Du học sinh Việt kể chuyện đi chợ truyền thống Hàn Quốc: Bán theo rổ, giá rẻ như cho nhưng coi chừng bị lừa trắng mắt

Minh Nhật,
Chia sẻ

Một vài bạn trẻ người Việt đã ghi lại trải nghiệm của mình khi đi chợ truyền thống Hàn Quốc.

Chợ truyền thống Hàn Quốc có gì? Liệu có giống với chợ ở Việt Nam? Đó là câu hỏi đầy tò mò mà rất nhiều bạn du học sinh hoặc du khách muốn biết khi đặt chân tới xứ sở kim chi. Đi chợ vốn là việc hàng ngày cần làm để có nguồn rau củ quả, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, đôi khi, việc đi chợ còn là trải nghiệm thú vị, đặc biệt với những du khách ưa khám phá, tìm hiểu nếp sống văn hóa của người bản địa.

Một vài bạn trẻ người Việt sống ở Hàn Quốc đã ghi lại trải nghiệm của mình khi đi chợ và tất nhiên, đó toàn là những điểm ấn tượng mà có lẽ không đi thì không thể biết hết được.

Một nữ du học sinh với nickname Yong cho biết một điểm cực bất ngờ khi cô đi chợ ở Hàn Quốc: "Ở đây, bạn cũng có thể mua rau, mua cá, mua tôm... hoặc cùng nhau đi ăn vặt, trải nghiệm ẩm thực đường phố. Ở Việt Nam thì mọi người hay mua rau củ quả theo kg hoặc mớ (rau đã bó sẵn), nhưng người Hàn lại bán rau củ theo rổ. Người ta đã đặt sẵn gọn gàng trong các rổ, để giá sẵn, mình chỉ việc chọn và trả tiền".

Du học sinh Việt kể chuyện đi chợ truyền thống Hàn Quốc: Bán theo rổ, giá rẻ như cho nhưng coi chừng bị lừa trắng mắt - Ảnh 1.

Rau quả được xếp sẵn theo rổ để bày bán

Tuy nhiên, cô nàng cũng thú thật rằng mình ít khi mua đồ ở chợ truyền thống vì người dân nói tiếng địa phương rất khó nghe. Điều quan trọng hơn là cô không biết cách chọn đồ tươi ngon.

Thứ ở chợ truyền thống khiến cô nàng Yong cảm thấy bị hấp dẫn nhất chính là kim chi và chả cá. Chúng đều rất ngon, chuẩn vị Hàn Quốc. Cô cũng tiết lộ rằng cô và các bạn rất hay rủ nhau đi chợ, không phải để mua rau thịt, mà là ăn vặt, uống nước gạo vừa ngọt vừa mát. Đặc biệt, với thời tiết 5-6 độ C thì nhìn thấy miếng chả cá thơm lừng, nóng hổi là mắt sáng rực lên.

Còn Tiktoker Quân Pink thì kể ra một trải nghiệm đáng nhớ khi đi chợ truyền thống ở Hàn Quốc. Vừa đặt chân đến chợ, anh chàng nhìn thấy quầy bán mận vừa to, ngon lại rẻ, chỉ 5.000 won (tương đương gần 90.000 VNĐ) một rổ. Anh chàng hí hửng mua luôn. Nhìn màu đỏ tươi, không có dấu hiệu thối hỏng nhưng đến lúc đưa lên miệng ăn thì không nuốt được vì "nhạt như nước ốc".

Du học sinh Việt kể chuyện đi chợ truyền thống Hàn Quốc: Bán theo rổ, giá rẻ như cho nhưng coi chừng bị lừa trắng mắt - Ảnh 2.

Quân nói: "Mình vứt đi hết, không ăn được quả nào. Phí tiền quá. Nhìn sang bên cạnh có hàng bán đào. Trông rất to, tươi, ngon bắt mắt nhưng để ý kỹ lật lên thì hỏng ở bên dưới. Quả nào cũng có đốm, mình đoán ăn sẽ rất chua".

Anh chàng cũng hỏi người bán rằng loại nào ngon và được đáp lại rằng: "Loại ngon phải 30.000 won (tương đương 570.000 VNĐ/kg). Ở trong siêu thị ấy".

Tất nhiên, anh chàng cũng không quên mua một món ăn vặt và uống nước gạo ngon tuyệt tại khu chợ này.

Du học sinh Việt kể chuyện đi chợ truyền thống Hàn Quốc: Bán theo rổ, giá rẻ như cho nhưng coi chừng bị lừa trắng mắt - Ảnh 3.

