Gánh chè trôi nhân thịt 30 năm nép bên ngõ Đê Tô Hoàng, chừng 2 tiếng bán cả chục thùng hết veo

Lynk, ảnh: Quý Nguyễn,
Chia sẻ

Quán đông khách lắm, nên đến ăn bạn nhớ chuẩn bị tiền lẻ, vì cầm tờ tiền to đùng đến ăn vài miếng chè trôi nóng hổi giá chỉ 12 nghìn/ bát, cô chủ quán sẽ bận tới mức chẳng có thời gian mà ngồi tính tiền thừa trả lại đâu ạ!

- Chè hôm nay mặn thế!

- Chết, cô thông cảm, hôm nay con dâu tôi lỡ tay ngâm 2 lần muối.

- Ăn không quen! Mọi hôm đang ngon.

- Kệ bà ấy, cô Vân ơi cho tôi thêm bát trôi thập cẩm mang về!

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 1.

Gánh chè trôi giản dị đã hơn 30 năm ở ngõ đê Tô Hoàng.

3 rưỡi chiều một ngày cuối năm, bên mái hiên căn nhà không số có tán hoa giấy rậm rì, hơn chục người xúm lại với nhau rôm rả quanh gánh chè trôi nóng chỉ có đôi thúng nhỏ và vài chiếc ghế con. Những người dân sống trong ngõ đê Tô Hoàng (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quá quen với hàng chè chẳng biển tên ấy, quen với những cuộc đối thoại chen nhau tưng bừng chẳng ai ngại ai, quen với cảnh khách đứng chờ có khi rụng cả chân nhưng chờ xong thì... một viên bánh trôi cũng không còn, dù cô chủ mới bán được 2 tiếng, hôm nào bất ngờ trời rét lạnh, chắc chỉ 1 tiếng là mấy cái nồi bự còn trơ đáy không.

Cỡ lưng lưng buổi chiều đổ đi là người phụ nữ da ngăm tất tả quẩy gánh hàng lỉnh kỉnh nghìn thứ từ trong ngõ Đỗ Thận ra vỉa hè quen thuộc. Ghế cả chồng, khách cứ tự nhiên lấy rồi tự chọn chỗ theo "góc nhìn" ưa thích, miễn không ai ngồi giữa ngõ chình ình.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 2.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 3.

Cô chủ hàng cũng không nhớ mình đã bán chè qua bao nhiêu mùa đông.

Biết hàng chè nổi tiếng đông, nên tôi đã cố ý đến nơi từ sớm. 3 giờ vẫn thấy vắng hoe. Nghĩ bụng chắc hôm nay mở muộn, lại tha thẩn ra phố Bạch Mai. Nửa tiếng sau quay lại, tôi giật mình vì... chỗ để xe cũng khó mà tìm. Gánh chè trôi đã ngay ngắn từ bao giờ, khách ríu rít người già trẻ nhỏ bưng bát ăn vừa thổi vừa xuýt xoa. Đúng là đông Hà Nội, không gì sung sướng bằng được ăn những món vừa hợp dạ vừa hợp thời tiết, dù mộc mạc mà vẫn ngon hơn sơn hào hải vị.

Bà chủ quán bận rộn luôn tay ấy là cô Vân (52 tuổi). Khách vui miệng hỏi cô bán chè được bao nhiêu năm, người phụ nữ phong sương ấy bỗng khựng tay trong giây lát. Hóa ra, chuyện bên đôi quang gánh cuộc đời của cô Vân cũng tấp tểnh như đoạn đường ngoằn ngoèo từ nhà cô ra góc ngõ Tô Hoàng mấy chục năm qua.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 4.

Bận luôn tay luôn chân vì khách quá đông, cô Vân rất ít khi trò chuyện với khách.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 5.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 6.

