Độc đáo làng thương vợ ở Huế

Tấn Rin,
Chia sẻ

Dù sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng phụ nữ ở làng Công Lương (xã Thủy Vân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) có một đặc quyền là không phải đụng tay tới việc đồng áng. Làng được mệnh danh là "làng thương vợ".

Cách thành phố Huế khoảng 7km về phía đông nam, làng Công Lương, xã Thủy Vân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm nép mình bên những bụi tre cao vút và những cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 1
Cổng làng Công Lương

Cả làng có hơn ngàn nhân khẩu với hàng chục hecta ruộng nhưng những cánh đồng tươi tốt nơi đây lại chủ yếu nhờ vào bàn tay của cánh mày râu. Việc phụ nữ không cần phải làm đồng đã là truyền thống từ rất lâu đời của làng.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 2

Vào một buổi chiều trời khá mát mẻ, có dịp thả bộ đi dạo trên những cánh đồng của làng và chúng tôi cố gắng tìm kiếm những bóng dáng phụ nữ nhưng tuyệt nhiên không hề có. Bắt chuyện với anh Phạm Văn Kết đang lom khom sửa lại đập nước để tìm hiểu “cách thương vợ” nơi đâycó rất nhiều điều thú vị, bất ngờ.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 3
Những người đàn ông đang chăm lo việc đồng án tại "làng thương vợ".

Anh Kết (bên trái), dân gốc Làng Công Lương thật thà chia sẻ : “Ở đây có đốt đèn tìm cũng không thấy người đàn bà nào ra ruộng đâu. Phụ nữ ở đây làm việc khác, chỉ có cánh đàn ông ra ruộng thôi”. Anh còn chia sẻ thêm là nhiều người phụ nữ thậm chí còn không biết ruộng nhà mình ở đâu, dài rộng ra sao.

Chú Lê Tất Xứng (bên phải) tới tiếp chuyện với chúng tôi: “ Tui (tôi) không biết ai ra răng (sao) chứ tui thấy vợ mà không thương thì sao mà chung sống suốt đời được”.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 4
Mọi công việc lớn nhỏ việc đồng áng đều do đàn ông chăm lo

Chú Xứng vừa bón phân cho ruộng vừa chia sẻ một suy nghĩ rất đàn ông: “Phụ nữ chân yếu tay mềm làm răng (sao) để nó làm mấy cái việc đồng áng ni (này)".

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 5

Chúng tôi quyết định đi sâu vào làng để tìm hiểu thêm đàn ông Công Lương thương vợ thế nào. 

Dù làng khá gần thành phố Huế nhưng phong cảnh nơi đây rất yên bình với những hàng tre cao vút uốn mình quanh những con đường nhỏ quanh co.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 6

Những người phụ nữ nơi đây vẫn còn giữ một nét truyền thống rất đặc trưng của xứ Huế đó là đội những chiếc nón lá mỗi khi ra đường.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 7

Ghé vào một quán tạp hóa bên đường chúng tôi hỏi chuyện cô Lê Thị Gái (64 tuổi), cô khẳng định chuyện đàn bà ở đây không phải làm việc đồng áng là có thật. Bản thân cô cũng như ba người chị em trong nhà cũng chưa bao giờ phải đụng tay đến việc nông. Cô chia sẻ thêm: “Phong tục này có từ lâu lắm rồi. Tui thấy mình may mắn vì được làm dâu nơi đây để có được cái diễm phúc không phải làm việc đồng áng gì”.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 8

Di chuyển tiếp về phía cuối làng cũng rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh các
đấng mày râu chân lấm tay bùn trở về từ các cánh đồng, kèm theo đó là hình ảnh các cô, các chị giặt giũ bên dòng sông của làng.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 9

Mệ Nguyễn Hà ở cuối làng đang chuẩn bị đồ ăn cho buổi cơm chiều của gia đình, mệ Hà thật thà tâm sự : “Đàn bà ở có biết mô tê gì về cầy cấy đâu, mọi việc có đàn ông lo hết rồi. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ làm 2 mùa lúa, như thế chưa đủ ăn nên phụ nữ ở đây cũng phải bươn chải bán bánh, bán rau, làm nón để kiếm thêm thu nhập”. Mệ còn nói thêm rằng chỉ có mỗi làng Công Lương là không cho phụ nữ ra ruộng thôi, chứ mấy làng kế bên đàn bà vẫn phải làm ruộng cả.

Độc đáo làng thương vợ ở Huế 10
Phong cảnh yên bình, vắng bóng xe máy ở làng thương vợ

Chào mệ Hà trong cái nắng nhẹ của ngày hè xứ Huế, chúng tôi tiếp tục tham quan quanh làng thương vợ và còn tìm hiểu thêm được rằng ngoài cái danh thương vợ thì ngôi làng này còn có một tiếng thơm khác đó là suốt nhiều năm qua đều được danh hiệu làng văn hóa, chưa ghi nhận trường hợp nào phải vào tù ra tội.

Những năm gần đây rất nhiều em đạt thành tích tốt trong các kì thi đại học, cao đẳng...

Nói như lời những người đàn ông nơi đây thì họ rất tự hào là người làng Công Lương, và tự hào nhất là cái danh thương vợ.

Chia sẻ