Đứa con ngỗ ngược

Hoàng Lan,
Chia sẻ

Thằng Đức nổi giận lôi đình, xô chị ngã dúi dụi vào tường, giằng lấy cái ví trên tay mẹ, rồi chống mắt nhìn mẹ nó nằm dài trên nền nhà, quay gót bước đi...

Lấy nhau gần năm năm mới sinh được thằng Đức, cả nhà vỡ òa vì vui sướng, họ hàng hai bên nội ngoại ai cũng khấp khởi mừng vui vì cuối cùng anh chị cũng có được thằng cu hương hỏa cho ông bà, tổ tiên.

Nghĩ là cục vàng cục ngọc, vất vả mãi mới có nên cả nhà xúm lại chăm bẵm chiều chuộng cu Đức từng li từng tí. Còn chị Oanh – mẹ cu Đức thì khỏi phải nói, cung phụng con trai như một ông hoàng con. Chị dồn mọi yêu thương, chiều chuộng cho con, con đòi gì là được nấy, miễn lằng nhằng, hễ cái gì không vừa lòng, chỉ cần nó nhăn mặt, chưa kịp ướt mắt là mọi người đã hốt hoảng đáp ứng vô điều kiện những gì cu Đức đòi. Có lần vì nó đòi chiếc gậy của bà nội để nghịch không được, nó hét toáng lên và chỉ tay thẳng vào mặt bà: “Cái bà già này! Đồ keo kiệt”, khiến bà nó suýt khụy ngã vì bất ngờ. Nhưng rồi vì xót cháu, bà cu Đức không dám mách lại với bố nó.

Lần nào khách khứa đến nhà chơi, con người ta thì lễ phép khoanh tay trước ngực chào, còn thằng Đức thì cứ trân trân, đứng trố mắt nhìn rồi lè lưỡi: “Ôi cái bọn nhà quê”, khiến nhiều phen chị Oanh ngượng chín mặt rồi cũng chả dám quát mắng, đe nẹt gì con.

Thế là như “nắm được thóp” của ông bà, cha mẹ và ý thức được tầm quan trọng của mình trong gia đình nên thằng Đức càng ngày càng tỏ ra hống hách và khó bảo. Nó không những không thèm để ý tới lời bố mẹ răn dạy ở nhà mà trên trường, trên lớp nó còn bướng bỉnh ngang nhiên cãi lại cô giáo. Năm lần mười lượt, bố mẹ cu Đức phải muối mặt đến gặp nhà trường vì nó chuyên là kẻ đứng đầu trò phá bĩnh, gây sự đánh nhau với các bạn trong trường.


Thấy con chỉ cần nhăn nhúm mặt là gia đình chị Oanh vội đáp ứng vô điều kiện
mọi yêu cầu của con
(Ảnh minh họa).

Lần nào cũng như lần nào, vừa viết bản kiểm điểm, bố mẹ cũng vừa gặp cô hiệu trưởng xong thì trước mặt nó dạ dạ, vâng vâng nhưng ngay sau đó nó tụ họp một nhóm những thành phần cá biệt trong trường đón đầu các bạn ở cổng trường để “xin” đồ của các bạn. Để rồi cái giấy triệu tập của nhà trường lại được gửi đến cho bố mẹ nó liên tục, quanh năm, suốt tháng.

Càng ngày nó càng tỏ ra là đứa con khó bảo, khi còn học tiểu học, anh chị còn có thể quản lí được con, nhưng lớn hơn, thằng Đức biết bố khó tính, nên không bao giờ đả đụng gì đến chuyện vòi vĩnh bố, để đáp ứng cho mọi nhu cầu của nó, nó tìm đến mẹ nó, người sẵn sàng không cần hỏi lí do nó cần khoản tiền to thế để chi tiêu việc gì. Học thì ít, chơi thì nhiều, thi thoảng kiểm tra phòng của con, chị Oanh cũng không khỏi lăn tăn khi thấy sách vở, quần áo… của con vứt tung tóe mỗi nơi một thứ. Nhưng rồi nghĩ đến cảnh mắng mỏ làm con khổ sở, chị lại không cam tâm, thế là cứ đành tặc lưỡi chiều con cho xong chuyện.

Dần dà, ý thức được những khoản tiền con xin không phải để đầu tư vào việc học như nó nói mà để dùng vào việc chơi game và lang thang cùng bạn bè mỗi khi trốn tiết học, chị Oanh bắt đầu căn ke hơn trong việc cho con tiền. Nhưng thằng Đức thì như con ngựa bất kham, tiền bao nhiêu cũng hết. Không xin được mẹ, nó sinh ra thói cầm đồ để lấy tiền, cứ hết cái xe đạp này lại đến cái xe đạp khác thay nhau vào tiệm cầm đồ rồi mẹ nó chuộc chuộc chán thì thôi… Một lần vì xin chị Oanh tiền để “đóng tiền học” nhưng chị Oanh khăng khăng bắt con đưa đến nhà thầy để đóng cho con thì thằng Đức nổi giận lôi đình, xô chị ngã dúi dụi vào tường, giằng lấy cái ví trên tay mẹ, rồi chống mắt nhìn mẹ nó nằm dài trên nền nhà, quay gót bước đi.

Giận con đến tím tái mặt mày, tủi thân khóc hết nước mắt nhưng chị không dám mách lại với chồng, lại càng không dám đánh mắng con vì sợ nó bỏ đi, hàng xóm láng giềng quan tâm góp ý thì chị dỗi hờn: “Có phải con các người đâu mà các người xót”. Được đà, thằng Đức càng ngày càng trở nên hư hỏng. Đến cuối cùng, khi nhà trường gửi giấy thông báo đuổi học thì anh chị mới té ngửa, không ngờ con hư đến thế.

Đành rằng con cái là khúc ruột rứt ra, thương xót con là chuyện thường tình thế nhưng nếu quá nuông chiều và đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của con mà không cần biết mục đích của con là gì của nhiều bậc cha mẹ chỉ khiến trẻ càng trở nên hư hỏng, không thể dạy bảo và như thế không khác nào là hại con.

Chia sẻ