Chi tiêu - tiết kiệm - đầu tư để có "của ăn của để" với thu nhập 18 triệu đồng

L.N,
Chia sẻ

Với lương tháng 18 triệu của 2 vợ chồng gộp lại, một cặp vợ chồng trẻ đã thông minh vạch kế hoạch đảm bảo theo hướng “chi tiêu - tiết kiệm - đầu tư” để ổn định tài chính gia đình và có của ăn của để.

Đó là câu chuyện của vợ chồng chị Nguyễn P.H và anh Trần T.L, hiện sau hơn 5 năm kết hôn, nhờ luôn thực hiện bài toán chi tiêu với 3 tiêu chí đã thống nhất trên, anh chị H-L đã ổn định được kinh tế gia đình, mua được nhà và bắt đầu có tích lũy.

Cùng "mục sở thị" bài toán chi tiêu được áp dụng hàng tháng một cách triệt để của cặp vợ chồng 32 tuổi, đang sống cùng cậu con trai nhỏ 3 tuổi tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Kế hoạch chi tiêu hàng tháng:

Để cân đối được chi tiêu hàng tháng trong gia đình rõ rệt mọi khoản và đều có thể tính toán được tường tận, chị Nguyễn P.H đã dành thời gian vài tháng theo dõi thu chi của cả nhà. Sau đó, chị bắt đầu lập hẳn một kế hoạch chi tiêu với các khoản cụ thể. Từ đó, mỗi tháng chị cứ cố gắng thực hiện đúng như những gì đã lên kế hoạch.

Cụ thể:

- Một tháng, chị H sẽ dành hẳn lương tháng của chị để chi tiêu cho gia đình. Lương của chị là 8 triệu/tháng.

- Với số tiền 8 triệu/tháng này của mình, chị H sẽ chi tiêu đúng như bản kế hoạch vạch sẵn trên excel. Ví dụ như: tiền thực phẩm (đi chợ hàng ngày + mang cơm đi làm) + hoa quả hàng ngày: 4 triệu/tháng; tiền học của con: 700 ngàn (con chị học mẫu giáo công lập); điện nước 400 ngàn, chi phí khác như ma chay cưới xin, sinh nhật, xăng xe, quần áo mỹ phẩm...:3,1 triệu.

Chi tiêu - tiết kiệm - đầu tư để có
Để cân đối được chi tiêu hàng tháng trong gia đình rõ rệt mọi khoản và đều có thể tính toán được, chị Nguyễn P.H đã lập hẳn một kế hoạch chi tiêu với các khoản cụ thể (Ảnh minh họa)

Để không phát sinh chi phí đã tự giới hạn, vợ chồng chị H tích cực áp dụng đi chợ từ hôm trước để chuẩn bị ăn sáng ở nhà tươm tất, trưa chị mang cơm đi làm. Anh chị cũng hạn chế tụ tập bạn bè chỉ thỉnh thoảng giao lưu.

Trong file excel ghi chi tiêu này, chị dành riêng một cột về thẻ tín dụng để kiểm soát khoản nợ tín dụng trong khoảng 30 ngày nhằm tránh mất tiền phát sinh trả nợ cho ngân hàng.

- Cuối mỗi tháng chị sẽ dành ít phút tính tổng các khoản đã chi. Sau đó, chị cũng rà soát lại các khoản có thể bỏ qua không cần chi. Điều này để tháng sau chị có thể tiết kiệm được nhiều hơn.

Chia sẻ về các khoản cần thiết và không cần thiết khi chi tiêu, chị H cũng bộc bạch: “Hẳn nhiều bạn sẽ kêu ca rằng, với họ khoản nào cũng cần thiết hết. Song thực sự, nếu nghĩ như vậy bạn đã lầm. Thực tế có nhiều khoản không cần thiết với nhu cầu của bạn. Như mình, muốn phân biệt được khoản nào cần thiết khoản nào không, mình thường chia nhu cầu làm 2 phần là cần và muốn. Cái nào cần mình sẽ không phải mất thời gian suy nghĩ. Nhưng nếu cái nào trong danh sách muốn, mình thường phải cân nhắc nhiều lần trước khi quyết định mua. Nhờ phân làm 2 phần rõ rệt này, mình đã kiểm soát được chi tiêu bản thân và gia đình”.

