Elly Trần chia sẻ cách dạy con tự lập, thẳng thắn chỉ ra sai lầm bố mẹ thường mắc phải khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý

M52,
Chia sẻ

Elly Trần đã chỉ ra 1 sai lầm mà bố mẹ Việt hay mắc phải khi dạy con tự lập, điều đó vô tình có ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của bé.

Elly Trần không chỉ là một người mẫu, diễn viên nổi tiếng mà còn là một hotmom được nhiều chị em ngưỡng mộ. Đặc biệt, dù sở hữu khối tài sản kếch xù nhưng chưa bao giờ Elly Trần chiều chuộng 2 con như ông hoàng, bà chúa. Ngược lại, chính nữ diễn viên "Khát vọng thượng lưu" cũng từng chia sẻ bị con ghét vì quá nghiêm khắc. 

Đặc biệt, cô ý thức được việc dạy các con tự lập ngay từ nhỏ. Do đó đối với hai con Cadie Mộc Trà và Alfie Túc Mạch, Elly Trần áp dụng triệt để. Khi bé Cadie mới hơn 1 tuổi đã có thể tự xúc đồ ăn ngon lành.

Mới đây, Elly Trần đã có một chia sẻ dài về cách dạy con tự lập trên fanpage. Theo đó, bà mẹ 2 con còn thẳng thắn chỉ ra 1 số sai lầm mà những cha mẹ hay mắc phải vì cứ nghĩ như thế con mới trưởng thành, không phụ thuộc.

Elly Trần cho biết: "Trong quá trình dạy con tự lập, ba mẹ nhất định phải dành thời gian để lắng nghe con.

Giống như chim mẹ dạy cho chim non biết bay và tự đi kiếm mồi, việc chúng ta dạy cho con khả năng độc lập cũng rất quan trọng, bởi một em bé tự lập sẽ luôn tự tin vào khả năng của bản thân, luôn sống vui vẻ và “tròn đầy” kỹ năng để trưởng thành và hội nhập toàn cầu. Nhưng dạy con tự lập như thế nào cho đúng, là câu hỏi mà không phải ba mẹ nào cũng biết cách trả lời.

Elly Trần chia sẻ cách dạy con tự lập, thẳng thắn chỉ ra sai lầm bố mẹ thường mắc phải khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý - Ảnh 2.

Những ích lợi của việc dạy con biết tự lập

Một ích lợi có thể nhìn thấy ngay đó là ba mẹ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ con trong tất cả công việc mà bọn trẻ có thể làm: Bọn trẻ có thể tự dọn dẹp phòng, tự giặt quần áo của chúng hoặc làm một số việc để cùng ba mẹ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Trẻ học cách tự lập cũng có ích cho việc học các kiến thức học thuật khác và ngược lại, bởi những điều trẻ học sẽ có thể được áp dụng vào những công việc trẻ làm. Ví dụ, khi bé tìm hiểu việc nướng bánh, sự hiểu biết các phép đo lường trong toán học sẽ có ích nhiều hơn.

Dạy con tự lập cũng chính là cách nuôi dưỡng lòng tự trọng cho con, lòng tự trọng xuất phát từ hành động làm những việc cho chính bản thân mình. Hơn nữa, biết tự lập còn giúp trẻ có đủ lòng can đảm và sự tự tin để thử làm những điều mới hay những việc khó khăn hơn.

Và cuối cùng, bằng việc tự làm một công việc nào đó, trẻ có thể đánh giá cao hơn dành cho ba mẹ, vì trẻ nhận ra “Ồ, hóa ra công việc này khó khăn đến thế nào!”.

Elly Trần chia sẻ cách dạy con tự lập, thẳng thắn chỉ ra sai lầm bố mẹ thường mắc phải khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý - Ảnh 3.

Dạy con tự lập không phải là “bỏ mặc” con

Thử xem qua một tình huống có tính chất “kinh điển” mà chúng ta thường hay gặp: Em bé chạy chơi và vấp chân té ngã. Bé tỏ ý muốn ba mẹ đỡ dậy. Ba mẹ vì muốn dạy con tự lập nên bảo bé hãy tự đứng dậy. Bé không chịu, ba mẹ cũng không chịu, kết quả là bé mè nheo rồi khóc.

