Độc hại khi dùng cốc nhựa, cốc giấy uống nước nóng

Yên Sơn, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Nước và một số hoạt chất trong trà, café, canh… dưới tác dụng của nhiệt độ cao có thể tạo thành các dung môi hòa tan các chất phụ gia có trong cốc nhựa, cốc giấy.

Cốc uống lạnh, đừng uống nóng
 
Thói quen dùng các sản phẩm cốc nhựa, cốc giấy để uống nước, đựng đồ ăn nóng ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới văn phòng vì sự tiện lợi, sạch sẽ của nó. Tuy vậy, có những loại cốc nhựa, cốc giấy chỉ dùng được để uống nước lạnh, nếu dùng uống nước nóng sẽ có những tác hại không nhỏ tới sức khỏe.
 
Chị Hồng Hải, nhân viên văn phòng trên phố Chu Văn An chia sẻ: “vì sự tiện lợi và ưa đẹp mắt tôi thường mua khá nhiều cốc giấy để trên chỗ làm dùng dần. Tôi thường xuyên pha cafe, đựng nước nóng vào cốc. Thi thoảng cầm cốc nóng thấy có phẩm mầu của hình in trên cốc thôi ra tay, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là vỏ bên ngoài”.

Đó là chưa kể đến nhiều sản phẩm cốc nhựa, cốc giấy kém chất lượng được làm từ giấy loại hoặc nhựa tái sinh thì sự độc hại còn tăng lên rất nhiều. Chị Thu Trang, nhân viên tài chính của công ty bất động sản trên đường Trần Khát Trân kể:“tôi đi mua cơm hộp thường xuyên để canh vào cốc nhựa. Có lần thấy mùi canh lạ lạ như mùi nhựa khét, nhưng tôi lại nghĩ đó là do cửa hàng nấu mà không nghĩ do cốc nhựa”.
 
Cốc giấy được dân văn phòng ưa dùng vì sự tiện lợi.
 
 
Nhiều loại cốc không có hướng dấn sử dụng cụ thể như "đánh đố người tiêu dùng.
Ảnh minh họa.
 
Theo  PGS. TS. Trần Hồng Côn, công tác tại Khoa Hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích: mỗi loại cốc giấy có thể được nhà sản xuất tráng một số loại chất để chống thấm. Nếu các lớp polymer tráng trong cốc của nhà sản xuất đã được kiểm định của các tổ chức uy tín trên thế giới thì cơ bản là đảm bảo, không gây tác hại xấu đến sức khỏe người dùng.
 
Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Tuy vậy, trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại cốc nhựa, cốc giấy trôi nổi, không rõ nguồn gốc nhãn mác được các hàng tạp hóa, hàng cơm bình dân, bún, miến... sử dụng la liệt để đựng đồ ăn, đặc biệt là nước canh, cafe nóng...
 
Tiến sĩ Côn cho biết thêm, lớp tráng chống thấm không tốt chỉ chịu được một ngưỡng nhiệt độ nhất định, nếu dùng nước quá nóng, lớp polymer đó sẽ bị thôi ra, hòa lẫn vào đồ ăn thức uống đi vào cơ thể con người. Do đó, khi dùng các loại cốc nhựa, cốc giấy dùng một lần thì chỉ nên dùng của các hãng có uy tín, tuyệt đối tránh sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác.
 
 Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
 
Sản phẩm cốc giấy, cốc nhựa được bày bán khá phổ biến tại siêu thị cũng như các cửa hàng tạp hóa. Chị em thường mua về, bóc ngay ra dùng mà "quên" mất khâu hướng dẫn sử dụng. Mặc dù vậy, lỗi này cũng không hoàn toàn do các bà nội trợ, nhiều nhà sản xuất cố tình "né" hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ hướng dẫn qua loa kiểu như: để cốc thẳng đứng, không nên đổ quá đầy, không dùng nước quá nóng...
 
 
Theo một chuyên gia Hóa học công tác tại Viện hóa học Việt Nam, nếu nhà sản xuất dùng lớp polymer đạt tiêu chuẩn, được kiểm định chất lượng chặt chẽ thì cốc đó cũng chỉ dùng để đựng nước dưới 70 độ C là an toàn với người dùng. Nếu trên ngưỡng nhiệt độ này, cùng với các chất có trong đồ uống, nước canh thì cũng có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe.
 
Điều lo ngại, theo vị chuyên gia này chính là hiện tại thị trường Việt Nam có quá nhiều sản phẩm trôi nổi, phần lớn nhập từ Trung Quốc về với giá cực rẻ, bày bán khắp nơi. Chính vì hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn sản xuất... nên rất khó kiểm soát được chất lượng của lớp màng chống thấm.
 
Người tiêu dùng nên chọn lựa những sản phẩm uy tín, có nhãn mác,
có hướng dẫn sử dụng rõ ràng.
 
Thêm nữa, một số doanh nghiệp nhỏ không có ý thức tôn trọng người tiêu dùng, không cần giữ uy tín khi họ sản xuất ra những chiếc cốc không có nhãn mác, không ghi tên, địa chỉ nhà sản xuất, không có hướng dẫn sử dụng hay các cảnh báo… đây là các sản phẩm có khả năng gây tác động xấu đến sức khỏe người dùng.

Với cốc nhựa hay cốc giấy thì khi sản xuất đều phải có quá trình gia nhiệt, nhiều cốc còn có thêm phụ gia như chất làm mềm hóa, chất tạo màu… nên khi gặp nhiệt độ cao, các phụ gia này có thể bị hòa tan và tạo thành độc tố xâm nhập cơ thể theo thực phẩm người dùng uống vào.
 
Chính vì vậy, chúng ta cần lưu ý, với cốc giấy, cốc nhựa mỏng, nhất là loại cốc không có nhãn mác, thì chỉ nên đựng nước lạnh, không nên dùng đựng nước nóng hay pha trà, café cần nước nóng. Thay vào đó, ta có thể sử dụng cốc sứ, cốc thủy tinh vừa bền vừa an toàn hơn.
Chia sẻ