Điều kỳ lạ nhất trong đêm Giáng sinh hơn 100 năm trước: Thế chiến I dừng lại trong phút chốc khi binh lính 2 chiến tuyến đình chiến để... chơi đá bóng

Gia An,
Chia sẻ

Hơn 100 năm trước, có một điều kỳ lạ xảy ra trong đêm Giáng Sinh khi Thế chiến I đang diễn ra vô cùng ác liệt...

Vào đêm Giáng sinh năm 1914, tại những chiến hào sình lầy thuộc Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I đã xảy ra chuyện đáng chú ý. Sự kiện ấy ngày nay được gọi là Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh. Và cho tới tận bây giờ, nó vẫn được xem là một trong những khoảnh khắc kỳ lạ nhất của Thế chiến I hay bất kỳ cuộc chiến nào trong lịch sử thế giới.

Xạ thủ người Anh Bruce Bairnsfather, sau này là một họa sĩ hoạt hình nổi tiếng, đã viết về sự kiện kỳ lạ này trong hồi ký của mình để thế hệ con cháu thấy được đao kiếm, súng, gươm cũng chẳng là gì khi lòng người trỗi dậy, kẻ thù phút trước còn chém giết lẫn nhau, phút sau đã trở thành bằng hữu chia sẻ với nhau điếu xì gà để sưởi ấm trong đêm Giáng Sinh mà ai cũng chỉ mong 2 chữ An Lành!

Chuyện ngày xưa giờ mới kể: Sức mạnh kỳ diệu của Giáng sinh, phép lạ trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất vốn cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người - Ảnh 1.

Binh sĩ Anh và binh sĩ Đức gặp nhau tại làng Ploegsteert, Bỉ trong Đình chiến Giáng sinh năm 1914.

Giống như hầu hết những người lính bộ binh khác thuộc Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Royal Warwickshire, Bruce đã trải qua đêm trước ngày lễ Giáng sinh năm 1914 trong cảnh ẩm ướt, rét buốt đến tê tái và chỉ nghĩ xem làm cách nào để cố gắng giữ ấm cơ thể. 

Trong vài tháng trước đó, Bruce đã làm rất tốt trong cuộc chiến đấu với quân Đức. Và đến thời điểm đó, ở một vùng đất của Bỉ có tên là Bois de Ploegsteert, Bruce đang thu mình trong một cái rãnh trải dài chỉ sâu 0,9m và hẹp chưa đầy 1m. Ngày lại nối đêm, Bruce liên tục mất ngủ, sống trong sợ hãi, cầm hơi bằng bánh quy cũ và thuốc lá ướt nhẹp.

Vào khoảng 10 giờ tối, Bruce nhận thấy một tiếng động. “Tôi đã lắng nghe”, ông nhớ lại. “Phía bên kia cánh đồng, xuất hiện những bóng đen ở phía xa xăm, tôi có thể nghe thấy những tiếng thì thầm".

Chuyện ngày xưa giờ mới kể: Sức mạnh kỳ diệu của Giáng sinh, phép lạ trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất vốn cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người - Ảnh 2.

Một bức tranh minh họa về những người lính đang nói chuyện với nhau vào Giáng sinh năm 1914, được vẽ bởi người lính và họa sĩ hoạt hình người Anh trong Thế chiến I, Bruce Bairnsfather.

Lính Đức đang hát những bài hát chúc mừng vì đó là đêm Giáng sinh. Trong bóng tối, một số binh sĩ Anh bắt đầu hát lại và ở đầu bên kia một lính Đức nói to: "Lại đây!". Một trong những trung sĩ người Anh trả lời: “Các anh đi một nửa đường, chúng tôi sẽ đi nửa đường còn lại”.

Những gì xảy ra tiếp theo đã khiến cả thế giới sửng sốt và làm nên lịch sử. Những người lính dù đang là quân địch nhưng họ bắt đầu trèo ra khỏi chiến hào của họ, và gặp nhau tại “Vùng đất không người” đầy dây thép gai ngăn cách các đội quân. 

