Độc quyền: Hiếu PC nói về việc hacker tự ý lấy thông tin cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh rồi đăng lên mạng, liệu có đúng dù nhiều người xem đó là "nghĩa hiệp"?

Kelvin,
Chia sẻ

Sự "nghĩa hiệp" của một anh chàng IT đã giúp bà Phương Hằng phanh phui sự việc nghệ sĩ Hoài Linh chưa chuyển khoản 14 tỷ đồng từ thiện đã khiến dư luận tranh cãi nhiều ngày qua.

Sự "nghĩa hiệp" bộc phát của một hacker dưới góc nhìn của một "hacker từng trải"!? 

Thời gian gần đây, nhiều thông tin cá nhân dữ liệu của các nghệ sĩ, người dùng mạng xã hội facebook bị hacker "đột nhập" đánh cắp thông tin để bôi xấu danh dự, nhân phẩm khiến nhiều người bày tỏ niềm lo lắng cho việc sử dụng.

Điển hình nhất là việc làm bộc phát của nhân vật N.H.K – người đã khui ra nhiều bê bối của các nghệ sĩ. Trong đó có vụ việc của nam danh hài Hoài Linh giữ 14 tỷ trong tài khoản suốt 6 tháng không giải ngân ủng hộ đồng bào miền Trung trước sự gửi gắm của các mạnh thường quân khiến dư luận phẫn nộ.

Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ sự quan ngại trước thông tin cá nhân bị đánh cắp và bị chia sẻ trên mạng xã hội, đồng thời cũng không hoàn toàn ủng hộ việc làm của N.H.K. Bởi một số người cho rằng, dù xuất phát từ tinh thần "nghĩa hiệp" nhưng trên mặt pháp lý nó vẫn là việc làm sai trái, vi phạm đạo đức xã hội và bất chấp luật pháp Việt Nam.

Độc quyền: Hiếu PC nói về việc hacker tự ý lấy thông tin cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh rồi đăng lên mạng, liệu có đúng dù nhiều người xem đó là "nghĩa hiệp"? - Ảnh 2.

Liên quan đến vấn đề này, (*) Ngô Minh Hiếu - hay còn được gọi với biệt danh là Hiếu PC đã có những chia sẻ cá nhân về vụ việc này, anh cho rằng: "Tôi không ủng hộ việc làm bộc phát của bất kỳ hacker nào đánh cắp thông tin. Vấn đề đó không nằm trong trách nhiệm và quyền hạn của hacker mà là của các nhà chức trách. Họ mới là người có quyền được điều tra làm rõ vụ việc. Hơn nữa, muốn xem thông tin cá nhân, cơ quan chức năng cũng phải có lệnh mới được làm".

Hiếu PC cũng cho biết, các hacker hãy làm vì cộng đồng khi được cơ quan nhà nước cần sự trợ giúp để lấy thông tin, điều tra, bảo mật thông tin, đánh phá các website giả mạo,… lúc đó hãy ra tay giúp sức. Đặc biệt, khi làm bất kể điều gì hãy nghĩ đến vấn đề đạo đức và hiểu kỹ về luật an ninh mạng.

"Hacker hãy tiến hành làm vì cộng đồng, vì đạo đức và học kỹ về luật an ninh mạng. Nhiều việc cho hacker làm như, giúp bảo mật thông tin của cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị nhà nước để tránh bị kẻ xấu hãm hại" - Hiếu PC chia sẻ thêm.

Tự bảo vệ tài khoản trực tuyến, đặc biệt Facebook của bản thân là việc không bao giờ thừa!

Qua vấn đề này, Hiếu PC cũng đưa ra một số cách để bảo vệ tài khoản cá nhân để tránh bị kẻ gian "đột nhập", đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân.

1/ Không sử dụng bất kỳ mật khẩu đơn giản và dễ đoán, ví dụ: 123456, 123123, anhyeuem...hoặc mắc các lỗi về mật khẩu tương tự. Hãy sử dụng mật khẩu bảo mật tốt để thay thế.

2/ Để đảm bảo mật khẩu của bạn được bảo mật, bạn nên:

Sử dụng mật khẩu độc nhất: Không sử dụng lại mật khẩu trên nhiều tài khoản. Làm điều này khiến tất cả các tài khoản của bạn có nguy cơ bị xâm nhập cao nếu một tài khoản bị tấn công.

Tạo mật khẩu phức tạp và tinh vi: Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó lại hiệu quả. Nếu mật khẩu của bạn bao gồm hơn tám ký tự và bạn trộn chữ cái, số và ký hiệu, hầu hết hacker sẽ chuyển sang nhắm mục tiêu vào các tài khoản dễ dàng hơn.

Độc quyền: Hiếu PC nói về việc hacker tự ý lấy thông tin cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh rồi đăng lên mạng, liệu có đúng dù nhiều người xem đó là "nghĩa hiệp"? - Ảnh 3.

Sử dụng trình quản lý mật khẩu: Nếu bạn lo lắng về việc quên mật khẩu, hãy sử dụng trình quản lý mật khẩu. Chúng sẽ bảo mật tài khoản của bạn đồng thời giúp bạn dễ dàng đăng nhập vào từng tài khoản. Hoặc ghi ra giấy lưu lại ở một nơi an toàn những gợi ý để nhớ mật khẩu.

Chọn một trình tạo mật khẩu: Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm ra một mật khẩu mạnh, bạn có thể sử dụng trình tạo mật khẩu để tạo mật khẩu cho riêng mình.

3/ Luôn sử dụng bảo mật 2 bước cho tài khoản online của bạn, ví dụ Google Authenticator.

4/ Không nên nhấn vào những đường dẫn lạ, nên luôn tỉnh táo để kiểm chứng.

5/ Không nên tải về những tệp tin hay phần mềm lạ, vì có thể là mã độc. Chỉ nên tải về khi mình cần và chỉ sử dụng những trang chính thống để tải về.

6/ Luôn cập nhật phần mềm và các app đang sử dụng cho thiết bị.

7/ Cập nhật kiến thức và tin tức có liên quan đến những nạn lừa đảo online để tự bảo vệ chính mình.

8/ Chuyển sang sử dụng những ứng dụng chat an toàn hơn như Telegram, Signal. Để đảm bảo thông tin được mã hóa và tránh bị xem lén vì có tính năng tự động xóa tin nhắn. Những app này họ có chính sách bảo mật rất là tốt và chặt chẽ.

Rất cám ơn Hiếu đã dành thời gian chia sẻ ý kiến của mình đến độc giả Afamily.vn

Ngô Minh Hiếu

Hiện là chuyên viên kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (National Cyber Security Center - NCSC) của Việt Nam.

Từng là một hacker nổi tiếng, Hiếu PC đã phải nhận 13 năm tù tại Mỹ vì tội ăn cắp và bán thông tin cá nhân của hơn 200 triệu người Mỹ và Nhật Bản. Trong thời gian ở tù, anh đã giúp đội điều tra tội phạm an ninh mạng của Mỹ triệt phá các vụ án lớn. Chính vì điều này, Ngô Minh Hiếu được thả tự do sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu là ngày 6 tháng 6 năm 2024.

Hiếu được chính thức trả tự do về Việt Nam vào ngày 4 tháng 8 năm 2020. Sau khi về Việt Nam, anh được nhà nước tạo điều kiện công việc.

Chia sẻ