Hãy đeo khẩu trang vào, nó không làm bạn trở nên yếu đuối hay nữ tính mà thể hiện bạn là người có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng!

Bài viết: HH; Thiết kế: Thủy Tiên,
Chia sẻ

Virus corona không có mắt, nên nó không phân biệt được phái mạnh hay phái yếu. Nó chỉ nhận diện những người biết bảo vệ sức khỏe bản thân, có trách nhiệm với cộng đồng và những người còn lại.

Việt Nam đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Số ca được xác định dương tính với virus corona tại Việt Nam đã lên tới 7, cùng hơn 40 người nghi nhiễm và gần 100 người đang được cách ly theo dõi. 1 trong 7 người không đến từ tâm dịch Vũ Hán mà bị lây khi tiếp xúc với hai cha con người Trung Quốc mang bệnh.

Với thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày, và việc các bệnh nhân đã tiếp xúc với nhiều người trước khi xuất hiện triệu chứng điển hình, số lượng các ca nhiễm virus corona tại Việt Nam được dự đoán sẽ không ngừng tăng trong thời gian ngắn tới.

Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị, y tế cùng người dân đều chung tay phòng chống dịch. Đeo khẩu trang, rửa tay sạch, vệ sinh nhà cửa, trường học, nơi làm việc, không gian công cộng… là thông điệp được nhắn nhủ khắp nơi, thậm chí được dạy cho từng đứa trẻ cấp mầm non.

Thế nhưng, thật lạ, vẫn có những người thờ ơ lãnh đạm như thể “cô Vy” có thể phải lòng tất cả, ngoại trừ chính họ.

“Ai cũng đeo khẩu trang thì mình đeo làm gì nữa?”, “Chỉ đàn bà và trẻ con mới đeo khẩu trang”, “Ôi giời, corona có thể lây qua mắt thì đeo khẩu trang có ích gì?”... Đó là một vài trong rất nhiều bình luận dễ dàng bắt gặp trên mạng xã hội những giờ qua, mà phần lớn được phát ngôn từ nam giới. 

Đừng quên 4/7 ca nhiễm virus corona tại Việt Nam là nam giới, chiếc khẩu trang không làm đàn ông trở nên nữ tính mà chỉ giúp họ thể hiện trách nhiệm phái mạnh lẫn trách nhiệm công dân - Ảnh 1.

Đeo khẩu trang vốn dĩ là một hành động bảo vệ sức khỏe thông thường, rất phổ biến trên thế giới ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi. Nhưng tại Việt Nam, hành động thông thường và hiển nhiên ấy lại bị nhìn nhận đầy kì thị.

Một cô giáo tại Thanh Hóa chia sẻ trên mạng xã hội rằng, ngày đầu tiên đi làm sau Tết Nguyên Đán, cô bị cả phòng hội đồng trường nhìn với ánh mắt kinh ngạc chỉ vì… đeo khẩu trang. Vào lớp dạy, cô tiếp tục nhận về ánh mắt tương tự từ học sinh. Chỉ sau khi được cô động viên hãy đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân, học trò của cô mới lục đục rút khẩu trang trong túi ra. Hóa ra, hầu như em nào cũng được cha mẹ chuẩn bị sẵn khẩu trang, song không ai dám đeo vì sợ bạn chê cười.

Không chỉ trẻ nhỏ, tâm lý sợ bị chỉ trỏ, chê cười khi đeo khẩu trang khiến nhiều người lớn, đặc biệt là nam giới, ngại đeo khẩu trang tại nơi làm việc. Từ bao giờ, việc đeo khẩu trang bị đánh đồng với hành vi “nữ tính”, với suy luận đầy định kiến và ngu muội rằng, chỉ những chàng trai yếu ớt, sợ hãi mới làm như vậy. Và ngược lại, không đeo khẩu trang mới thể hiện bản lĩnh đàn ông, bản lĩnh phái mạnh.

Thật tiếc, niềm tin Chúa tạo ra Eva từ chiếc xương sườn của Adam khiến đàn ông luôn chủ quan, và kết cục có tuổi thọ thấp hơn đàn bà. Thực tế chứng minh, nam giới có thể khỏe hơn nữ giới về cơ bắp, nhưng không khỏe hơn về tinh thần hay sức đề kháng. Chưa có bất kì tài liệu y khoa nào cho thấy trong các đại dịch mà loài người đã trải qua, nam giới có khả năng chống chọi tốt hơn nữ giới. Tất nhiên, trong đại dịch toàn cầu mang tên virus 2019 - nCoV này cũng vậy. 

Ở Việt Nam hiện tại, 4 trên 7 ca được xác định nhiễm virus corona là đàn ông. Không có xác định nào về giới tính trong số gần 100 ca đang cách ly. Nói cách khác, virus corona - hay gọi vui là “cô Vy” - không có sở thích riêng biệt nào với nam hay nữ. Nó tấn công bất kỳ ai mà nó có cơ hội. Trong đó, những người có sức đề kháng kém, những người không giữ vệ sinh cẩn trọng và những người không đeo khẩu trang khi ra ngoài giao tiếp là đối tượng mà “cô Vy” có cơ hội theo đuổi.

