Điên đầu vì của hồi môn cho con khi vàng tăng giá

ThuyA,
Chia sẻ

Trong lúc đang chưa biết xoay sở thế nào, bà Thanh được người hàng xóm mách cho cách đi thuê trang sức, mất chút tiền thuê nhưng thứ gì cũng có.

Mùa cưới – mùa của đôi lứa yêu nhau được nên duyên vợ chồng. Những cô gái hồi hộp chuẩn bị cho ngày lên xe hoa, ai cũng muốn mình là cô dâu đẹp nhất, lộng lẫy nhất, và điều khiến họ được “nở mày nở mặt” trước bạn bè và quan khách không gì khác chính là “của hồi môn”. Không chỉ mang ý nghĩa đơn giản là chút vốn liếng nhỏ cha mẹ cô dâu tặng cho con gái khi về nhà chồng, mà ngày nay, khi cuộc sống vật chất càng đầy đủ, những đòi hỏi về giá trị của hồi môn cũng tỷ lệ thuận theo.
 

Bà Thanh (Long Biên, Hà Nội) đang đau đầu suy nghĩ khi gần đến ngày cưới của cô con gái út mà vẫn chưa kiếm đâu ra tiền đủ mua cây vàng “làm quà” cho con. Tích cóp mấy năm từ việc bán quà sáng, bà Thanh có được hơn 20 triệu những tưởng đủ mua, ai ngờ giá vàng ngày càng tăng cao đến chóng mặt. Chẳng lẽ đi mua vài chỉ vàng thì sợ làm xấu mặt gia đình và cô con gái sắp làm cô dâu. Trong lúc đang chưa biết xoay sở thế nào, bà Thanh được người hàng xóm mách cho cách đi thuê trang sức, mất chút tiền thuê nhưng thứ gì cũng có.

Buồn ngủ vớ được chiếu manh, bà Thanh cám ơn rối rít rồi về nhà bàn với con gái. Ngay ngày hôm đó, Lan - cô con gái út đèo mẹ xuống cửa hàng cầm đồ dưới Thanh Xuân. Chủ cửa hàng này vốn là bạn của bà Thanh. Tưởng thủ tục khó khăn, ai ngờ khi mẹ con bà nói lý do phải đi thuê của hồi môn thì bà Hồng (chủ cửa hàng) đã xởi lởi: “Bà không phải lo, bây giờ nhiều người cũng làm vậy, ở đây thứ gì cũng có, khách mang đến cầm nhưng chưa đến hạn lấy thì bà cứ thuê thoải mái”. Sau khi chọn được một cái kiềng vàng, lắc vàng và đặt sổ đỏ làm tin, hai mẹ con yên tâm vì đã giải quyết xong một chuyện không nhỏ.

Ngày cưới, Lan rạng rỡ trong chiếc soirée trắng muốt, cô sung sướng khi bạn bè trầm trồ ghen tỵ với những món đồ đắt tiền đang đeo trên mình. Bà Thanh cũng mát mặt với họ nhà trai khi được tiếng là có của ăn của để cho con về nhà chồng.
 

Thở phào vì đã thuê được chút vốn liếng cho con, bà Thanh thấy mình còn may mắn hơn nhiều gia đình phải đi vay đi mượn mua của hồi môn cho con, đám cưới xong lại còng lưng trả nợ. Bà nghĩ bụng, sau này có thêm được đồng nào cho con cũng chưa muộn.

Của hồi môn: Giá trị nằm ở đâu?

Đây là câu chuyện rất chạnh lòng của nhiều gia đình có con gái đến tuổi xây dựng gia đình. Nhiều người cho rằng của hồi môn chính là giá trị vật chất để con mình không bị gia đình chồng coi thường và chê bai. Hơn nữa, của hồi môn to hay nhỏ cũng là dịp để gia đình nhà gái chứng tỏ với thiên hạ sự sung túc, đầy đủ của mình. Hiện nay, còn có tình trạng chạy đua về của hồi môn, cố gắng đi vay, đi mượn mua cho con thứ này thứ khác để không bị thua kém ai.

Việc làm này đã vô tình bóp méo giá trị cao đẹp của “của hồi môn”. Trong xã hội phong kiến, chỉ những gia đình giàu có mới có tiền, vàng cho con đi lấy chồng. Còn ở những nhà nghèo, của hồi môn có khi chỉ là những vật dụng có giá trị truyền thống của gia đình như quyển sách với nhiều công thức nấu ăn, hay những bài thuốc quý của tổ tiên được mẹ truyền lại cho con gái.
 

Trải qua thời gian, ngày nay của hồi môn được hiểu chung là một chút vốn liếng cho con gái đi lấy chồng, thể hiện sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ dành cho con gái khi sắp bước vào cuộc sống hôn nhân còn nhiều khó khăn thử thách.

“Của hồi môn” lớn nhất của mỗi cô gái chính là đức hạnh, là sự khéo léo, đoan trang, biết chăm lo vun vén cho cuộc sống mới chứ không phải giá trị vật chất họ đem về nhà chồng trong ngày vu quy.

Chia sẻ