Điếc bẩm sinh: Dễ nhầm là trẻ ngoan!

,
Chia sẻ

Trẻ ít giật mình trước tiếng động lớn, ngủ ngoan, chơi ngoan... có thể là dấu hiệu thính lực trẻ có vấn đề. Và việc can thiệp kịp thời hoàn toàn có thể giúp trẻ nghe - nói bình thường.

Buồn vui 2 người mẹ

Sáng 6/7, dưới cái nắng gay gắt của thời tiết Hà Nội, lượng bệnh nhi đến khám tại khoa Thính học & Thăm dò chức năng - viện Tai mũi họng TƯ vẫn rất đông, chiếm 40% tổng số bệnh nhân khám trong ngày.

28 tháng tuổi, bé Tuấn (Cư Rút - Đắk Nông) vẫn chưa bập bẹ được từ nào. Bé được chẩn đoán bị điếc bẩm sinh mức sâu, dẫn đến câm. “Thời gian đầu, tôi thấy cháu ít phản ứng với tiếng ồn thì cho rằng cháu ngoan giống hai chị nên cũng không để ý. Đến khi cháu 17 tháng, tình trạng vẫn không khá hơn. Để thử sức nghe của cháu tôi lấy nắp xoong đập vào nhau cháu cũng không phản ứng gì. Chắc tại lúc có thai 2 tháng, tôi bị sởi dẫn đến di chứng này, lại thêm thiếu hiểu biết không phát hiện, cho con đi khám sớm nên cháu bệnh nặng mức độ này”, chị Nương tâm sự.

Do không nghe được, trẻ bị cô lập dẫn đến hay cáu gắt. Bé Tuấn (con chị Nương)
 tỏ ra khó chịu khi người lạ bắt chuyện (Ảnh: Thu Hà)

Không bị sởi ở thời kỳ có bầu như chị Nương, nhưng chị Thủy (Hoài Đức - Hà Nội) lại sinh non ở tháng thứ 7, con chị ra đời với cân nặng chưa đầy 1,3kg. “Sức khỏe cháu không tốt nên tôi thường xuyên theo dõi biểu hiện của cháu. Khi thấy con không có phản xạ giật mình khi ngủ, dù bên cạnh có tiếng động lớn, tới lúc 6 tháng tuổi cháu vẫn chưa biết ngoái đầu về phía có âm thanh thì tôi biết tai con có vấn đề. Cũng may, cháu được khám và can thiệp sớm nên giờ cũng bập bẹ được vài từ nhưng phát âm vẫn còn ngọng, chưa rõ lắm”, chị Thủy nói.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng khoa Thính học & Phục hồi chức năng viện Tai Mũi Họng TƯ, BS Lê Thị Lan cho biết: "Ngay khi sinh ra, nếu trẻ bị điếc sẽ không tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh, hậu quả là không biết nói và bị câm. Nếu được phát hiện sớm (trước 6 tháng tuổi) và can thiệp kịp thời, trẻ hoàn toàn có khả năng nghe, nói bình thường. Như trường hợp con chị Thủy, do bệnh chỉ ở mức trung bình lại được phát hiện trước 6 tháng tuổi và can thiệp kịp thời nên khả năng nghe, nói của cháu gần như bình thường chỉ sau 2-3 năm điều trị".

Những dấu hiệu nhận biết

Theo bác sĩ Lan, việc phát hiện trẻ bị điếc không quá dễ. Ngoài những dị hình có thể nhìn thấy ở vành tai hay ống tai ngoài, cần hết sức lưu ý đối với trẻ bị viêm mũi - họng, đau hoặc viêm tai... thì với những trẻ không có các dấu hiệu trên cha mẹ cần lưu ý các biểu hiện khác.

Cụ thể, đối với trẻ từ 4 tháng đến 2 tuổi (thường là điếc bẩm sinh) có các biểu hiện sau: trẻ dường như không chú ý, không vâng lời do không hiểu hoặc hiểu không rõ những gì người khác nói; Phát triển mạnh thứ ngôn ngữ bằng nét mặt và điệu bộ (nếu như trẻ hiếu động, thông minh và có nhu cầu giao tiếp); một số trẻ trở nên hung dữ, hay cáu gắt hoặc tính khí khác thường do trẻ thấy cô độc, thấy khó khăn trong việc hiểu người khác và làm cho người xung quanh hiểu mình… là những dấu hiệu điển hình cho thấy thính lực của trẻ có vấn đề.

Nếu trẻ bị điếc do các nguyên nhân bệnh tật (viêm não, viêm tai…) thì các biểu hiện thường là: Trẻ chậm nói, ít nói, diễn đạt khó khăn, phát âm sai, dẫn đến học kém, thiếu vâng lời... do chỉ tiếp nhận một phần nhỏ lời giảng của giáo viên.

Do điếc ảnh hưởng rất nặng nề đến chức năng giao tiếp xã hội, trẻ bị ngăn cách với bên ngoài, dẫn đến trẻ bị cô lập, gây rối loạn tâm lý; một số trẻ có sự rối loạn về tính tình do bị quở trách, trêu chọc... vì thế các bậc cha mẹ cần lưu ý quan sát kỹ những biểu hiện của con mình. Cần đưa đi khám ngay, nếu trẻ dửng dưng khi được gọi, hoặc không có phản xạ trước những tiếng động lớn và gần.

Theo Thu Hà
Dân Trí

Chia sẻ