"Tôi lấy chồng rồi mới bán chè để mưu sinh. Nghề làm chè trôi là gia truyền lâu đời nhà tôi đấy, học hành bí quyết bài bản cả chứ đâu phải tự nhiên đùng cái biết làm luôn đâu. Chẳng biết bao nhiêu thế hệ người Hà Nội đã ăn chè do nhà tôi làm rồi, mà chẳng nhớ bắt đầu bán từ năm nào nữa, lâu quá rồi".

Kể được dăm ba câu đãi môi làm quà với khách, cô lại xắn tay quệt mồ hôi giữa trời 16 độ vì khách cứ nườm nượp gọi chè, í a í ới nhớ không xuể. Nhà cô Vân 5 chị em gái, mỗi ngày thay phiên 1 người phụ giúp cô chủ bán chè, ấy thế mà vẫn mệt không hết việc.

Vừa múc chè vừa tính tiền, vừa đếm cốc lấy túi cho khách mang đi, nhiều người lần đầu tới ăn lại cứ tưởng cô Vân lầm lì khó tính. Sự thật là, muốn buôn dưa với ai cũng khó, đang dở miệng nhớ lại thời xuân, bỗng ào ào 4-5 người ngồi xuống một lúc, nếu không căng tai để tập trung làm, thì thế nào cũng sẽ nhầm lung tung, gặp khách khó tính thì chắc họ phàn nàn hết buổi như hôm nay mất.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 7.

Khách đến ăn cứ tự nhiên lấy ghế ngồi.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 8.

Chuyện một khách tới mua mấy chục cốc chè ở đây đã chẳng còn lạ lẫm.

Cô dí dỏm cười: "Giời ơi, ngày nào bán chè cũng đầu tắt mặt tối, anh chị em rồi chồng phụ mấy tay vẫn không hết việc, vội quá cứ phải nói to mới nghe thấy, xong thi thoảng rối quá 2 chị em cãi nhau, khách về cứ đồn ầm lên là bà chè chửi, không khác gì bún chửi ấy, chán lắm. Mình có chửi ai bao giờ đâu, bận bịu quá thì nóng tí thôi chứ mắng khách người ta còn mắng lại cho".

Nghe cô Vân kể chuyện mà lũ trẻ ngồi cạnh cũng cười khúc khích. Có vẻ như ai đến đây ăn cũng toàn quen như người nhà, bởi họ toàn đi bộ, hoặc đến vèo cái xách túi to túi nhỏ phóng đi, biết là đông nên toàn dặn trước, người 30 cốc, người ôm cả thùng. Thế nên, cô Vân gãi đầu ngẩn ra, chẳng biết là mỗi ngày nặn hết mấy cân bột bánh, vừng dừa.

Gánh chè cô Vân mở từ tầm 3 giờ - 3 rưỡi, nhưng nếu không nhanh chân thì khoảng hơn 2 tiếng sau chẳng còn tí nước đường nào mà ăn. Điểm khác biệt ấn tượng nhất của món chè trôi ngõ Tô Hoàng là ở nhân chiếc bánh. Ai cũng biết nhân trôi tàu thường có 2 vị truyền thống là đỗ xanh hoặc đỗ vừng, nhưng cô Vân "phát minh" ra nhân thịt mặn, rất ngon và đậm đà, thỏa mãn những cái bụng khó tính nhất.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 9.

Một bát chè trôi thông thường ở đây có 3 viên, vị do khách tùy chọn.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 10.

Ngoài nhân đỗ truyền thống quen thuộc, cô Vân còn sáng tạo thêm cả nhân thịt rất lạ miệng.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 11.

Và chè sắn dừa non ngon lành chỉ mùa đông mới có.

