Freelance – xu hướng làm việc mới

Mia,
Chia sẻ

Freelance đang là xu hướng được rất nhiều người lựa chọn bởi sự tự do, thoải mái nó mang lại. Nhiều người cho rằng đây là phong cách làm việc không áp lực, nhàn hạ mà lại đem lại thu nhập cao. Thực tế có phải như vậy?

Đôi điều về freelance

Có nhiều khái niệm về freelance, tuy nhiên, tựu chung lại, freelance là hình thức làm việc tự do, không chịu sự quản lý của bất cứ tổ chức, công ty nào.

Các freelancer có thể nhận nhiều việc khác nhau và thu xếp thời gian làm việc theo ý mình, miễn là có thể hoàn thành đúng deadline công việc. Hương Thùy – một copywriter (người viết lời quảng cáo) tự do kể: “Có khi làm thâu đêm suốt sáng để cho kịp công việc. Có khi nghỉ cả tháng trời để đi phượt liên miên. Chỉ có làm việc theo kiểu freelance mới giúp mình có được sự tự do như vậy."

Freelance – xu hướng làm việc mới 1
Các freelancer có thể làm việc bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào họ thích - (Ảnh minh họa)

Hiện tại, xu hướng freelance ở Việt Nam đang tập trung vào hai nhóm nghề chính. Thứ nhất là nhóm chuyên về sáng tạo, ví dụ như nhiếp ảnh gia, viết báo, viết truyện, sản xuất âm nhạc,… Thứ hai là những nghề đòi hỏi có kiến thức bài bản, sâu sắc và kinh nghiệm dày dặn, ví dụ như: tư vấn, kế toán, dịch thuật, công nghệ thông tin,... Thường thì các freelancer có thể thỏa sức thể hiện khả năng và sự sáng tạo của mình trong các sản phẩm. Họ làm việc theo cảm hứng.

Freelance thích hợp với những người yêu tự do và thích mạo hiểm. Nếu không thích việc này, họ nhảy sang việc khác ngay lập tức bất chấp việc không phải lúc nào cũng có người sẵn sàng giao việc cho họ.

Freelance – xu hướng chỉ dành cho người giỏi

Các freelancer không bị quản lý bởi luật lệ nào của công ty, nên họ buộc phải có tài năng mới thuyết phục được các công ty, tổ chức giao việc cho họ. Hầu hết các freelancer đều có kinh nghiệm, chuyên môn cực kỳ vững vàng. Chủ của các công ty, tổ chức không phải kẻ ngốc. Họ sẽ không trao cho một người không có khả năng những đặc quyền lớn như thoải mái về thời gian, tự do, không bị quản lý. Họ cần một người có thực tài để họ có thể tin tưởng giao phó công việc.

Freelancer phải đa – dzi – năng bởi họ chính là một “công ty”. Họ tự làm chủ và là người làm công cho chính mình. Để tồn tại và tìm được khách hàng cho mình, họ phải biết làm mọi việc. Ngoài công việc chuyên môn chính thì freelancer phải thạo về luật pháp để không bị lừa, bị lợi dụng. Họ cũng cần phải có kỹ năng PR, tự tạo dựng thương hiệu cho bản thân để thu hút các khách hàng. Các freelancer cũng làm luôn vai trò của một kế toán trưởng. Họ phải tính toán được lỗ, lãi trong mỗi công việc của mình để có sự thương thảo phù hợp với khách hàng.

Freelance – xu hướng làm việc mới 2
Những người làm việc trong ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo thường chọn freelance làm con đường cho mình - (Ảnh minh họa)

Một yếu tố khác rất cần thiết, đó là phải có các mối quan hệ rộng. Có như vậy họ mới có nguồn công việc dồi dào để lựa chọn, “nhảy việc” khi chán công việc hiện tại. Ngoài ra, chẳng ai có thể “đơn thương độc mã” trong quá trình làm việc. Freelancer rất tự do, độc lập nhưng họ cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác. Những lúc như vậy, họ phải nhờ tới các mối quan hệ xung quanh. Bởi vậy, khả năng giao tiếp là một yếu tố cần thiết nếu bạn muốn trở thành một freelancer.

