Độc chiêu của người vợ cảm hóa được ông chồng "ma men"

LÊ NGUYỄN,
Chia sẻ

Vợ đi làm giao cho nhiệm vụ ở nhà coi con nhỏ, thế nhưng chồng lại ngủ lăn quay không biết trời đất mây trăng là gì sau trận nhậu tới bến. Tỉnh dậy, đứa con nhỏ đã chết đuối dưới ao.

Nhậu xỉn con ngã xuống ao lúc nào không hay

Ngôi nhà lá nằm giữa cánh đồng ấp Long Phước của vợ chồng ông Bùi Văn Tuấn (50 tuổi) và vợ bà Nguyễn Thu Hà (48 tuổi) là địa chỉ quen thuộc của cán bộ hòa giải xã Long Chánh, TX. Gò Công (Tiền Giang). Trước đây, cứ vài bữa cán bộ dân số, phụ nữ, công an lại nhận được điện thoại trong lúc đêm khuya của quần chúng báo tin về việc bà Hà bị chồng bạo hành. Nhưng đó là chuyện của quá khứ, giờ vợ chồng ông Tuấn đã sống vui vẻ hạnh phúc.

Lúc chúng tôi đến nhà, chỉ có vợ chồng người con gái lớn về thăm cha mẹ. Từ khi bỏ rượu chè, ông Tuấn tu chí làm ăn, đi coi vuông tôm cho người bà con ở mạn Long An, năm bữa nửa tháng mới về thăm gia đình. Bà Hà đang cắt cỏ ở cánh đồng đối diện. Thấy khách đến thăm, bà lội đồng tất tả về nhà, quần áo lấm lem, tanh mùi bùn đất.

Nhắc đến chuyện quá khứ, bà nhìn xa xăm, nước mắt vòng quanh. "Nếu chồng tôi mà tu chí, không dính vào rượu chè, thì giờ chúng tôi đã khá lắm rồi, chứ không khó khăn túng thiếu như bây giờ. Ai đời đi hết nửa đời người, ông ấy mới nhận ra những sai lầm mà thay đổi. Dù muộn, nhưng như thế vẫn còn may", bà Hà cho biết.

 Độc chiêu của người vợ cảm hóa được ông chồng ma men - Ảnh 1.

Bà Hà kể lại độc chiêu cảm hóa gã chồng ma men.

Đến giờ bà vẫn chưa hết ám ảnh những trận đòn, mà người chồng đánh đập trong cơn say bất tận. Được biết, bà Hà là người ấp bên, gia đình thuộc diện nghèo khó. Về phía chồng cũng vậy, cũng chẳng khá khẩm là mấy, quanh năm phải đi làm mướn cho người ta.

Ở cái tuổi hẹn hò, họ gặp nhau đúng mùa chôm chôm chín. Cảnh ngộ tương đồng, nên hai người trẻ dễ tìm được sự cảm thông chia sẻ. Quen hơn 1 năm thì ông Tuấn xin phép cha mẹ đưa ghe qua sông rước bà Hà về làm dâu nhà mình. 

"Ngày ấy, ông ấy hiền lành chân chất, biết thương vợ, lo làm ăn. Thế nhưng những ngày tháng êm đẹp ấy lại quá ngắn ngủi", bà kể tiếp.

Ông Tuấn thay đổi, bắt đầu từ khi hai vợ chồng được cha mẹ cho miếng đất, cất cho căn nhà lá và ra ở riêng. Lúc ấy, bà Hà mang bầu đứa con lớn, sức khỏe cũng không được tốt, nên chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước cho chồng. 

Ông Tuấn đi làm phụ hồ rồi theo công trình xa thỉnh thoảng mới về. Từ lần đó, Tuấn hay rượu. Thấy chồng nhậu nhiều sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên bà Hà cũng nhắc khéo, khuyên chồng biết hạn chế. Thế nhưng, lúc ấy Tuấn vẫn còn có trách nhiệm và ý thức được việc kiếm tiền để lo cho vợ con.

