Độc thân, lương 20 triệu nhưng đã mua được cả đất lẫn nhà
Sở hữu mảnh đất và căn hộ chung cư đứng tên mình là một quá trình lên kế hoạch kiếm tiền, chi tiêu.
Nhân vật: Trúc Phương (SN 1985), làm việc trong ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
- Thu nhập: ~20 triệu đồng/tháng.
- Chi tiêu: 9-10 triệu đồng để trả nợ mua nhà và đất, còn lại chi tiêu cá nhân.
- Hành trình mua nhà, đất:
Năm 2015: Mua căn hộ 50m2, giá 660 triệu đồng, lãi suất vay nợ 5%/năm.
Năm 2021: Mua đất 85m2, giá 850 triệu đồng, lãi suất vay nợ 12,5%. Tự trả 40% giá trị đất, 10% vay gia đình không lấy lãi, 50% vay ngân hàng.
Dự tính trả hết nợ: 7 năm sau.
Vay nợ để mua đất, làm nhà
Trúc Phương (SN 1985) làm việc trong ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Cô mua căn hộ đầu tiên vào tháng 12/2015, diện tích 50m2 với giá 660 triệu đồng. Thời điểm đó, Trúc Phương mua nhà với lãi suất trả nợ là 5%/năm, thời hạn trả góp là 15 năm. Do nhận thấy những ưu đãi nên cô nhanh chóng quyết định mua nhà để sớm sở hữu bất động sản cho riêng mình.
Đến năm 2021, Trúc Phương mua thêm mảnh đất ở huyện Củ Chi, diện tích 85m2 với giá 850 triệu đồng, lãi suất vay nợ 12,5%. Khi mua đất, Trúc Phương có 40% giá trị miếng đất, 10% còn lại cô mượn từ gia đình không trả lãi, còn lại bao nhiêu thì vay ngân hàng. Sang năm 2022, cô đã xây nhà ở trên mảnh đất này.
Hiện, Trúc Phương đã trả nợ vay mua căn hộ trong 7 năm, còn nợ vay mua đất được gần 4 năm. Cô dự định khoảng 7 năm sau thì sẽ hoàn thành việc trả nợ mua nhà và đất.
Trúc Phương nhớ lại, ở thời điểm mua đất, cô đã ước lượng 60-70% thu nhập của bản thân sẽ dùng để trả nợ, còn lại là dùng để chi tiêu sinh hoạt. Cô cũng lưu ý rằng, khi tính toán mua bất động sản thì tiền trả nợ hàng tháng không nên vượt quá 70% tổng thu nhập. Vì cô cho rằng trong quá trình trả nợ lâu dài thì khó ước lượng hết khả năng và rủi ro trả nợ, cũng như đảm bảo duy trì lương ổn định theo từng tháng.
Kế hoạch trả nợ của Trúc Phương như sau: Hàng tháng, cô nhận tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng, với mức lương văn phòng 14 triệu đồng, 5 triệu đồng đầu tư bất động sản và 1-2 triệu đồng từ công việc làm thêm bên ngoài. Sau đó, cô dành 9,5 triệu đồng để trả nợ mua nhà và đất. Với mức thu nhập còn lại khoảng 10 triệu đồng, Trúc Phương dùng để chi trả các khoản chi tiêu khác trong cuộc sống.
Ngoài ra, cuối năm, cô nhận tiền thưởng 40-50 triệu đồng. Những năm trước đó, số tiền thưởng đều được Trúc Phương dùng để trả nợ vay mua bất động sản từ người thân.
“Mình đang độc thân, ăn uống cũng đơn giản và không mua sắm nhiều. Với 10 triệu đồng/tháng thì sống rất dư dả, mình vẫn có tiền đi du lịch nước ngoài, với tiêu chí giá rẻ và có thể khám phá. Mình tự xin visa rồi tự book vé, khách sạn rồi đi tự túc các nước như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc,...”, cô nói.
Từ kinh nghiệm cá nhân, Trúc Phương chia sẻ những lời khuyên trong việc chọn mua đất: “Mình mua đất với tiêu chí thứ nhất là có thể cất nhà, cũng như vay ngân hàng để mua được. Mọi người không nên mua nhà không có sổ và vi bằng, không có thổ cư thì sẽ không vay ngân hàng được. Mình chấp nhận mua nhà xa trung tâm, cách chỗ đi làm khoảng 7km nên cũng không xa lắm. Đổi lại, mảnh đất có giấy tờ hợp lệ, không dính quy hoạch, có thổ cư, đất không bị lấn chiếm và xung quanh có an ninh đảm bảo".
Bí quyết để mua được nhà và đất
Với những người trẻ dự định mua nhà, Trúc Phương khuyên nên giữ lương ổn định và không nhảy việc quá nhiều.
Cô cho hay: “Mình đã làm 2 chỗ, 1 chỗ làm 3,5 năm, còn chỗ hiện tại thì đã làm 14 năm. Trước đó, ban ngày mình đi làm văn phòng, còn buổi tối thì đi dạy Tin học ở trung tâm. Mức lương ban ngày của mình để trả hết nợ ngân hàng, còn lương buổi tối thì trả chi phí sinh hoạt sống hàng ngày. Hiện tại, mình thỉnh thoảng vẫn nhận dạy thêm Tin học, làm thêm các công việc khác như đánh máy, nhận tư vấn pháp luật, làm visa tự túc,...
Nhìn chung bất kỳ công việc nào làm ra tiền chân chính thì mình đều làm hết. Mình muốn tranh thủ còn trẻ, chưa lập gia đình thì tích lũy tài sản. Độc thân là thời điểm tốt nhất để tích lũy tài chính, chứ lập gia đình, có con rồi thì chi phí sinh hoạt tăng nhiều nên khó mà tiết kiệm được".
Về chi tiêu, Trúc Phương cho hay cô sống tiết kiệm, mua sắm đơn giản và không chạy theo những trào lưu công nghệ. Bên cạnh đó, cô còn giữ thói quen mua vàng hàng tháng từ 5 phân - 1 chỉ để tích lũy tài sản. Cô cho rằng, cứ mua vàng để dành thì không bao giờ lo lỗ, đến khi cần đến thì bán đi mới thấy chúng đáng giá.
“Nếu lương tầm 8-10 triệu đồng/người mà ở ngoại thành ăn uống đơn giản, không mất tiền thuê nhà thì mình nghĩ thừa sức mua bất động sản. Mình không thể làm nhà cao cửa rộng thì cũng đủ che nắng, che mưa. Nếu bạn hiện không cần phải ở trọ thì chắc chắn làm được.
Một điều quan trọng là giữ lương ổn định lâu dài. Vì khi mua đất và nhà thì cũng giống như bạn đi xin visa các nước. Nếu bạn muốn vay ngân hàng thì người ta sẽ xét yếu tố lương bạn có ổn định không, bạn có đủ khả năng chi trả hay không. Sau đó, họ mới dám cho bạn vay tiền mua bất động sản", Trúc Phương nhắn nhủ.
Ảnh: NVCC