Hôn nhân giữa Khải và Huệ trong "Về nhà đi con": Hệ quả tất yếu và là minh chứng hùng hồn cho kết quả của việc "khôn ngoan lựa chọn"

Lạc Lạc,
Chia sẻ

"Các bạn thấy đấy, câu chuyện của Khải và Huệ chính là minh chứng hùng hồn cho kết quả của cái gọi là 'khôn ngoan' trong chọn lựa để không bị thiệt đấy", Kim Oanh chia sẻ.

Được yêu thích với những bài viết về cuộc sống, tình yêu, hôn nhân gia đình, tác giả Kim Oanh - hiện đang sinh sống ở Thụy Sĩ lại tiếp tục có quan điểm gây sốt về nhân vật đang bị ném đá trong bộ phim hot Về nhà đi con.

Cô viết: "Có một nhân vật trong phim mà ai cũng ghét, đó là Khải. Thế nhưng, xem đến tập này rồi, ngồi ngẫm nghĩ lại, mình lại thấy anh ta đồng thời cũng thật đáng thương. Hầu hết, mọi người chỉ nhìn thấy: Khải đại diện cho những người đàn ông bất tài, vô dụng, vũ phu, ghen tuông. Nhưng ở một góc độ khác, anh ta còn đại diện cho những người 'không được yêu' trong chính cuộc tình của mình, những người đầy rẫy ngoài kia, cả đàn ông lẫn đàn bà.

Nếu như ở đàn ông, nỗi đau bị người tình/ người bạn đời lạnh nhạt được thể hiện qua sự cục súc, bạo lực, ép uổng, thì ở phụ nữ, nó lại được thể hiện bằng việc đánh ghen, lục lọi, kiểm soát. Tựu chung lại, cái cảm giác duy nhất mà người ta có khi cảm thấy mình không được yêu, không được cần, không quan trọng, chính là cảm giác bất an. Khi bất an, con người ta thường có xu hướng trở về với bản năng của mình. Lúc này, họ như một con thú bị thương cố gắng tự bảo vệ mình. Mà đã bị thương thì con thú còn biết làm gì khác ngoài gầm thét hoặc cắn bậy?!

Hôn nhân giữa Khải và Huệ trong Về nhà đi con: Hệ quả tất yếu và là minh chứng hùng hồn cho kết quả của việc khôn ngoan lựa chọn  - Ảnh 1.

Nhân vật Khải trong Về nhà đi con.

Thường thì phụ nữ hay truyền tai nhau rằng "hãy lấy người yêu mình hơn là mình yêu họ". Các bạn thấy đấy, câu chuyện của Khải và Huệ chính là minh chứng hùng hồn cho kết quả của cái gọi là 'khôn ngoan' trong chọn lựa để không bị thiệt đấy. Để chọn chồng, trước khi mang lên bàn cân những điều kiện mà xã hội quy định là tốt, ví như: giàu có, địa vị, nhà cao cửa rộng, gia đình bề thế, hoặc đơn giản là điều kiện 'anh ta có đủ yêu mình không?' thì các bạn nữ phải hỏi bản thân mình rằng: 'Mình có thực lòng yêu người này không?'.

Chúng ta đang sống ở một thời đại mà tầm quan trọng của tình cảm đang bị xếp sau những toan tính. Toan tính ở đây không nhất thiết là vật chất, mà là toan tính làm sao để mình không bị thiệt. Thế nhưng trớ trêu thay, càng toan tính thì lại càng thiệt. Bạn nghĩ rằng lấy một người yêu mình nhiều hơn thì bạn sẽ hạnh phúc ư? Phải sống chung một nhà, phải cùng ăn cơm, cùng sinh hoạt, cùng làm tình với một người mình không đặt quá nhiều tình cảm chắc vui?

Khi không đủ yêu, chúng ta cũng sẽ không đủ bao dung để sống chung với những mặt khiếm khuyết của người kia. Khi không đủ yêu, chúng ta không thể tạo động lực cho người kia phát triển và người ấy cũng vô tình khiến chúng ta trở nên vô cảm hơn, bức bí hơn, chán nản hơn. Khi không đủ yêu, chúng ta cũng sẽ không cảm nhận nổi những nỗ lực của người kia để đem lại hạnh phúc cho mình. Ăn một bát cháo mà người mình yêu nấu sao ngon thế. Nhưng nếu bát cháo đó được nấu bởi một người mình không yêu nhiều lắm thì hương vị của nó cũng trở nên nhạt nhẽo đi nhiều phần.

Tôi vẫn thường nói với những cô gái mình quen biết rằng: Đừng cố níu lấy một người mà bạn biết chắc rằng họ không yêu bạn nữa. Vì nếu trong một mối quan hệ mà tình cảm chỉ đến từ một phía, thì bi kịch ắt sẽ ập xuống đầu cả hai người. Tôi biết, trên đời này làm gì có gì là tuyệt đối, nhưng nhất định bạn phải cố gắng lấy người mình yêu và người ta cũng yêu mình để tránh tự làm khổ mình và huỷ hoại cuộc đời người ta.

Kim Oanh - tác giả của cuốn sách "Yêu đi đừng sợ".

Bởi vì hôn nhân chưa bao giờ là chuyện của chỉ một người...".

Góc nhìn của tác giả Kim Oanh được rất nhiều chị em hưởng ứng. Suy cho cùng, người đàn ông như Khải trong cuộc sống này nhiều vô kể. Anh ta cũng từng tốt, từng chăm chỉ và quan trọng 1 điều anh ta rất yêu vợ. Nhưng phải chăng vì ngay từ đầu cuộc hôn nhân ấy đã là của 1 phía, Huệ chỉ chấp nhận Khải như 1 sự lựa chọn cuối cùng mà cô cho là bình ổn khi kết thúc với Thành.

Vậy đấy các cô gái ạ, đừng nghĩ chỉ cần lấy 1 người yêu mình và tốt với mình thì nghiễm nhiên về chung sống sẽ làm cho mình yêu lại họ. Hôn nhân cần nhiều thứ thực tế hơn tình yêu nhưng tình yêu phải là nền móng của 1 cuộc hôn nhân thì mới có thể lâu bền. Người ta vì yêu nhau mà cố gắng, vì yêu mà chia sẻ, cảm thông chứ không thể vì yêu mà hành hạ lẫn nhau, gây áp lực cho nhau.

Cũng như Kim Oanh đã nói, dù muốn hay không thì hôn nhân phải là chuyện của 2 người, 2 bàn tay chung sức. Đừng để bản thân trở thành 1 cô Huệ thứ 2, vừa làm khổ mình mà vừa làm khổ người. Bởi mọi sự gượng ép đều không thể mang lại 1 kết quả tốt đẹp.

Chia sẻ