Ở miền Tây, chuyện nhậu nhẹt như thói quen cố hữu, ban đầu bà Hà cũng không mấy bận tâm. Hơn nữa, ngoài điều này, ông Tuấn không cờ bạc, trai gái. Nhậu xỉn, ông đi ngủ, sớm mai lại dậy đi làm, chứ chưa bê tha quậy phá vợ con. Một người chồng như vậy, bà Hà cũng chẳng mong muốn gì hơn. Vậy nhưng tần suất nhậu và say xỉn của ông Tuấn cứ tăng dần, biến ông thành "ma men", một kẻ bê tha lúc nào không hay.

Bi kịch cũng bắt đầu ập đến, đó là những ngày tháng dài đằng đẵng. Bà Hà cho biết, nơi mà chúng tôi đang ngồi, trước đây là cái ao nuôi cá của gia đình. Từ lúc đứa con gái thứ hai bị chết đuối, bà đã san lấp cái ao này đi. Bà Hà những tưởng việc làm trên sẽ giúp mình quên đi được cái ký ức đau buồn về cô con gái. 

Thế nhưng, nỗi đau mất mát ấy chưa bao giờ nguôi ngoai trong bà. Nguyên nhân không phải vì cái ao nằm đối diện với cửa nhà. Mà bởi vì chính người chồng bê tha nát rượu luôn khơi gợi trong bà ký ức về người con gái tội nghiệp.

Bà Hà cho biết, con gái xấu số của mình tên Hoa, lúc mất cháu mới được 3 tuổi. Chuyện xảy ra cách đây 20 năm, từ ngày ông Tuấn thay tính đổi nết, gia đình đều một tay bà quán xuyến. Bà đi làm mướn, lấy tiền lo cho gia đình. Còn ông Tuấn ở nhà coi con thay vợ. Thế nhưng vẫn tật cũ, ông Tuấn bế con đi tìm tiệc rượu. 

Người đàn ông ấy chỉ chịu về nhà, khi xế chiều, trong tình trạng chân nam á chân chiêu. Ông Tuấn cố bước về đến sân, rồi nằm vật ra đất ngủ ngon lành. Bỏ mặc con gái thơ thẩn chơi một mình. Chiều bà Hà đi làm về thì mọi chuyện đã quá muộn, cháu Hoa bị chết đuối dưới ao. Trong khi đó, người chồng ấy mãi đêm sau mới tỉnh rượu.

"Chiến lược" cảm hóa chồng

Biết tin con chết, ông Tuấn như người mất hồn, ông đau xót chạy đi tìm con. Theo lời bà Hà, chồng mình chẳng nhớ gì cả, do vậy khi nghe mọi người thuật lại nguyên nhân cái chết của bé Hoa, người cha này đã rất hối hận và đau khổ. Lương tâm Tuấn dằn vặt, cả một tuần trời ông ta không ăn uống, cứ thờ thẫn góc bàn thờ di ảnh của con, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Trong hoàn cảnh mất con thơ, bà Hà cũng đau đớn như đứt từng khúc ruột.

Thoạt đầu bà Hà cũng oán trách người chồng, bà từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ được cho ông Tuấn. Thế nhưng, nhìn bộ dạng phờ phạc, hốc hác của chồng, khiến bà động lòng trắc ẩn. Bà Hà nghĩ, dù sao thì chuyện cũng đã xảy ra, có đau khổ oán thán thì con gái mình cũng chẳng thể sống lại được. 

Người phụ nữ giấu nỗi đau vào trong khi coi như bé không có duyên phận với hai vợ chồng vậy. Những người ở lại vẫn phải sống tiếp. Nghĩ thế, bà lại động viên an ủi chồng mình. Theo thời gian, ông Tuấn cũng dần nguôi ngoai.

 Độc chiêu của người vợ cảm hóa được ông chồng ma men - Ảnh 2.

Câu chuyện của bà Hà là "bí kíp" cho nhiều người vợ khác ở ấp Long Phước để đối phó với thói nhậu nhẹt của các ông chồng.

Tưởng rằng sau cái chết của con gái, sẽ khiến cho ông Tuấn tỉnh lại và nhận ra rằng mình đã làm khổ vợ con bấy lâu. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, người đàn ông ấy như đã quên hết những gì mình đã gây ra. Ông ta lại chứng nào tật ấy, vẫn cái thói quen nhậu nhẹt tai hại, trước sự bất lực của người vợ hiền. Cũng từ ấy, chuyện ông Tuấn thường xuyên nhậu say về chửi mắng, đánh đập vợ gần như là chuyện xảy ra hàng ngày. Cho là số phận của mình kém may mắn nên bà Hà cắn răng chịu đựng.

