Điểm danh 10 món đồ hấp dẫn với trẻ nhưng cực nguy hại

Thủy Linh,
Chia sẻ

Những đồ chơi yêu thích của trẻ có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn đuối nước, tổn thương mắt, chấn thương cột sống… ở trẻ.

Trước nguy cơ có tới 2,7 triệu trẻ em Mỹ phải nhập viện cấp cứu bởi chấn thương do đồ chơi gây ra trong mùa hè này, một tổ chức phi chính phủ có tên Thế giới chống lại đồ chơi gây hại (World Against Toys Causing Harm – W.A.T.C.H.) đã công bố một bản danh sách liệt kê 10 loại hình giải trí “tồi tệ nhất” có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng cho trẻ nhỏ trong báo cáo thường niên của mình tại một cuộc hội thảo ở Trung tâm Trẻ em Franciscan, Boston. 

Phát biểu tại buổi hội thảo nói trên, W.A.T.C.H. cho biết thời tiết thuận lợi và kỳ nghỉ hè dài ngày cho phép trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời nhưng chính những hoạt động đó có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra chấn thương cho trẻ. 

W.A.T.C.H. hy vọng bản thống kê đó có thể giúp nâng cao nhận thức của mọi người về các sản phẩm nguy hại trong khi được thiết kế riêng cho trẻ nhỏ. Bản báo cáo của W.A.T.C.H. cũng kèm theo lời lý giải vì sao từng loại đồ chơi có mặt trong danh sách này. 

1. Súng đồ chơi
 
Súng đồ chơi
 
“Súng, mũi tên và cung tên giả, cùng các loại đồ chơi “nhắm trúng mục tiêu” khác có thể biến cuộc vui ngày hè của trẻ thành mối nguy hại khôn lường một khi mắt bị bắn trúng”.

Theo Tiến sỹ Mark Waltzman – chuyên gia cấp cứu nhi khoa của Bệnh viện nhi Boston, đống thời là Giáo sư dự khuyết chuyên ngành nhi khoa thuộc trường Đại học Harvard, “Không may là rất ít người lường trước được những chấn thương nghiêm trọng do súng đồ chơi gây ra, đặc biệt là ở vùng mắt”.

Loại chấn thương này gây xước giác mạc, khiến nạn nhân rất đau đớn. Vết thương thậm chí có thể bị nhiễm trùng hay viêm loét. Waltzman cho biết thêm, “Súng hơi thì nguy hiểm hơn. Tôi đã từng chứng kiến nhiều đứa trẻ bị mù vì chơi súng. Tôi cũng từng thấy một đứa trẻ hơi gầy bị đạn xuyên qua ổ bụng và phải vào ngay phòng phẫu thuật”. Trước đó, nạn nhân bị em ruột chĩa súng vào bụng và bắn. 

Phụ huynh nhất thiết phải đọc các chỉ dẫn an toàn khi cho trẻ chơi súng, cho trẻ đeo kính chuyên dụng bảo vệ mắt, và bố hoặc mẹ nên là người giám sát trẻ.

2. Đồ chơi trên không (máy bay điều khiển từ xa, boomerang…)

Súng đồ chơi
 
“Trẻ nhỏ ở mọi lứa tuổi đều bị các loại đồ chơi biết bay hấp dẫn, nhưng đồng thời trẻ chưa thể nhận thức được các mối nguy hại tiềm ẩn. Một khi đầu hoặc mặt của trẻ bị loại đồ chơi này đập vào, trẻ có thể bị chấn thương nghiêm trọng”.

Góc cạnh sắc nhọn trên máy bay đồ chơi có thể gây nguy hiểm nếu chúng va đập vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của trẻ, nhưng nguy hiểm nhất là vùng đầu. Trẻ cần được người lớn giám sát khi chơi bất kỳ loại đồ chơi trên không nào.

3. Xe thăng bằng dạng ván trượt hoverboard

Xe thăng bằng
 
“Ngoài nguy cơ bị bỏng vì lửa, hoverboard cũng có thể gây ra chấn thương khi người dùng đang đi trên xe”. Xe tự cân bằng hoverboard - một trong những món đồ chơi ngoài trời nổi tiếng nhất năm nay, đã được hàng loạt các trang báo đưa tin về nguy cơ bắn ra tia lửa. Trong khi nhiều nhà bán lẻ, hãng hàng không và trường học đã cấm sản phẩm này lưu hành trước đó, hoverboard vẫn xuất hiện trên thị trường và du nhập vào Việt Nam bất chấp các cảnh báo nguy hiểm. 

Waltzman cho biết, “Tôi từng tiếp nhận bốn ca trẻ bị chấn thương do chơi hoverboard chỉ trong 4 giờ, hai ca gãy tay, một ca gãy chân và một ca bất tỉnh”.

4. Bể bơi mini và xô nước

Bể bơi mini

Theo khuyến cáo của W.A.T.C.H., bể bơi mini, xô đựng nước, thậm chí đài phun nước cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ nhỏ bị tai nạn đuối nước bởi trẻ có thể bị ngụp chỉ với 5cm nước. 