Chị H cũng lấy ví dụ tường tận hơn: “Mình ví dụ cho dễ hiểu hơn. Nếu như khi bạn có khoản tiền thưởng nào đó, bạn thường nghĩ ngay tới chuyện mua sắm. Nhưng mình sẽ chỉ mua những gì cần. Ví như mua sữa cho con (đó là cần nên phải mua). Nhưng mua quần áo thêm cho 2 vợ chồng, hay mua bếp nướng trong khi nhà đã có lò nướng thì đó là nhu cầu muốn mua. Do đó có thể cân nhắc mua hay không nếu bạn đang muốn tiết kiệm. Nhưng để hạn chế những cái muốn mua, mình nghĩ cũng cần có thời gian rèn luyện đức tính này”.

Kế hoạch tiết kiệm: 

Với chị H, vợ chồng luôn phải có ý thức tiết kiệm, không được tiêu hoang phí. Và tiết kiệm ở nhà chị luôn được chị quá triệt tinh thần sau:

- Mua ít đồ nhưng đã mua thì chọn loại đồ tốt để đỡ hư hại, hỏng hóc vì khi ấy không phải mất 1 khoản tiền sửa chữa, bảo trì.

- Quần áo của con nếu người thân, bạn bè cho thì vẫn nhận thoải mái.

- Ngoài chi tiêu, chị cố gắng tiết liệm được 5 triệu/tháng từ lương của chồng mỗi tháng (Lương chồng chị hiện là 10 triệu/tháng).

Kế hoạch đầu tư:

Sau khi đã cất được số tiền chi tiêu cũng như số tiền tiết kiệm cụ thể mỗi tháng để dự phòng "có biến" trong gia đình. Số tiền 5 triệu còn lại mỗi tháng, vợ chồng chị H quyết định đưa vào kế hoạch đầu tư.

Trước khi đầu tư bất cứ một lĩnh vực nào, vợ chồng chị H cũng cùng nhau tìm hiểu về thị trường ở lĩnh vực đó. Sau đó, cặp đôi này cũng không quên tham khảo ý kiến người thân, bạn bè, thậm chí cả qua việc mua sách báo hoặc bỏ tiền ra theo học các khóa học kinh doanh, đầu tư. Nếu nhận thấy có cơ hội, anh chị H.L sẽ quyết định đầu tư.

Chi tiêu - tiết kiệm - đầu tư để có
Cặp vợ chồng này đang phấn đấu nỗ lực để năm 37 tuổi sẽ ổn định được tài chính gia đình (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư cụ thể của 2 vợ chồng những năm qua, chị H cũng kể: “Thời gian đầu đầu tư, thấy anh xã có tâm huyết về chứng khoán và thường có đường hướng đúng đắn, mình giao hết tiền đầu tư cho chồng. Khi nào tiết kiệm được kha khá, mình lại chuyển vào tài khoản tiết kiệm hoặc để anh xã đầu tư tiếp. Sau đó, bản thân mình cũng thích kinh doanh nhà hàng nên vợ chồng cũng góp vốn cùng với người bạn mình mở nhà hàng nhỏ. Cứ thế, số tiền kiếm được từ đầu tư này, mình gom lại để mua nhà và lập 1 quỹ đen nhỏ cho bản thân.

Hiện, sau 5 năm kết hôn với kế hoạch thực hiện triệt để “chi tiêu - tiết kiệm - đầu tư”, vợ chồng trẻ này từ tay trắng cưới nhau, lại ở quê lên Hà Nội lập nghiệp đến nay, ngoài công việc tại công ty họ vẫn làm, họ đã có 1 con, một ngôi nhà tập thể 32 m2. Bên cạnh đó, họ cũng có một tài khoản tiết kiệm đủ để mua một căn hộ tập thể nữa. 

Cặp vợ chồng trẻ này đang tràn trề hy vọng: “Vợ chồng mình đang phấn đấu nỗ lực để năm 37 tuổi sẽ ổn định được tài chính gia đình.Và từ năm 40 tuổi trở đi, chúng mình sẽ không phải lo lắng nhiều về kinh tế”.

Chia sẻ