Đừng bỏ qua 5 nguyên tắc đảm bảo an toàn này trong mỗi chuyến dã ngoại
Chuyên gia nêu 5 nguyên tắc đảm bảo an toàn trong mỗi chuyến dã ngoại, bạn không nên bỏ qua.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), các chương trình dã ngoại mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, giúp nâng cao hiểu biết và kỹ năng sống cho học sinh. Đó là kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề, cải thiện khả năng tư duy, trở thành người học tích cực hơn.
Các em được tiếp xúc với những môi trường khác nhau. Từ đó, kích thích sự sáng tạo, hiểu biết về thế giới qua các chủ đề từ động vật đến thực vật, từ kiến thức lịch sử đến khoa học tự nhiên.
"Sống trong một thế giới với nhiều áp lực học tập căng thẳng, những chuyến đi dã ngoại là cơ hội để học sinh xả stress, cân bằng lại sức khỏe tinh thần và tạo ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ để kết nối giữa học sinh, giáo viên trở nên bền chặt hơn. Chính mối quan hệ được thiết lập từ thuở nhỏ có thể giúp các em trưởng thành vững vàng hơn" , ông Nam nói.
Dã ngoại ở những vùng đất mới bao giờ cũng khiến trẻ bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đối đầu với những nguy cơ, vượt qua nỗi sợ hãi như phải ngồi cáp treo mà sợ độ cao. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để giáo viên giúp trẻ dũng cảm đối diện rèn ý chí, nghị lực, sự kiên cường.
Chẳng hạn, thay vì đi cáp treo hãy khuyến khích trẻ đi bộ. Gặp khe suối thì chúng ta phải hướng dẫn trẻ cách quan sát dòng nước, tìm chỗ nước nông, dòng chảy an toàn, điểm đặt chân không bị trơn trượt để đi qua. Trải nghiệm thực tiễn như vậy sẽ hình thành nên lòng dũng cảm, bình tĩnh trước những tình huống "núi cao vực sâu" trong cuộc sống.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam cũng cảnh báo việc tổ chức các chuyến đi dã ngoại luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về an toàn, đặc biệt là với học sinh còn nhỏ tuổi không có phụ huynh đi cùng để giám sát.
Không chỉ các vấn đề về tai nạn thương tích tại nơi tham quan mà còn rất nhiều các nguy cơ khác như: tai nạn giao thông trên đường đi, mất cắp tài sản, tranh cãi xô xát do hiểu nhầm hay các tình huống khẩn cấp về sức khỏe khác.
Dưới đây là các nguyên tắc an toàn cần ghi nhớ trong mỗi chuyến dã ngoại.
Thứ nhất, lựa chọn địa điểm và hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi của học sinh khối lớp. Không chỉ lựa chọn địa điểm tham quan phù hợp đảm bảo an toàn, mà nhà trường cần tìm hiểu trước về địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng, giao thông, thời tiết để có các chuẩn bị phương tiện và thiết bị phù hợp.
Thứ hai, lập kế hoạch chi tiết cho chuyến tham quan từ lịch trình, địa điểm, các tình huống và mức độ nguy hiểm có thể xảy ra, các quy trình quản lý rủi ro. Tiếp đến là thẩm định và lựa chọn đơn vị tổ chức chuyến dã ngoại có kinh nghiệm, kỹ năng kiểm soát và giải quyết các tình huống khẩn cấp, phân công các giáo viên có kinh nghiệm cùng giám sát.
Thứ ba, đảm bảo các thiết bị an toàn được mang theo từ quần áo, dây đeo an toàn, kính chắn gió, đèn pin… đảm bảo cho từng học sinh.
Thứ tư, đảm bảo nguồn thực phẩm và nước uống an toàn. Chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo nguồn gốc thực phẩm để giúp học sinh có đủ năng lượng và sức khỏe hoàn thành chuyến đi.
Thứ năm, các dấu hiệu nhận diện và cách liên lạc cần được quán triệt đến từng học sinh. Các em phải được nhắc nhở thường xuyên về tính kỷ luật, quy trình xử lý khi gặp hoặc chứng kiến bạn bè trong tình huống rủi ro, nhớ các số điện thoại liên hệ, phương thức liên lạc và kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp.
" Với học sinh lớn phải thống nhất nguyên tắc liên lạc thường xuyên để đảm bảo từng em an toàn và được cập nhật ngay lập tức những tình huống khẩn cấp để người phụ trách, tổ chức chuyến dã ngoại có thể hành động kịp thời. Thậm chí, giáo viên cũng nên duy trì cập nhật thông tin đến với phụ huynh trong suốt chuyến đi của học sinh", ông Nam nói.
Thạc sĩ Nguyễn Diệp Hà (chuyên viên tham vấn tâm lý học đường tại trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói, cấm con đi dã ngoại sẽ làm mất cơ hội để con tiếp xúc với môi trường tự nhiên và gắn kết tình cảm với bạn bè, thầy cô.
Trẻ có thể thu mình lại, tách biệt với tập thể và tự ti về bản thân. Điều cha mẹ nên làm là tạo điều kiện giúp con trang bị các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn (bơi lội, xử lý hoả hoạn, làm gì khi đi lạc …) trước khi bắt đầu chuyến dã ngoại.