F0 đang được điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng nhanh, bệnh viện tuyến cuối lo quá tải

Gia Đoàn,
Chia sẻ

Chỉ trong 1 tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng rất nhanh. Thành phố hiện có hơn 9.000 F0 đang được điều trị, 124 ca diễn biến nặng, nguy kịch, cao hơn 57% so với trung bình 7 ngày trước khiến một số bệnh viện tuyến cuối rơi vào tình trạng quá tải.

Tới hết ngày 12/12, Hà Nội có 9.017 trường hợp F0 đang được điều trị, trong đó có 6.084 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị; 2.495 bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động; 438 F0 điều trị tại nhà.

F0 đang được điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng nhanh, bệnh viện tuyến cuối lo quá tải - Ảnh 1.

Tính đến 12/12, Hà Nội có 9.017 trường hợp F0 đang được điều trị, trong đó có 6.084 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị.

2 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 257 bệnh nhân. Có 28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1.963 bệnh nhân. Cơ sở thu dung điều trị thành phố tiếp nhận điều trị cho 3.864 người, trong đó cơ sở ký túc xá Phenikaa (540), cơ sở điều trị Đền Lừ III (844), cơ sở điều trị Thượng Thanh (718), cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.762).

Theo thống kê về tình hình điều trị Covid-19 của Bộ Y tế cập nhật tới tối 12/12, đại đa số các bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, lượng F0 ở Hà Nội tăng trong 1 tuần gần đây, khiến số bệnh nhân mức độ trung bình, nặng/nguy kịch cũng tăng lên.

F0 đang được điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng nhanh, bệnh viện tuyến cuối lo quá tải - Ảnh 2.

Cơ sở điều trị Covid-19 của một số bệnh viện đang chịu áp lực lớn khi số lượng ca mắc không ngừng tăng.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 14/12, một lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết hiện nay cơ sở điều trị Covid-19 của bệnh viện đang chịu áp lực lớn khi số lượng ca mắc không ngừng tăng.

"Trong ngày hôm qua có thêm 30 F0 khỏi bệnh được ra viện, nay trong bệnh viện đang có gần 200 F0 đang điều trị. Bệnh viện cũng đang quá tải, tuy nhiên so với thời điểm trước đó thì cũng đỡ áp lực hơn khi mà TP Hà Nội đã cho F0 được điều trị tại nhà.

Điều đáng nói là số ca mắc tăng thì số bệnh nhân nặng tăng lên theo tỉ lệ, hiện nay cứ 200 F0 thì có khoảng 10 bệnh nhận nặng phải vào viện điều trị, vì vậy tình hình cũng khá căng thẳng", vị lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết.

F0 đang được điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng nhanh, bệnh viện tuyến cuối lo quá tải - Ảnh 3.

F0 đang được điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng nhanh, bệnh viện tuyến cuối lo quá tải.

Trước tình trạng người dân tự test nhanh Covid-19, dương tính thì tự đến bệnh viện, không thông báo cho cơ sở y tế địa phương hoặc nhiều trường hợp F0 nhẹ nhưng vẫn muốn đến các bệnh viện tuyến cuối để điều trị, đại diện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện đang xây dựng quy trình chuẩn để sàng lọc, tiếp nhận bệnh nhân.

"Với những trường hợp F0 đến điều trị, qua quá trình khám sàng lọc, nếu tình trạng nhẹ, bệnh viện sẽ không tiếp nhận điều trị mà sẽ liên hệ tới các nơi khác để bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế phù hợp", vị đại diện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, đại diện đơn nguyên phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn - cho biết theo quy định, TP và Sở Y tế giao cho Bệnh viện Thanh Nhàn là 300 giường, trong đó 250 giường ICU, 50 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình.

Được biết, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đang có 20 - 30 bệnh nhân trở nặng, cá biệt có giai đoạn lên đến 40 bệnh nhân ở tầng 3 - tầng thở oxy cho đến khi bệnh nhân phải can thiệp bằng thở máy.

Đa phần những ca bệnh nặng trên là những người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin nhưng chưa đủ liều hoặc tiêm 2 mũi thời gian chưa đủ sinh ra kháng thể.

"Với mức độ phân tầng như giai đoạn hiện tại, chỉ tiêu phân cho chúng tôi 100 giường bệnh nhưng đang điều trị 120 bệnh nhân. Với mức độ chỉ 20 giường nặng, chúng tôi đã gấp 150% so với công suất và quy định mà TP và Sở Y tế giao", vị đại diện cho biết.

F0 đang được điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng nhanh, bệnh viện tuyến cuối lo quá tải - Ảnh 4.

Bộ Y tế cho biết với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày.

Liên quan đến vấn đề quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của TP., bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, theo khảo sát 2,1 triệu hộ gia đình tại thủ đô, có gần 900.000 hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.

"Việc quản lý người nhiễm COVID-19 nhẹ không triệu chứng tại nhà rất cần sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, đề nghị người dân nâng cao ý thức khi được điều trị tại nhà", bà Hà nói.

Trước đó, ngày 5/12, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho ra viện.

Về vấn đề này, ngày 12/12, Bộ Y tế cho biết với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày.

Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Hà Nội về quản lý, điều trị và chăm sóc F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, F0 nếu có các dấu hiệu sau cần báo ngay với nhân viên y tế:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở tăng: Người lớn nhịp thở >21 lần/phút; Trẻ từ đến dưới 5 tuổi nhịp thở: ≥40 lần/phút; Trẻ từ 5- dưới 12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút.

- SpO2 < 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.

- Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...

Chia sẻ