Ba mẹ sẽ càng bực bội vì cho rằng con đang thiếu tự lập nên càng muốn “mặc kệ” con. Ba mẹ ra điều kiện nếu con không tự đứng dậy thì sẽ bỏ đi... Cuối cùng thì bé cũng đành phải tự đứng dậy chạy theo khi thấy ba mẹ đang bỏ đi xa mình.

Đây chính là cách mà nhiều ba mẹ đã và đang làm với mong muốn rèn cho con tính tự lập. Ba mẹ cho rằng, con khóc cứ để nó khóc, con té cứ để nó tự đứng lên, con làm sai thì phải để nó chịu phạt...

Elly Trần chia sẻ cách dạy con tự lập, thẳng thắn chỉ ra sai lầm bố mẹ thường mắc phải khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý - Ảnh 4.

Tuy nhiên trên thực tế, theo lời khuyên của các chuyên gia thì đó chưa phải là cách đúng. Nếu ba mẹ đang làm như vậy thì dường như là ba mẹ đang “bỏ mặc” con hơn là dạy cho con biết cách tự lập trong cuộc sống. Và cách làm đó nếu kéo dài sẽ vô tình gây nên những tác động tâm lý tiêu cực cho trẻ. Những phản ứng tiêu cực của chúng như hay hoảng sợ, tự ti, lì lợm, hay chống đối, phản kháng rất có thể sẽ hình thành từ chính cách mà chúng ta đang lầm tưởng là đúng.

Dạy con tự lập như thế nào cho đúng?

- Nếu muốn đỡ bé dậy thì ba mẹ hãy cứ làm, sau đó, hãy nói với trẻ: Con biết tại sao con bị té không? Lần sau con té con sẽ biết tự đứng dậy chứ?

- Nếu không muốn đỡ bé dậy hoặc đang không rảnh tay để đỡ bé, ba mẹ hãy cứ nói: Không sao, đừng khóc, con tự đứng dậy được phải không? Con thử chống tay để đứng dậy cho ba/mẹ xem nào?

Elly Trần chia sẻ cách dạy con tự lập, thẳng thắn chỉ ra những sai lầm bố mẹ Việt thường gặp phải - Ảnh 5.

Để con tự lập nhưng cha mẹ phải luôn giám sát, khích lệ con.

Hướng dẫn, tin tưởng và khích lệ. Đó chính là những từ khóa vô cùng quan trọng giúp ba mẹ có thể rèn dạy cho con thói quen tự lập mỗi ngày. Đầu tiên là hướng dẫn con cách làm rồi làm chung với con, sau đó để con tự làm một mình và kiên quyết không làm hộ những gì bé có khả năng tự làm. Có thể trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian trong những lần đầu nhưng ba mẹ đừng sốt ruột, mà hãy kiên nhẫn chờ đợi con thực hiện, hãy tin tưởng để con được tự làm những công việc theo khả năng.

Chỉ cần bắt đầu từ những việc đơn giản, như cho con tự mặc quần áo chẳng hạn, hãy dạy con phân biệt mặt trước mặt sau, mặt trái mặt phải, dạy con cách xỏ tay thế nào, cách kéo quần lên ra sao... Sau một vài lần là trẻ hoàn toàn có thể tự mặc quần áo một cách nhanh chóng.

Elly Trần chia sẻ cách dạy con tự lập, thẳng thắn chỉ ra những sai lầm bố mẹ Việt thường gặp phải - Ảnh 9.

Ba mẹ cũng đừng quên khích lệ mỗi khi trẻ làm tốt và đặc biệt đừng bao giờ chỉ trích hay chê bai nếu trẻ có lỡ sai sót điều gì, bởi chính từ những sai lầm mà trẻ sẽ học được cách tự đánh giá để lần sau có thể làm tốt hơn.

Và còn một điều quan trọng nữa là trong suốt quá trình cùng con tự lập, ba mẹ nhất định phải dành thời gian để lắng nghe con. Việc lắng nghe lời nói, hành động của con cũng là cách giúp ba mẹ thấu hiểu và hỗ trợ con xử lý, giải quyết những vấn đề của con theo hướng tích cực nhất. Đó cũng chính là cách ba mẹ có thể làm để nối dài thêm những sợi dây yêu thương gắn kết gia đình.

Chia sẻ