Một bạn trẻ người Việt khác tên Mia cho hay: "Đồ ở chợ thì rẻ hơn trong siêu thị rất nhiều, mà có thể sẽ mua được đồ ngon và tươi hơn. Người già ở Hàn Quốc ưa chuộng đi chợ hơn là đi siêu thị. Mình thấy lâu lâu đi chợ cũng vui, vừa mua được hàng rẻ lại được ăn vặt toàn đồ ngon".

Đi chợ không chỉ là để mua đồ

Trong một bài viết với tựa đề "Traditional markets are window into the lifestyle of the people" (tạm dịch: Chợ truyền thống là cửa sổ vào lối sống của người dân) đăng trên Korea Magazine, tác giả cho biết: Người Hàn Quốc sử dụng cụm từ saram naemse - “mùi của mọi người” - để diễn tả cảm giác được bao quanh bởi đám đông.

Cảm giác hòa vào đám đông, ngay cả khi không ai quen biết ai, là một phần quan trọng của văn hóa Hàn Quốc. Khi ai đó muốn tìm kiếm mùi hương của con người, một trong những nơi đầu tiên họ đến là sijang, hay còn gọi là chợ địa phương.

Du học sinh Việt kể chuyện đi chợ truyền thống Hàn Quốc: Bán theo rổ, giá rẻ như cho nhưng coi chừng bị lừa trắng mắt - Ảnh 4.

Các khu chợ luôn là nơi tụ họp để mọi người giao lưu với nhau, cho dù đó là trao đổi những câu chuyện hay hàng hóa. Các khu chợ của Hàn Quốc vẫn là một phần sôi động của bối cảnh xã hội và thương mại ngày nay. Từ Chợ hải sản khổng lồ Jagalchi ở Busan đến Chợ điện tử Yongsan ở Seoul, hay những khu chợ nhỏ nằm rải rác ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước Hàn Quốc.

Chợ phiên cũng có

Truyền thống họp chợ theo phiên vẫn được lưu truyền đến nay ở Hàn Quốc. Đặc biệt là ở các thị trấn nhỏ của xứ sở kim chi. Thậm chí, ở vùng nông thôn, chợ họp hàng tuần vẫn là một phần quan trọng của cuộc sống.

Du học sinh Việt kể chuyện đi chợ truyền thống Hàn Quốc: Bán theo rổ, giá rẻ như cho nhưng coi chừng bị lừa trắng mắt - Ảnh 5.

Thường họp 5 ngày một lần, những khu chợ này bày bán rất nhiều loại nông sản, đồ lặt vặt phục vụ sinh hoạt hàng ngày như quần áo, xoong nồi, xà phòng, đồ dùng tẩy rửa... Những phiên chợ kéo dài 5 ngày này vẫn là điểm sống động và đầy màu sắc nhất nếu bạn muốn trực tiếp trải nghiệm cuộc sống nông thôn Hàn Quốc.

Hầu hết các địa phương ở Hàn Quốc đều có ít nhất một khu chợ và nhiều khu vực tổ chức một số phiên chợ khác nhau vào những ngày khác nhau. Mọi người tràn vào thị trấn để hòa mình vào không khí lễ hội mà một phiên chợ du lịch mang lại. Những điểm vốn vắng lặng sẽ trở nên sống động khi những người bán rong, thương nhân địa phương và người dân cùng nhau mua bán, buôn chuyện và đắm mình trong năng lượng mà khu chợ mang lại.

Tỉnh đảo Jejudo có khoảng 10 khu chợ kiểu này. Những người bán hàng rong đi lại giữa các thành phố chính Jeju và Seogwipo, cũng như các ngôi làng nhỏ quanh đảo.

Tuy nhiên, Jejudo không phải là nơi duy nhất để tìm thấy những khu chợ như thế. Chợ Moran ở Seongnam, Gyeonggi-do, là chợ lớn nhất trong số các chợ họp 5 ngày, với hơn 1.200 người bán hàng thường xuyên tụ tập để bán mọi thứ từ hoa cho đến gia súc.

Các khu chợ thường sống động với tiếng ồn và âm thanh khó tìm thấy ở các thành phố hiện đại. Các sản phẩm tươi chất đống với nhau tỏa ra mùi đất và màu xanh của lá rau cực kỳ hấp dẫn, còn các chợ hải sản thì mang vào đất liền vị mặn nồng của biển.

Chia sẻ