Dinh dưỡng cho từng thời kỳ mang thai

Bảo Hân,
Chia sẻ

Chú ý tới việc cung cấp dinh dưỡng trong từng giai đoạn mang thai sẽ giúp thai phụ có được một thai kỳ mạnh khỏe và an toàn.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh thì dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong khi mang bầu, thai phụ cần phải được cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và các nguyên tố vi lượng.

Sự thiếu chất dinh dưỡng trong toàn bộ thai kỳ sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thiếu vitamin D và phốt pho khiến cho sự phát triển xương của em bé trong bụng không được tốt. Nghiêm trọng hơn, sự thiếu hụt dinh dưỡng còn có thể gây ra chứng thiếu máu ở phụ nữ mang thai.

Chính vì vậy, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng phải khoa học, thiếu hoặc thừa chất cũng có thể khiến thai nhi quá bé hoặc quá lớn dẫn đến khó sinh.

Thời kỳ đầu mang thai (3 tháng đầu)

Khi mới bắt đầu mang thai, thai phát triển tương đối chậm. Do vậy, nhu cầu về các chất dinh dưỡng cũng chỉ cần được đáp ứng như trước khi mang thai. Có nghĩa là bà bầu cần cung cấp đủ lượng đạm, đường, mỡ, các nguyên tố vi lượng và vitamin.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu có thể có triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn hoặc có những người chỉ thích duy nhất một loại thức ăn mà thôi. Chính vì vậy mà các bác sĩ khuyên rằng chế độ ăn uống của thai phụ lúc này nên là những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.

Đặc biệt, trong bữa sáng và bữa tối nhất thiết phải có tinh bột, ví dụ như bánh mỳ nướng, bánh quy, và thêm trái cây, sữa chua… Thai phụ có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, với những người bị nghén thì có thể ăn với lượng ít một để không gây buồn nôn.

Dinh dưỡng cho từng thời kỳ mang thai 1

Giai đoạn giữa thai kỳ (3 tháng giữa)

Ở giai đoạn này, thai nhi phát triển tương đối mạnh. Do đó mà nhu cầu về các loại chất dinh dưỡng cũng tăng lên khá cao. Nếu trong giai đoạn này mà thai phụ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng thì hay có những triệu chứng như choáng do thiếu máu, bị chuột rút…

Để đảm bảo dinh dưỡng , các chuyên gia khuyên các bà bầu nên ăn nhiều những loại thực phẩm như trứng, thịt nạc, cá, sữa, sau và trái cây… Những thực phẩm trên có thể cung cấp lượng đạm, đường và đặc biệt là canxi cùng các nguyên tố vi lượng cho cơ thể.

Việc bổ sung muối vô cơ, các nguyên tố vi lượng, vitamin cho bà bầu và em bé trong bụng cũng rất quan trọng. Đặc biệt, sắt là một thành phần thiết yếu của các tế bào máu. Sắt cũng là chất cần thiết cho sự tăng trưởng của thai nhi. Chính vì vậy mà ở giai đoạn này, việc ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và có chứa sắt sẽ có tác dụng rất tốt với các thai phụ.

Canxi cũng là chất cần thiết cho cơ thể bà bầu ở giai đoạn giữa thai kỳ. Nếu không cung cấp đầy đủ canxi, thai nhi khó phát triển bình thường , người mẹ còn dễ bị tăng huyết áp ở giai đoạn cuối, xuất hiện phù, thậm chí chức năng tim gan thận bị tổn hại hoặc co giật nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Để đề phòng táo bón, mẹ bầu cần ăn nhiều các loại rau có chứa chất xơ và pectin như rau cần, rau hẹ, lê hoặc mật ong... không nên hoặc ăn ít các loại rau quả không có lợi cho phụ nữ ở thời kỳ này như rau chân vịt, nhãn, gan động vật... hay các loại gây kích thích ảnh hưởng đến tim mạch, nhịp thở và giấc ngủ, thần kinh như ớt, rượu, trà đặc, cà phê, cocacola, thuốc lá...

Giai đoạn cuối (3 tháng cuối)

Ở những tháng cuối, thai nhi phát triển tương đối mạnh và lượng dinh dưỡng cần được tích trữ trong giai đoạn này cũng cao hơn. Trong các bữa ăn, thai phụ nên chú ý bổ sung và phối hợp hài hòa giữa các loại thực phẩm, cố gắng làm cho bữa ăn phong phú nhưng cần hạn chế chất béo động vật để ngăn ngừa các chứng bệnh cho cả mẹ và thai nhi.

Việc ăn các loại đậu, những sản phẩm từ cà chua sẽ rất tốt vì chúng có tác dụng ngăn ngừa ung thư và các bệnh về tim mạch, ngoài ra còn cung cấp chất xơ và nhiều vitamin C.

Tốt nhất là xây dựng một thực đơn, đó là một bữa ăn cần đầy đủ chất phải hội tụ 3 nguyên tắc:

- Thức ăn phải có đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và muối khoáng, chất xơ.

- Cơ thể phải được cung cấp đủ nước để đào thải chất cặn bã, điều hòa thân nhiệt…

- Nên lựa chọn các loại thực phẩm an toàn, tươi sống.



Mang thai là điều hạnh phúc với bất kỳ phụ nữ nào nhưng cũng khiến bạn gặp không ít phiền toái. 9 cách sau đây sẽ giúp mẹ bầu xử lý những khó chịu này.
Dinh dưỡng cho từng thời kỳ mang thai 2
Chia sẻ