Tựu chung lại, các freelancer phải giỏi trên đủ mọi lĩnh vực. Hà Trang, biên tập viên của một nhà xuất bản đã từng nghỉ việc để trở thành freelancer vì không muốn bị đè nặng bởi áp lực, bị sếp “ép” lượng bài. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô nàng đã phải quay trở lại công ty bởi không thể kiếm được một dự án “nhàn hạ, thu nhập cao” như cô từng mong ước.

Khả năng giao tiếp bình thường, có ít mối quan hệ nên Hà Trang bị bó buộc với một vài mối khách hàng nhỏ nhoi. Nắm bắt được điểm yếu đó của Hà Trang, khách hàng quay ngược trở lại làm khó cô bởi họ biết cô cần công việc từ họ. Ngoài ra, Trang không chịu nổi áp lực khi phải tự mình hoàn thiện từ A đến Z công việc. Cô quá căng thẳng vi phải gánh vác một trách nhiệm lớn như thế.

Trở thành một freelancer thì dễ nhưng để thành công và kiếm ra tiền thì vô cùng khó.

Mặt trái của freelance

Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Làm việc theo kiểu freelance có những ưu điểm vượt trội nhưng cũng có mặt trái.

Công việc này không có thu nhập ổn định, đều đặn và đó là điều tối kỵ khi bạn có gia đình. Nếu bạn có thể dễ dàng bỏ việc khi chán thì khách hàng cũng dễ dàng bỏ bạn khi kiếm được một freelancer tốt hơn. Chính vì vậy mà đa số người Việt không chọn cách làm việc theo kiểu freelance, đặc biệt là phụ nữ. Bởi họ sống theo phong cách đậm chất Á Đông, coi trọng gia đình và con cái.

Bạn cũng không hề được hưởng bất cứ một phúc lợi nào khi là một freelancer. Trong khi bạn bè rủng rỉnh tiền thưởng mỗi dịp lễ tết thì bạn lại không được một xu.

Một điều mệt mỏi nữa đó là những người khác có thể thoải mái nghỉ ngơi, thư giãn sau 8 tiếng làm việc nhưng các freelancer thì lại luôn phải suy nghĩ tới công việc. Họ có thời gian dài nghỉ ngơi nhưng một khi đã làm việc thì cường độ công việc dồn dập và khá căng thẳng.

Freelance – xu hướng làm việc mới 3
Dù làm trong công sở hay lựa chọn trở thành freelancer, bạn cũng cần phải chăm chỉ và có trách nhiệm với công việc - (Ảnh minh họa)

Minh Vũ – một nhà thiết kế nội thất làm việc theo kiểu freelance chia sẻ: “Lựa chọn trở thành freelancer là đón nhận những “cái được” và chấp nhận những “cái mất”. Tôi đã có những khoảng thời gian nghèo kiết xác vì không kiếm được một dự án thiết kế nào và đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Nhưng tôi vẫn lựa chọn trở thành một freelancer vì không muốn bị người khác can thiệp sâu vào những thiết kế của mình.”

Freelance là cách nhiều bạn trẻ lựa chọn hiện giờ bởi sự tự do và thoải mái. Tuy nhiên, đó không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Freelance có nhiều lợi ích lớn nhưng rủi ro nó mang lại cũng không hề nhỏ.

Dù làm bất cứ công việc gì thì tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và chăm chỉ cũng luôn phải đặt lên hàng đầu. Bạn nên nhớ rằng: “Không ai cho không ai cái gì. Không có việc gì nhàn hạ mà lại mang lại thu nhập “khủng”. Mọi thứ đều có giá của nó.”

Chia sẻ