Waltzman cho biết:“Tôi đã điều trị cho nhiều trẻ nhỏ bị đuối nước trong các bể bơi. Và một trẻ thậm chí còn cúi đầu vào một xô không quá đầy nước mà không thể thoát ra khi bố mẹ đang rửa xe. Quan trọng là nếu có bất kỳ nước ở đâu đó ngoài trời hay trong nhà, bạn nhất định phải để mắt đến trẻ và không được lơ là dù chỉ trong chốc lát. Với trẻ trên dưới 1 tuổi, chỉ cần 90 giây ngừng thở cũng có thể khiến oxy trong não sụt giảm”.

5. Phao bơi tay và thuyền phao

Phao bơi
 
"Các thiết bị giúp trẻ nổi trên mặt nước như phao bơi tay hay phao bơi thường, có thể đánh lừa cảm giác khiến mọi người cho rằng chúng có thể bảo vệ trẻ an toàn khi ở dưới nước”. Tuy nhiên, các thiết bị này không hề an toàn như nhận thức của nhiều người và không thể giúp bố mẹ “giám sát” trẻ.

Hơn nữa, các thiết bị lớn hơn như thuyền phao có thể cản trở tầm nhìn của trẻ khi trẻ gặp tình huống nguy hiểm. 

6. Mái che bể bơi
 
 
“Các khe hở và chỗ trũng chứa nước ở mái che bể bơi tiềm ẩn đầy nguy cơ gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ”.

Từ năm 2010 đến 2012, trung bình 26 trẻ bị đuối nước ở bể bơi trong tuần lễ Quốc khánh của Mỹ. Tiến sỹ Woodward cho biết trẻ vị thành niên có thể lén đi bơi ở bể bơi vào buổi tối và che một nửa bể bơi, nhưng trời tối khiến trẻ lúng túng và mất phương hướng nên khó có thể thoát ra khi gặp tình huống xấu ở dưới nước. 

Mái che cần được khóa lại, bể bơi có rào chắn cao và được chiếu sáng sẽ giúp bố mẹ ngăn chặn trẻ lại gần bể bơi khi chưa được cho phép.

7. Nhà hơi và bạt lò xo
 
 
“Bạt lò xo dù khá quen thuộc với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên nhưng cũng có thể gây các chấn thương nghiêm trọng bao gồm rạn xương, chấn thương cột sống cổ và liệt”.

Tiến sỹ Woodward đã gặp nhiều trường hợp chấn thương do nhảy bạt lò xo ở trẻ nhỏ – như gãy xương, bất tỉnh và nhiều chấn thương cổ và lưng nghiêm trọng khác. Trẻ thường nhảy theo nhóm và đứa trẻ nhỏ tuổi nhất sẽ dễ bị tổn thương nhất một khi bị quăng quật hay va vào trẻ lớn hơn.

Chỉ cho phép trẻ cùng độ tuổi chơi bạt lò xo cùng nhau, nhưng tốt hơn hết là cho trẻ thay phiên nhau nhảy. Nếu quá yêu thích hoạt động này, trẻ nên được huấn luyện bài bản để phòng tránh các chấn thương đầu, cổ và cột sống. 

Nhà hơi là nguyên nhân dẫn đến 113.272 ca chấn thương ở Mỹ trong 10 năm từ 2003 đến 2013, trong đó có 12 ca được báo cáo tử vong.

8. Xe trượt scooter

Xe scooter
 
“Với loại đồ chơi có bánh xe, không bao giờ cho phép trẻ chơi đùa gần đường giao thông và luôn trang bị cho trẻ đồ bảo hộ phù hợp, như mũ bảo hiểm và miếng lót bảo vệ đầu gối, khuỷu tay”.

Theo thống kê của W.A.T.C.H., xe trượt scooter dẫn đến nhiều ca chấn thương liên quan đến đồ chơi nhất. Trong năm 2014, xấp xỉ 56.000 ca trẻ bị chấn thương do chơi xe scooter phải cấp cứu. 

Mũ bảo hiểm phù hợp và sự giám sát của người lớn có thể giảm đáng kể số ca chấn thương và trẻ không bao giờ nên đi xe gần khu vực giao thông.

9. Dây giải rút

“Dây giải rút, điển hình là ở cổ áo và cạp quần của trẻ, có thể bị vướng vào các vật dụng khác khiến trẻ bị nghẹt thở hoặc thậm chí là tử vong”. Dây thắt mũ bảo hiểm cũng cần được chú ý.

10. Đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ
 
 
“Đó là mối nguy cơ hết sức nghiêm trọng nhưng bố mẹ khó có thể nhận biết khi mua”. Chi tiết nhỏ từ đồ chơi có thể khiến trẻ nghẹt thở. W.A.T.C.H. cho biết nhiều sản phẩm đồ chơi cho trẻ nhỏ tiếp tục bị thu hồi vì có nhiều chi tiết nhỏ nguy hiểm.
 
Nguồn: Tổng hợp
Chia sẻ