Độc đáo lớp học làm chồng ở Trung Quốc

Ngọc Nguyễn,
Chia sẻ

Năm ngoái, một lớp học ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thu hút 9 người đăng ký tham gia. Người trẻ tuổi nhất là một sinh viên đại học 23 tuổi, người lớn tuổi nhất 59 tuổi, là một giáo viên. Tất cả đều là nam giới với xuất thân, nghề nghiệp và hoàn cảnh hôn nhân khác nhau.

Đây là lớp học về đạo đức nam giới, do chuyên gia giáo dục giới tính Phương Cương khởi xướng. Từ những năm 1990, ông Phương đã quan tâm đến phong trào nữ quyền và nhận thức về giới. Mục tiêu của lớp học là giúp đàn ông trở thành những người chồng, người cha tốt. Nội dung bao gồm việc suy ngẫm về nam tính, từ bỏ bạo lực gia đình, học cách làm việc nhà, chăm sóc vợ con, đọc sách cho con và nhiều kỹ năng khác.

Phương Cương lần đầu tiên tổ chức lớp học này vào năm 2015 nhưng chỉ có 2 người đăng ký. Hiện nay, khi các vấn đề về giới ngày càng được chú ý, ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mở lại lớp. Ông hy vọng lớp học sẽ giúp nam giới thay đổi nhận thức về vai trò của mình trong xã hội, trở thành những người ủng hộ bình đẳng giới và qua đó, chính họ cũng sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trải nghiệm mới

Ông Vương, 53 tuổi, đến lớp học do được vợ giới thiệu. Ban đầu, ông phản đối ý tưởng tham gia lớp học "đạo đức nam giới" vì nghĩ rằng mình hiểu rõ về bình đẳng giới hơn nhiều người khác. Ông chia sẻ: "Tôi lo việc tham gia lớp sẽ lấy đi thời gian quý giá bên các con. Nhưng với sự tin tưởng và thấu hiểu giữa hai vợ chồng, tôi quyết định thử. Dù sao thì việc hoàn thiện bản thân và học hỏi là một hành trình liên tục".

Dù đã đồng hành cùng vợ qua hai lần sinh nở, buổi trải nghiệm mang thai và sinh con trong ngày học thứ hai vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho ông. Ông Vương nói: "Tôi chưa từng mang thai nên trải nghiệm này giúp tôi hiểu hơn những hy sinh và vất vả của vợ mình". Trong buổi học, các học viên nam đeo túi nước nặng khoảng 5kg ở bụng để mô phỏng cảm giác mang thai. Họ phải "chăm sóc" chiếc túi này suốt cả ngày cho đến khi "sinh con" vào cuối buổi học. Khi đến "giờ sinh", một số học viên đã mừng đến mức suýt bật khóc.

Tiểu Quách, 23 tuổi, sinh viên khoa Vật lý tại Đại học Bắc Kinh, tham gia lớp học vì tò mò. Anh nói: "Vì các cuộc thảo luận về vấn đề giới trong xã hội hiện nay khá gay gắt, tôi muốn đến để xem mọi người bàn luận thế nào về chủ đề này". Ngay từ buổi học đầu tiên, Tiểu Quách đã trải nghiệm một bài tập đặc biệt: các học viên được chia thành từng cặp và phải nhìn chằm chằm vào mắt nhau. Khi anh và Phương Cương, người khởi xướng lớp học, nhìn nhau trong 30 giây, Tiểu Quách nhận thấy đôi mắt của ông Phương dường như ngấn lệ. "Tôi chưa bao giờ nhìn vào mắt một người lạ lâu như vậy và tôi cảm thấy như có sự giao tiếp tinh thần", Tiểu Quách chia sẻ. Đây là một phần trong buổi học "xem xét lại nam tính".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tạ Khiêm là một trong những người hướng dẫn của buổi học này. Anh vẫn nhớ rõ áp lực về nam tính mà gia đình đã áp đặt lên anh khi còn nhỏ. Khi học tiểu học, cha anh bắt anh xem cảnh giết gà để rèn luyện khí chất nam nhi. Hình ảnh máu từ cổ gà nhỏ xuống chậu đã khiến anh kinh hãi và để lại một bóng đen trong lòng. Khi trưởng thành, Tạ Khiêm nghiên cứu tâm lý học và biết được rằng, việc quá đề cao sự nam tính thực ra là đi ngược lại bản chất con người. Tình cờ, anh xem một video khoa học phổ biến về nam tính do Phương Cương thực hiện và cảm thấy vô cùng xúc động. Anh đã đăng ký tham gia lớp học của ông Phương, sau đó trở thành người hướng dẫn của lớp học.