Cô bảo, chiếc bánh nhân thịt ra đời từ cách đây hơn 10 năm, do chính thực khách gợi ý. Cô làm thử thịt lợn băm nhuyễn trộn với nấm hương, hạt tiêu, ngờ đâu lúc ăn... nó thơm lừng đến độ chỉ ngửi mùi cũng nghiện! Nói không ngoa chứ bát chè trôi tàu giản dị nóng hổi ở đây, nó ngon theo cách thật khó tả, ngọt vừa miệng không gắt, viên bánh nặn nhỏ xinh, chút cốt dừa với dừa tươi nạo quyện với vụn vừng đen, đủ xua tan cái lạnh chiều đông, ấm dạ về nhà chờ cơm tối.

"Từ cái hồi tôi bán có 2.000 đồng 3 viên bánh, gánh từ nhà đi bộ khắp quanh mạn Phố Huế, nhiều người dân bỗng có thói quen mang ghế ra cửa ngồi chờ tôi đi ngang qua. Hôm nào muộn quá 3 giờ mới thấy xuất hiện, khách lại trách khéo tôi là họ nhịn chờ quà chiều cô Vân mãi. Cả chợ giời quanh mạn Phố Huế đều biết tôi cả, hỏi các cụ lớn tuổi là họ nhớ đấy.

Bán rong mấy năm tôi mới về đây ngồi, tự nhiên đặt xuống là khách cứ ghé thôi, lâu dần thành quen, mình cũng chẳng quảng cáo gì, ngày nào cũng nấu sẵn mấy nồi ở nhà dự trữ mà không đủ phục vụ. Vui, nhưng mà giờ có tuổi cũng mệt lắm".

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 12.

2 tiếng buổi chiều, cô Vân bán hết vài xô bánh là chuyện bình thường.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 13.

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 14.

Từ người lớn đến trẻ nhỏ, hàng nghìn người mê mẩn món ăn "thần thánh" của mùa lạnh.

Ngoài chè trôi tàu nhân 3 vị khác nhau, cô Vân còn bán cả chè sắn, chè bà cốt, hoặc xôi vò, thỏa mãn mọi yêu cầu của khách. Chè sắn có trân châu nhân dừa, không rõ tuyệt chiêu của cô Vân là gì mà lớp áo trân châu mịn như trứng cá, trong veo, ăn rất thích. Sắn cô đặc biệt không luộc, mà kỳ công hấp chín, rồi tỉ mẩn gỡ ra, bẻ ngay ngắn từng miếng nhỏ. Lớp bột sền sệt màu hổ phách, nhìn là ứa nước miếng, vị cốt gừng đặc trưng, 12 ngàn được một bát đầy ụ, xoay xoay trên tay hít hà mùi sắn thơm mà thấy mùa đông ngọt ngào như có nắng.

À, ở đây còn có một quy tắc bất thành văn mà khách quen cô Vân vẫn hay truyền tai nhau, ấy là muốn được phục vụ nhanh thì phải nhớ chuẩn bị sẵn tiền lẻ, đỡ phải trả lại nhiều. Chứ ăn đôi bát chè có 12 ngàn/ bát, chìa hẳn tờ 500 nghìn to đùng, đứng mỏi chân có khi cô chủ chẳng nhớ ra mà giả lại!

Gánh chè trôi mộc mạc 30 năm ngõ Tô Hoàng, bán hết veo trong vòng 2 tiếng, nếu muốn ăn nhớ đừng mang tiền chẵn - Ảnh 15.

Góc vỉa hè quen thuộc, rất Hà Nội mà cũng thật đời thường.

Ngồi "ăn vạ" tầm gần tiếng thì tôi gửi tiền cô xin phép ra về. Bà chủ quán đầu bù tóc rối, quay cuồng với khách, chồng cô tiếp tế thêm mấy xô bánh rồi mà vẫn chưa ngớt người ăn. Lên xe rồi, tôi còn nghe cô lẩm bẩm: Hôm nay hơi mặn, sắn ngâm muối 2 lượt mà nhiều khách lại khen ngon, hay là mai lại bán thêm chè sắn mặn ngọt...

Chia sẻ