Đột kích cơ sở chế biến ô mai trong… nhà vệ sinh để tung ra thị trường bán dịp Tết

THUỲ AN,
Chia sẻ

Không thể tin nổi, giữa quận trung tâm của Thủ đô, ngay tại phố cổ Hà Nội và nằm trên trục đường chuyên bán các loại ô mai đã thành thương hiệu lại xuất hiện một cơ sở chế biến ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí, cơ sở này còn chế biến ô mai ngay trong... nhà vệ sinh.

Chiều 3-1, đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng bất ngờ đột kích cơ sở kinh doanh, chế biến ô mai có địa chỉ tại số 3A Hàng Giấy, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Thời điểm kiểm tra, căn nhà 4 tầng của cơ sở này được bố trí với tầng 1 để bán hàng, tầng 2 và 4 dùng làm kho dự trữ nguyên liệu còn tầng 3 để sơ chế.

Điều đáng nói ở đây là, toàn bộ nguyên liệu và sản phẩm đã đóng hộp thành phẩm để lộn xộn, la liệt dưới sàn nhà, không có giá để. Nhân viên của cơ sở này dùng tay trực tiếp bốc ô mai cho vào hộp đóng gói, hoàn toàn không được bảo hộ găng tay, khẩu trang. Chưa hết, đây là căn nhà đã cũ, tường vỡ, nứt và ẩm mốc. Như vậy liệu có đảm bảo cho một quy trình chế biến sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng trực tiếp, không qua chế biến như ô mai?!

 - Ảnh 1.

Nguyên liệu và hộp đựng được để cả trong nhà vệ sinh như thế này.

Toàn bộ các thùng đóng hàng được để cả trong nhà vệ sinh, lẫn lộn cùng với rác thải, phế liệu. Không những thế, trong khu vực sản xuất, chế biến còn có cả côn trùng, gián. Qua cảm quan ban đầu của phóng viên, đây là một nơi rất mất vệ sinh, không thể được gọi là cơ sở chế biến, vì không có đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 - Ảnh 2.

Nhà vệ sinh được trưng dụng để chế biến ô mai thì những sản phẩm này sẽ gây những nguy hại như thế nào cho sức khỏe người tiêu dùng?

Kinh khủng hơn, những công nhân tại cơ sở này thậm chí còn sử dụng cả nhà vệ sinh để chế biến, đóng hộp ô mai. Không hiểu những sản phẩm như thế này khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng và đặc biệt là trẻ nhỏ khi ăn ô mai sẽ phải gánh chịu những hậu quả như thế nào?

Mặc dù cơ sở này đã trình ra đủ loại giấy tờ pháp lý như: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; công bố chất lượng sản phẩm; giấy kiểm tra sức khỏe của chủ cơ sở và 4 nhân viên… Tuy nhiên, với đầy đủ những hình ảnh, thông tin mà phóng viên An ninh Thủ đô khi có mặt tại hiện trường đã ghi lại, thì thử hỏi, liệu số giấy tờ trên có giá trị gì?

Chủ cơ sở này là Đào Thị Hợp, SN 1962 khai nhận, toàn bộ số nguyên liệu, bao bì đều được mua trôi nổi trên thị trường, hoàn toàn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

 - Ảnh 3.

Không thể tưởng tượng được, những thứ ăn trực tiếp lại được để tràn lan, không được đậy kín và thậm chí được đặt ở những nơi cực kỳ bẩn thỉu

Ai dám tin đây là nơi chế biến hàng tấn ô mai để đổ ra thị trường?
 - Ảnh 4.

Ai dám tin đây là nơi chế biến hàng tấn ô mai để đổ ra thị trường?

Tại thời điểm lực lượng chức năng làm việc với cơ sở này, có khoảng 5 tấn ô mai các loại không có tem nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và thậm chí bốc mùi rất khó chịu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý.

Chia sẻ