Điều cần biết về hăm tã ở bé

,
Chia sẻ

Dấu hiệu hăm tã không phải lúc nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, nếu vùng da quấn tã ở bé bị kích ứng, nổi đỏ thì có thể đó là triệu chứng của hăm.

Hăm nhẹ là mảng da đỏ xuất hiện ở một vùng nhỏ, hăm nặng hơn là những vệt đỏ lan tới cả bụng và đùi. Cha mẹ cũng không nên quá lo vì hăm tã là dấu hiệu thường gặp ở bé, nhất là trong năm đầu đời.

Cơ chế gây hăm

Hăm có thể do thức ăn hoặc nước tiểu ở bé… Có những nguyên nhân gây hăm tã như sau:

1. Ẩm ướt: Vùng da quấn tã luôn bị ẩm bởi kem dưỡng, cộng thêm nước tiểu và vi khuẩn từ phân khiến làn da bị kích ứng. Cho dù mẹ có chăm thay tã thì chứng hăm vẫn phát triển do làn da của bé khá nhạy cảm.

2. Nhạy cảm với hóa chất hoặc do bị kích ứng: Hăm có thể là kết quả khi hai vùng da cọ sát vào nhau (vùng da có nếp gấp), đặc biệt là khi da bị tiếp xúc với hóa mỹ phẩm.

3. Thức ăn mới: Khá nhiều bé bị hăm lần đầu khi bước vào tuổi ăn dặm hoặc khi thử một món mới. Thức ăn mới làm thay đổi tính chất của phân, có thể làm tăng tần suất đi tiêu. Nếu bú mẹ hoàn toàn, làn da của bé cũng có thể phản ứng với thức ăn từ mẹ.

4. Nhiễm khuẩn: Vùng quấn tã thường là vùng da ẩm và nhạy cảm – tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây nên chứng hăm.

Ngoài ra, nhóm bé dùng kháng sinh cũng có thể bị hăm, do thuốc làm yếu các loại vi khuẩn có lợi (cùng với việc tiêu diệt vi khuẩn có hại). Kháng sinh cũng góp phần làm gia tăng tiêu chảy, khiến hăm tã nở rộ.

Điều trị

Giữ cho bé luôn sạch sẽ và khô ráo bằng cách thay tã thường xuyên, kể cả vào ban đêm. Vệ sinh kỹ vùng da bị hăm mỗi lần thay tã. Nên quấn tã hơi lỏng tay hoặc dùng tã rộng hơn một chút để không khí tuần hoàn tốt ở vùng da bị quấn tã. Có thể dùng tã vải cho bé thường xuyên hơn.

Nếu thời tiết ấm áp, có thể cho bé ra ngoài chơi hoặc đặt bé nằm chơi trong phòng sạch, bạn nên cởi tã cho bé. Không khí trong lành sẽ làm dịu vùng da bị hăm. Có thể cho bé ngủ mà không cần quấn tã, trải một tấm nilon mỏng phía dưới chỗ bé nằm để tránh cho đệm bị bẩn.

Dấu hiệu nên đi khám

Phần lớn các trường hợp hăm tã ở bé là bình thường, không cần đi khám. Nếu biết chăm sóc, bé có thể vượt qua khó chịu trong vài ngày mà không cần sự điều trị từ bác sĩ.

Nên đưa bé đi khám nếu vùng da hăm có dấu hiệu bị nhiễm trùng (bị đau, ra mủ vàng, phồng da nghiêm trọng). Với vùng da hăm bị nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định cho bé dùng kem bôi chống nấm. Cũng nên đưa bé đi khám nếu bé bị sốt hoặc vùng da hăm ngày càng nặng khi điều trị tại nhà.

Cách phòng tránh

- Phương pháp tốt nhất tránh hăm là giữ vùng da mông của bé luôn khô ráo; vì thế, bạn nên thay tã cho bé thường xuyên, ngay khi bé bị ướt hoặc đi tiêu.

- Vệ sinh kỹ vùng kín cho bé mỗi lần thay tã, nên lau rửa nhẹ, tránh chà xát.

- Lưu ý khi dùng phấn rôm vì bụi từ phấn rôm có thể ảnh hưởng đến phổi của bé. Nếu muốn dùng phấn rôm cho bé, bạn nên chọn loại an toàn. Khi lắc hộp phấn rôm, bạn nên giữ nó ở xa chỗ của bé, tránh lắc hộp phấn rôm ngay cạnh chỗ bé nằm (ngồi). Dùng phấn rôm đã được thoa lên tay mẹ để xoa lên vùng quấn tã cho bé. Chú ý những vùng da gấp vì phấn rôm dễ bị tích tụ ở những chỗ này.

- Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bú mẹ giúp bé tránh khỏi viêm nhiễm, hạn chế khả năng phải dùng kháng sinh – yếu tố gia tăng hăm tã.

Theo Mẹ và bé

Chia sẻ