Dịch ở mức "rất nghiêm trọng", nhiều nước châu Âu bắt buộc người dân đeo khẩu trang y tế

Trang Phan,
Chia sẻ

Đối mặt với dịch COVID-19 ở mức nghiêm trọng, nhiều nước châu Âu đã bắt buộc người dân sử dụng khẩu trang y tế, thay vì khẩu trang vải thông thường hoặc khẩu trang tự chế.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến xấu đi ở những khu vực có nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2. Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu cho biết đã quyết định đưa ra báo động màu đỏ sẫm, mức "rất nghiêm trọng" trên thang cảnh báo rủi ro, đối với nhiều khu vực. Hiện hầu hết quốc gia châu Âu đang ở mức màu đỏ, mức nghiêm trọng.

Ngày 19/1, Đức đã đưa ra quy định bắt buộc tất cả người dân phải đeo khẩu trang y tế FFP1 (loại dùng một lần trong phẫu thuật) hoặc FFP2 (có khả năng lọc bảo vệ cao) khi tham gia giao thông công cộng, tại nơi làm việc và trong các cửa hàng. Vùng Bavaria của Đức thậm chí còn đưa ra một biện pháp nghiêm ngặt hơn, đó là đeo mặt nạ phòng độc N95 cấp phẫu thuật, lọc 95% các hạt không khí, trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.

Dịch ở mức rất nghiêm trọng, nhiều nước châu Âu bắt buộc người dân đeo khẩu trang y tế - Ảnh 1.

Nhiều nước châu Âu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang y tế. (Ảnh: AP)

Ngay sau Đức, Chính phủ Pháp cũng đã yêu cầu công dân phải đeo những loại khẩu trang FFP1, FFP2, hoặc khẩu trang vải phải có chứng nhận thông số kỹ thuật "Loại 1", tức là chặn được hơn 90% các hạt ở những nơi công cộng.

Áo sẽ đưa ra quy định bắt buộc sử dụng khẩu trang FFP2 trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cửa hàng từ ngày 25/1.

Theo các chuyên gia, khẩu trang vải dễ bị virus xâm nhập hơn. Hiệu quả của chúng phụ thuộc vào số lượng lớp vải và loại vải được sử dụng. Trên thực tế, ở châu Âu, hầu hết không có bất kỳ loại xếp hạng an toàn nào cho khẩu trang vải. Có bằng chứng cho thấy, khẩu trang vải không ngăn chặn được các giọt hô hấp do người đeo phát ra, trong khi khẩu trang y tế như FFP hay N95 có thể lọc ít nhất 94% các hạt ở cả 2 chiều không khí đi ra và đi vào.

Chia sẻ