Phương Cương theo đuổi chương trình tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Phan Tùy Minh, một nhà nghiên cứu giới nổi tiếng. Về sau, ông cũng trở thành một học giả và nhà nghiên cứu về giới, với trọng tâm nghiên cứu chuyển sang nam giới. Qua quá trình nghiên cứu, ông Phương đã chứng kiến vô số cảnh bạo lực, sự cứng rắn và cả những khoảnh khắc dễ bị tổn thương của đàn ông.

Thúc đẩy bình đẳng giới từ góc độ nam giới

"Không một người đàn ông nào kết hôn vì muốn dùng bạo lực với vợ mình. Họ đều mong có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc nhưng bạo lực đã phá hỏng tất cả", Phương Cương chia sẻ.

Ngoài việc khởi xướng lớp học "đạo đức nam giới", ông Phương còn tích cực góp phần xóa bỏ bạo lực giới. Ông đã thực hiện nhiều dự án, bao gồm vở kịch "Đàn ông độc thoại" được diễn ở 5 thành phố, "Hội người cha đọc sách", "Liên hoan phim Ruy-băng trắng" và diễn đàn "Đàn ông kể chuyện". Năm 2010, Phương Cương thành lập "Đường dây nóng Ruy-băng trắng" tại Trung Quốc, cung cấp tư vấn miễn phí cho các bên liên quan đến bạo lực giới. Sáng kiến này được lấy cảm hứng từ phong trào quốc tế "Ruy-băng trắng", khuyến khích nam giới lên tiếng chống lại bạo lực đối với phụ nữ.

Thời thơ ấu, Phương Cương từng phải đối mặt với nạn bắt nạt và cô lập vì bị coi là thiếu sự nam tính. Đến những năm 1990, khi tiếp cận các ý tưởng của chủ nghĩa nữ quyền, ông bắt đầu hiểu sâu hơn về vấn đề giới và nhận ra nam tính chỉ là một cấu trúc xã hội. Chuẩn mực xã hội đã áp đặt các đặc điểm như thống trị và hung hăng lên nam giới, trong khi phụ nữ được cho là phải phục tùng. "Vì vậy, tôi muốn thực hiện một số việc thiết thực để giúp đỡ phụ nữ từ góc độ của nam giới. Ý tưởng đầu tiên của tôi là cung cấp tư vấn cho những người gây ra bạo lực giới, từ đó "Đường dây nóng Ruy-băng trắng" ra đời", ông chia sẻ.

Kể từ khi ra mắt, "Đường dây nóng Ruy-băng trắng" đã hỗ trợ hơn 600 người mỗi năm, dù nhiều nam giới khi gọi đến vẫn gặp khó khăn trong việc nhận ra hành vi bạo lực của mình. Ông Phương tin rằng, phần lớn nam giới đều mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc và việc giúp họ hiểu được sự vô ích của bạo lực sẽ thúc đẩy sự thay đổi, góp phần giảm thiểu bạo lực giới.

Năm 2013, Phương Cương thành lập "Dự án Mạng lưới tình nguyện viên Ruy-băng trắng Trung Quốc", hiện gồm hơn 80 thành phố với sự tham gia của hơn 5.000 tình nguyện viên. Trong suốt 10 năm qua, Phương Cương không ngừng theo đuổi mục tiêu bình đẳng giới và chống bạo lực giới. Ông đã xuất bản hơn 70 cuốn sách, tổ chức vô số chương trình giảng dạy và đào tạo cho nam giới về vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Ông còn đưa nội dung bình đẳng giới và chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục giới tính, sách thiếu nhi và thơ cho trẻ em trong những năm gần đây.

"Là một học giả, tôi từng rất tham vọng, muốn thay đổi toàn bộ xã hội. Nhưng giờ đây, tôi phát hiện ra rằng, chỉ cần có thể ảnh hưởng thêm một người, tôi cũng thấy vui. Tích tiểu thành đại mà. Mỗi khi có thêm một người đàn ông nhận ra tầm quan trọng của bình đẳng giới và tham gia chống bạo lực giới thì thế giới sẽ có thêm một gia đình hạnh phúc và chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ngày đạt được bình đẳng giới", Phương Cương chia sẻ.

Nguồn: The Paper, UNFPA
Chia sẻ