Gần như ngày nào trong năm 2021 Mark Zuckerberg cũng bán cổ phiếu Facebook, lý do đầy toan tính phía sau khiến nhiều người bất ngờ

Vân Đàm,
Chia sẻ

Không ồn ào như Elon Musk, Mark Zuckerberg bán cổ phiếu Facebook gần như mỗi ngày trong cả năm 2021.

Tờ Bloomberg đưa tin, Mark Zuckerberg đã bán cổ phiếu của Meta Platforms - công ty mẹ Facebook vào hầu hết các ngày trong tuần trong năm nay. Trong khi đó, những người sáng lập Google bắt đầu bán bớt cổ phần vào tháng 5, đây cũng là lúc hai trong số ba nhà đồng sáng lập Airbnb bắt đầu đa dạng hóa cổ phần của họ.

Các giao dịch kể trên là một phần của sự gia tăng bán ra của những người giàu nhất nước Mỹ. Tổng cộng, những người này đã bán ra 42,9 tỷ USD cho đến đầu tháng 12, cao hơn gấp đôi so với mức 20,2 tỷ USD mà họ bán trong cả năm 2020.

Gần như ngày nào trong năm 2021 Mark Zuckerberg cũng bán cổ phiếu Facebook, lý do đầy toan tính phía sau khiến nhiều người bất ngờ - Ảnh 1.

Những người siêu giàu thường nắm giữ cổ phần trong các công ty đã tạo nên vận may của họ. Nhưng nhiều người giàu ở Mỹ quyết định bán cổ phiếu thời điểm này bởi định giá cổ phiếu đang ở mức cao kỷ lục và đi trước 1 bước khi thuế có khả năng tăng vào đầu năm 2022.

Elizabeth Sevilla, một đối tác của Seiler LLP, một công ty tư vấn có trụ sở tại khu vực Vịnh San Francisco cho biết: "Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đang bán ra".

Một số người giàu nhất thế giới đã bán cổ phần cốt lõi sau nhiều năm ngủ đông, bao gồm cả Sergey Brin và Larry Page, những người đồng sáng lập ẩn dật của Google. Cho đến nay, Page đã bán khoảng 1,8 tỷ USD cổ phiếu của công ty mẹ Google là Alphabet Inc. và Brin bán khoảng 1,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên một trong hai người bán cổ phiếu kể từ năm 2017.

Gần như ngày nào trong năm 2021 Mark Zuckerberg cũng bán cổ phiếu Facebook, lý do đầy toan tính phía sau khiến nhiều người bất ngờ - Ảnh 2.

Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã bán khoảng 12,7 tỷ USD cổ phiếu của Tesla Inc. trong năm nay, là lần đầu tiên ông bán cổ phiếu kể từ năm 2016. Chuỗi bán cổ phiếu được khởi động sau khi tỷ này - người có tài sản cá nhân 253,6 tỷ USD tạo một cuộc thăm dò ý kiến trên Twitter vào tháng trước về việc liệu ông có nên thoái 10% cổ phần của mình tại nhà sản xuất ô tô chạy điện hay không.

Michael Dell, người sáng lập và giám đốc điều hành của Dell Technologies, đã không bán cổ phần của công ty mình trong ít nhất hai năm hoặc kể từ khi công ty trở lại thị trường đại chúng vào năm 2018. Vậy mà cho đến nay, ông đã bán khoảng 500 triệu USD cổ phiếu.

Dù tránh thuế có phải là mục tiêu của hành động bán ra cổ phiếu kể trên hay không, có 1 điều chắc chắn là việc này có thể giúp các tỷ phú tiết kiệm hàng tỷ USD. Ngay cả khi Musk đinh ninh rằng việc bán cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc thăm dò ý kiến trên Twitter. Tuy nhiên, tờ CNBC đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng một số giao dịch của ông đã được lên kế hoạch trước. Điều đó thể hiện nhận thức rõ ràng của giới nhà giàu về các nghĩa vụ thuế, cả ở cấp liên bang và tiểu bang.

Sevilla nói: "Đây không phải là một cuộc di cư khỏi thị trường. Thay vào đó, các tỷ phú công nghệ giàu có đang ngồi lại với các bên quản lý tài sản để đánh giá tác động của thuế phụ thu và các đề xuất thuế khác, sau đó tính toán mức đầu tư tương ứng".