Bà kể: "Nhiều đêm tôi đang ngủ trong mùng thì ông ấy đi nhậu về, từ đầu đường đã chửi vào. Tôi không trả lời lại, sợ ông có rượu nóng nảy. Thế nhưng, anh vừa chửi vừa lấy dao đi vòng vòng ngoài mùng đâm vô, thế là tôi chạy khỏi nhà. Vậy nhưng, anh cũng không buông tha khi cầm rượt theo". 

Bà Hà cho biết, đã rất nhiều lần bà bị chồng đánh thương tích, nhưng vì lúc đó nhà bà ở cách biệt khu dân cư, chuyện bị chồng bạo hành không ai biết được.

Hơn nữa, bà Hà sợ xấu hổ, lo người ấp biết chê cười nên đã giấu kín chuyện mình bị ông Tuấn đánh đập. Thế nhưng những buổi bà Hà đi làm thuê với mặt mũi bầm tím khiến bà con trong ấp thắc mắc và tìm hiểu. Chính quyền địa phương nắm được thông tin đã can thiệp, đưa ông Tuấn ra trước dân kiểm điểm, giáo dục.

Thế nhưng khi chữ ký chưa ráo mực, bà Hà lại bị chồng bạo hành. Người phụ nữ chân quê này chỉ biết khóc, chạy trốn khỏi những lời nhục mạ và những trận đòn của chồng. Nhà ở chênh vênh giữa đồng, những lúc bị chồng hành hạ, bà Hà không chạy đến nhà ai để nương nhờ được. Thế nên, bờ ruộng, đống rơm là nơi người phụ nữ ấy tá túc thường xuyên.

Chỉ tay ra cánh đồng mà mình vừa cắt cỏ, bà bảo, mấy chục năm qua mình thường ngủ ở đó. "Vùng này nhiều rắn độc nhưng chưa lần nào tôi bị nó cắn. Cũng may. Nhưng muỗi thì khỏi nói, nó bay như ong vỡ tổ. Bén những hôm mưa thì còn cực nữa. Có nhà nhưng không về được, vì nếu về chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra", nói đến bà kéo vát áo tay lau vội những giọt nước.

Tưởng rằng cuộc sống địa ngục của bà Hà cứ tiếp diễn mãi, và người chồng này sẽ chẳng bao giờ bỏ được nhậu nhẹt khi rượu nó đã ngấm vào máu của anh ta. Vậy nhưng, cuối cùng bà lại tìm ra được độc chiêu, giúp chồng đoạn tuyện hẳn với ma men.

Đó là từ lúc trong khu vực nhà bà ở có thêm mấy hộ chuyển đến sinh sống. Bà đã phát hiện ra điểm yếu của chồng. Đó là ông Tuấn còn biết đến sĩ diện và tự trọng. Hai vợ chồng cãi cự qua lại, ông Tuấn rất sợ mọi người trong xóm nghe thấy. Do vậy, ông ta không còn đuổi đánh hay chửi vợ giữa cánh đồng như trước đây nữa. Chính vì thế bà Hà đã lên một kế hoạch cảm hóa ông Tuấn.

Theo như lời tiết lộ của bà Hà thì đầu tiên là bà kể lại tội của Tuấn, trách nhiệm của người đàn ông chủ gia đình. Sau đó bà lại ngọt nhạt tha thiết mong chồng thay đổi.

Dần dần ông Tuấn nhậu xỉn cũng không dám quậy bà Hà nữa, vì sợ lại ra đồng kể tội mình với hàng xóm, khiến ông xấu hổ. Thấy biện pháp này có tác dụng, bà Hà lại tiếp tục đi thêm một nước cờ quyết định nữa, đó là nhờ hàng xóm, người thân, và chính quyền địa phương thường xuyên đến nhà để khuyên giải vận động ông Tuấn bỏ rượu.

Được bà Hà nhờ trước, do vậy mấy người trong xóm đi làm mướn ở đâu cũng kêu ông Tuấn đi cùng. 5 năm sau, ông Tuấn đã hoàn toàn thay đổi nhờ sự kiên trì của vợ.

* Tên nhân vật đã được đổi

Chia sẻ