Evergrande chính thức vỡ nợ

Vu Lam,
Chia sẻ

China Evergrande Group - nhà phát triển Trung Quốc đang ở trong cuộc khủng hoảng thanh khoản, lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu USD.

Evergrande chính thức vỡ nợ - Ảnh 1.

Xếp hạng nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ dài hạn của gã khổng lồ ngành bất động sản đã bị Fitch Ratings hạ xuống mức "vỡ nợ hạn chế" (restricted default). Tổ chức này cho biết Evergrande đã lỡ thời hạn thanh toán các khoản thanh toán lãi với trái phiếu USD đến hạn vào ngày 6/12.

Diễn biến này đánh dấu sự khởi đầu cho giai đoạn kết thúc của đế chế bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, được sáng lập cách đây 25 năm bởi tỷ phú Hứa Gia Ấn. Ngoài ra, vụ vỡ nợ cũng mở ra một cuộc chiến kéo dài về việc ai sẽ tiếp nhận hậu quả còn sót lại.

Chính phủ Trung Quốc cũng đối mặt với thách thức lớn đối với nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản đang lan rộng hơn. Giới chức nước này đã có một số bước đi đạt được hiệu quả nhất định. Bắc Kinh mới đây đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Evergrande cho biết trong một hồ sơ công bố hôm 3/12 rằng họ dự định "tích cực hợp tác" với các trái chủ nước ngoài về kế hoạch tái cơ cấu nợ, nhưng không nói rõ có tiếp tục trả lãi hay không. Công ty đang có kế hoạch đưa cả trái phiếu phát hành ở nước ngoài và nghĩa vụ nợ tư nhân vào cuộc tái cơ cấu được xếp vào hàng lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay.

Evergrande có khoảng 19,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài phát hành đại chúng và 8,4 tỷ USD trái phiếu địa phương, theo số liệu do Bloomberg tổng hợp. Tính đến tháng 6, tổng số nợ phải trả của họ đã vượt quá 300 tỷ USD. Công ty này sẽ đối mặt với tình trạng tài sản bị định giá cực kỳ thấp khi thay đổi bảng cân đối kế toán mà không có sự hỗ trợ của chính phủ. Quá trình này dự kiến sẽ kéo dài, gây tranh cãi và tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Hiện tại, một số trái phiếu USD của Evergrande đang giao dịch ở mức rất thấp với khoảng 20 cent. Điều quan trọng với các trái chủ bây giờ là liệu nhà phát triển có thể tăng doanh số bán nhà và thanh lý tài sản hay không.

Giới chức Trung Quốc đang can thiệp vào các vấn đề của Evergrande. Tuần trước, chính quyền tỉnh Quảng Đông - nơi công ty đặt trụ sở, đã triệu tập ông Hứa sau khi công ty cho biết họ có kế hoạch thảo luận với các chủ nợ về việc tái cơ cấu.

Các nhà chức trách sẽ cử một nhóm làm việc đến để giám sát Evergrande trong việc quản trị rủi ro, cũng như tăng cường kiểm soát nội bộ và đảm bảo hoạt động diễn ra bình thường.

Chia sẻ