“Vùng đất không người” là khoảng đất ngăn cách hai bên chiến tuyến, ngăn cách lính Anh và lính Đức bằng những loạt đạn. Họ chỉ bước ra đó để "nhặt xác" đồng đội đã bỏ mạng vì súng đạn. Nhưng vào giây phút kỳ lạ đó, đã có những cái bắt tay và lời nói ân cần. Những người lính của 2 quân đội ngân nga những bài hát, chia sẻ những ngụm rượu, điếu thuốc trong "bữa tiệc nghỉ tự phát" giữa đêm đông lạnh giá. Chưa dừng lại ở đó, binh lính 2 bên còn nhiệt tình tham gia trận đá bóng, đập tan không khí chiến tranh căng thẳng.

Bruce không thể tin vào mắt mình. “Họ đây rồi, những người lính thực thụ. Sự căm ghét nhau không hề tồn tại trong khoảnh khắc đó", ông viết trong hồi ký.

Chuyện ngày xưa giờ mới kể: Sức mạnh kỳ diệu của Giáng sinh, phép lạ trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất vốn cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người - Ảnh 3.

Những người lính chơi đá bóng ở "Vùng đất không người" trong cuộc đình chiến vào Giáng sinh năm 1914.

Đó là lời kể của Bruce nhưng đến nay, các nhà sử học vẫn tranh cãi về các chi tiết của Đình chiến Giáng sinh như tình tiết cụ thể, vị trí bắt đầu sự kiện và làm cách nào khoảng 100.000 binh sĩ của hai phe tham gia vào thỏa thuận đình chiến này.

Một phiên bản khác của câu chuyện "Đình chiến Giáng sinh" cho rằng sự kiện bắt đầu trên chiến tuyến gần làng La Chapelle-d'Armentières, Pháp khi binh sĩ Đức hát mừng Giáng sinh và lính Anh làm theo.

"Khi chúng tôi hát bài 'O Come, All Ye Faithful' để chào đón Giáng sinh, lính Đức lập tức hát theo cùng giai điệu với lời tiếng Latin của bài 'Adeste Fideles'. Tôi nghĩ rằng binh sĩ hai quốc gia cùng hát một bài giữa cuộc chiến là điều phi thường nhất", binh nhì Graham Williams thuộc lữ đoàn bộ binh London số 5 viết trong nhật ký.

Sáng ngày 25/12/1914, lính Đức tại một số nơi bước ra khỏi chiến hào và chúc mừng Giáng sinh bằng tiếng Anh. Binh sĩ Anh, Pháp, Bỉ cũng hân hoan chào đón. Một số lính Đức giơ khẩu hiệu "Các anh không bắn, chúng tôi không bắn". 

Chuyện ngày xưa giờ mới kể: Sức mạnh kỳ diệu của Giáng sinh, phép lạ trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất vốn cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người - Ảnh 4.

Một bức phù điêu với hai bàn tay bắt chặt đặt tại Vườn Tưởng niệm Quốc gia ở Staffordshire, Anh như lời nhắc nhở về Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh kỳ diệu năm 1914.

Binh sĩ hai bên tặng nhau thuốc lá, thực phẩm, khuy áo và mũ, sau đó chôn cất những thi thể đã nằm vài tuần trên dải đất giữa các chiến hào.

Trong quãng thời gian còn lại của Thế chiến I - cuộc đại chiến cướp đi 15 triệu sinh mạng - không có Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh nào nữa cả. Nhưng cuộc gặp gỡ ấm áp kỳ lạ xảy ra vào dịp Giáng Sinh năm 1914 đã nhắc nhở tất cả mọi người rằng chiến tranh không phải do ai ép buộc mà do chính con người gây ra. Trong nhiều năm sau đó, Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, phim truyền hình, quảng cáo và cả các bài hát nổi tiếng.

Ngày nay, Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh vẫn được nhắc lại như minh chứng cho sức mạnh niềm tin và khát vọng hòa bình trong quãng thời gian được xem là đen tối nhất lịch sử nhân loại.

(Nguồn: History)

Điều kỳ lạ nhất trong đêm Giáng sinh hơn 100 năm trước: Thế chiến I dừng lại trong phút chốc khi binh lính 2 chiến tuyến đình chiến để... chơi đá bóng - Ảnh 5.

Chia sẻ