Theo Bloomberg, 167 người Mỹ giàu nhất nắm trong tay 3,6 nghìn tỷ USD, tăng 47% kể từ đầu năm ngoái. Sự giàu có của họ được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng trong định giá cổ phiếu trong giai đoạn đó, với Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 45% và Chỉ số tổng hợp Nasdaq nghiêng về công nghệ tăng 75%.

Lượng bán cổ phiếu của các tỷ phú hàng đầu đã tăng nhanh hơn cả khối tài sản của họ. Năm 2019, những người Mỹ giàu nhất chỉ bán 6,6 tỷ USD cổ phiếu, tương tự như những năm trước.

Việc bán ra thực sự tăng lên vào năm 2020, khi các ứng cử viên Đảng Dân chủ đang trong chiến dịch tranh cử đề xuất tăng tỷ lệ thuế đánh vào người giàu. Các cố vấn đã dành phần lớn thời gian trong năm để cảnh báo về mức thuế cao hơn sớm nhất là vào năm 2021 nếu đảng Dân chủ tiếp quản.

Trong khi đó, định giá cổ phiếu đã tăng vọt vào năm ngoái, đặc biệt là ở các cổ phiếu công nghệ được hưởng lợi từ các xu hướng do đại dịch gây ra.

Người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia Corp là Jensen Huang, đã bán cổ phần của nhà sản xuất chip này vào tháng 7/2020 khi đang đạt mức cao kỷ lục. Đó là lần bán cổ phiếu đầu tiên của ông sau gần ba năm. Kể từ đó, giá cổ phiếu đã tăng gần gấp ba lần và lượng bán ra cổ phiếu của Huang cũng tăng nhanh. Ông đã bán được 426 triệu USD giá trị cổ phiếu cho đến nay, cao hơn rất nhiều so với mức 168 triệu USD vào năm 2020.

Một yếu tố khác thúc đẩy việc bán ra cổ phiếu là làn sóng IPO của các startup.

Hai trong số ba nhà đồng sáng lập của Airbnb Inc là Joseph Gebbia và Nathan Blecharczyk - đã cùng nhau bán lượng cổ phiếu trị giá hơn 1 tỷ USD kể từ khi công ty này được niêm yết vào tháng 12 năm ngoái. Một người đồng sáng lập khác, CEO Brian Chesky, đã không bán bất kỳ cổ phiếu nào trong năm nay.

Thống kê cũng cho thấy, người Mỹ đã mua 543 triệu USD cổ phiếu trên thị trường mở cho đến hết ngày 3/12, tăng so với năm ngoái nhưng chưa bằng một nửa lượng mua của họ trong năm 2018.

LÝ DO CÁ NHÂN

Những người Mỹ giàu nhất có thể có nhiều lý do cá nhân để bán cổ phiếu thời điểm này, bao gồm cả việc tài trợ cho các nỗ lực từ thiện.

Jeff Bezos, người giàu thứ hai thế giới, đã bán hơn 9 tỷ USD cổ phiếu Amazon Inc trong năm nay. Số tiền này được ông sử dụng để cung cấp cho các khoản tài trợ gần đây và cam kết chống biến đổi khí hậu thông qua Quỹ Bezos Earth của mình.

Zuckerberg đang bán ra nhiều cổ phiếu Meta - trước đây được gọi là Facebook phần lớn là để gửi tiền cho Quỹ Chan-Zuckerberg. Anh ấy đã bán được 4,5 tỷ USD trong năm nay, gần gấp 8 lần so với số tiền thu được nhờ bán cổ phiếu vào năm 2020. Cách đây 6 năm, anh và vợ Priscilla Chan đã cam kết dành 99% tài sản của mình cho quỹ từ thiện trong suốt cuộc đời của họ.

Jack Dorsey, người sáng lập Twitter Inc, đã bán gần 500 triệu USD cổ phiếu trong năm nay của một công ty khác mà ông thành lập mang tên Block Inc. Năm ngoái, ông đã hứa tặng một phần lớn cổ phần của công ty, trước đây gọi là Square, cho hoạt động cứu trợ dịch Covid -19.

Dẫu vậy những thay đổi về thuế hiện vẫn còn rất mơ hồ. Pratik Patel, giám đốc điều hành tại BMO Family Office, cho biết: "Đó là một chuyến tàu lượn siêu tốc. Ngay cả bây giờ, vẫn chưa rõ những thay đổi cuối cùng về thuế có thể trông như thế nào. Mọi người đều cảm thấy như thuế đang tăng lên. Nhưng vẫn còn đó sự không chắc chắn. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đang chọn cách tiếp tục chờ đợi và xem xét".

1
Chia sẻ