn thấy cặn vàng đóng từng lớp từng lớp dưới chậu. Dù muốn tiết kiệm song chúng tôi cũng không thể, bởi vì tác dụng của asen thì dường như ai cũng đã rõ, nếu sử dụng một thời gian dài, asen sẽ khiến cơ thể phát bệnh ung thư". 

Gánh nước bằng thang máy, đi tắm nhờ ở chung cư bạc tỉ giữa lòng Hà Nội 3
Sau khi đi làm về, đi mua nước là công việc thường ngày của cặp vợ chồng này (Ảnh: BG)

Vợ chồng chị quyết định trích tiền hàng ngày ra mua nước khoáng, song một vài ngày, một vài tuần còn chịu được chứ vài tháng trời chi một khoản tiền lớn cho nước khoáng khiến không chỉ gia đình chị Hoàng mà nhiều gia đình khác phải nghĩ tới phương án khác. 

Chuyện cả gia đình này sang nhà hàng xóm khác khu hoặc về nhà bố mẹ đẻ thậm chí đến công ty tắm nhờ, xin nước trở nên chuyện hết sức bình thường.

Gánh nước bằng thang máy, đi tắm nhờ ở chung cư bạc tỉ giữa lòng Hà Nội 4
Ông bố trẻ này xuống tầng hầm để xách nước lên cho gia đình (Ảnh: BG)

Chị Phương My chia sẻ: “Ngày nghỉ tôi thường cùng cả nhà về ngoại tắm nhờ, còn ngày đi làm cả hai vợ chồng luôn mang theo quần áo mới để tắm tranh thủ ở cơ quan. Biết vậy là kỳ lắm nhưng mọi người trong công ty ai cũng thông cảm. Chẳng hiểu cảnh cắt nước, ô nhiễm nguồn nước này sẽ đến bao giờ mới kết thúc, tôi rất mệt mỏi”.

Trước tình trạng này, hàng trăm hộ dân ở khu chung cư Nam Đô Trương Định, Hà Nội đang phải nhịn tắm, giặt. Họ tận dụng từng xô nước để sinh hoạt giữa thời tiết nắng nóng. Đến giờ ăn cơm tối, mọi người vẫn nháo nhác hỏi nhau có nước hay chưa, í ới rủ nhau đi sang hàng xóm hoặc xuống dưới tầng hầm xách nước lên. Người lớn đi tắm nhờ, để dành nước sạch tắm cho trẻ em. Quần áo, bát đũa chất đống trong nhà tắm hàng tuần. "Cảnh nước giặt đồ xong dùng để lau nhà, nước rửa rau dùng rửa bát, dội bồn cầu, nước tắm cất đi dùng để rửa tay dần... tưởng chừng chỉ có trên phim", anh Chiến ngao ngán. 

Gánh nước bằng thang máy, đi tắm nhờ ở chung cư bạc tỉ giữa lòng Hà Nội 5
Đi xin nước là việc thường xuyên mà các hộ gia đình ở đây thực hiện (Ảnh: BG)

Ngoài cách tắm nhờ, đi xin nước về trữ, nhiều người chọn cách "di tản". Cảnh tượng này khá phổ biến hiện nay. Vợ chồng chị Thu Hằng nói: "May cho chúng tôi là bố mẹ ở trên Hà Nội. Trước tình trạng nước bị cắt liên tục, nước lại nhiễm độc, tôi quyết định cho vợ con di tản khẩn trương".

Gánh nước bằng thang máy, đi tắm nhờ ở chung cư bạc tỉ giữa lòng Hà Nội 6
Đơn đề nghị của các hộ dân tại khu chung cư Nam Đô

Dù bằng cách nào để tránh nước ô nhiễm: đi tản, tắm nhờ, mua nước khoáng... song ai ai cũng biết đó là những cách tạm thời. Họ đều mong mỏi cơ quan chức năng sớm vào cuộc trả lại nguồn nước trong lành cho người dân sống tại đây. 
Chia sẻ