Đừng quên 4/7 ca nhiễm virus corona tại Việt Nam là nam giới, chiếc khẩu trang không làm đàn ông trở nên nữ tính mà chỉ giúp họ thể hiện trách nhiệm phái mạnh lẫn trách nhiệm công dân - Ảnh 2.

Thói quen ăn đường uống chợ, tụ tập hội hè lễ lạt đầu năm mới, lười rửa tay với xà phòng, biếng thể dục thể thao, nhiều khu vực tại các tỉnh thành đông đúc lao động và khách du lịch Trung Quốc…, tất cả những yếu tố đó khiến cho đường đi của virus corona tại Việt Nam rất khó lường. Bởi vậy, không một ai dám khẳng định chắc nịch rằng “tôi không bao giờ nhiễm virus corona”. Cũng như, không một ai được quyền tự tin rằng mình không gieo mầm bệnh cho một người lành khác.

Và vì thế, không đeo khẩu trang giữa tâm điểm của dịch cúm virus corona đang hoành hành ở mức nguy cấp toàn cầu không chỉ là hành vi coi thường sức khỏe bản thân mà còn gây nguy hiểm đến cộng đồng, trong đó có chính người thân của họ. 

Thật đáng sợ khi hình dung những người đàn ông vô tư ra đường với gương mặt sương gió thách thức các thể loại virus, hớn hở cười nói với hàng chục hành trăm người từ quen đến lạ, hớn hở ngồi trong quán bia hay trà đá vỉa hè uống những cốc nước được dùng chung không qua khử trùng mà không ai biết người đã dùng trước đó là người lành hay người bệnh. 

Rồi cũng chính người đàn ông đó trở về nhà sau giờ làm việc, ôm vợ hôn con, ăn chung bát, nếm chung thìa, thậm chí có thể vì thói đãng trí mà dùng chung cả khăn mặt và bàn chải đánh răng. Một bối cảnh không thể thiện lành hơn cho những cái gai protein của “cô Vy” xâm nhập vào tế bào và sinh sôi nảy nở.

Đừng quên 4/7 ca nhiễm virus corona tại Việt Nam là nam giới, chiếc khẩu trang không làm đàn ông trở nên nữ tính mà chỉ giúp họ thể hiện trách nhiệm phái mạnh lẫn trách nhiệm công dân - Ảnh 3.

Nên nhớ, các ca nghi ngờ nhiễm virus corona đầu tiên tại Vũ Hán được báo cáo vào ngày 31/12/2019. Chỉ sau 30 ngày, số người nhiễm đã vượt 14000 người, số người tử vong vượt 300 người. Tại Việt Nam, ca dương tính đầu tiên được xác định vào ngày 23/1. Và chúng ta mới đi một chặng đường chưa tròn 10 ngày với corona virus.

Diễn biến mô tả về dịch tễ học của tất cả các bệnh nhân được xác định dương tính đều cho thấy họ đã di chuyển qua nhiều nơi, bằng nhiều phương tiện công cộng, tiếp xúc khoảng cách gần với rất nhiều người. Những nguy cơ đáng báo động là có thật, không phải trên giấy, trên “phây”, hay trên nỗi hoang mang lo lắng “đàn bà”.

Cũng cần nhắc thêm rằng, ca thứ 7 dương tính với virus corona tại Việt Nam là một nam Việt kiều người Mỹ đã quá cảnh đúng 2 tiếng đồng hồ tại sân bay Vũ Hán.

Đeo khẩu trang không giúp chống lại “cô Vy”. Đeo khẩu trang cũng không đảm bảo 100% sức khỏe của mọi người. Nhưng đeo khẩu trang giúp tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của dịch tiết mang mầm bệnh. Một hành vi nhỏ có ý nghĩa cộng với nhiều hành vi nhỏ có ý nghĩa khác như rửa tay, vệ sinh nơi ở, tự cách ly khi bản thân có dấu hiệu cúm… sẽ giúp cả cộng đồng được bảo vệ. 

Cả cộng đồng được bảo vệ thì mỗi cá nhân cũng được an toàn. Xin hãy chung tay để cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn giữa đại dịch thay vì làm dáng cho một định nghĩa trừu tượng mang tên “phái mạnh” của bản thân. Mà thiết nghĩ, càng là phái mạnh càng nên đeo khẩu trang, bởi vì bạn còn có rất nhiều người thân thuộc phái yếu đang cần được bảo vệ.

VÌ SỨC KHỎE GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG, HÃY ĐEO KHẨU TRANG!

Trong bối cảnh đại dịch corona diễn biến phức tạp, chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ gia đình và cộng đồng từ hành động vô cùng đơn giản: Đeo khẩu trang.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với người khác hay thường xuyên rửa tay với xà phòng - đeo khẩu trang là việc làm bé nhỏ nhưng mang tính chất phòng ngừa cơ bản nhất, ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus corona qua nước bọt hoặc dịch tiết đường hô hấp.

Đừng quên 4/7 ca nhiễm virus corona tại Việt Nam là nam giới, chiếc khẩu trang không làm đàn ông trở nên nữ tính mà chỉ giúp họ thể hiện trách nhiệm phái mạnh lẫn trách nhiệm công dân - Ảnh 5.


Chia sẻ