Dịch bệnh mùa hè phức tạp, phụ huynh tấp nập đưa con nhập viện

Nhã Đan, ảnh: Lê Bảo,
Chia sẻ

Theo Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi, tay chân miệng, thủy đậu... có nguy cơ gia tăng mạnh vào mùa hè này.

Theo Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện tại tình hình dịch bệnh tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng diễn biến khá phức tạp. Tiến sĩ nhận định, có nhiều bệnh như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm não vi rút… có nguy cơ gia tăng mạnh vào mùa hè này, thậm chí bùng phát thành dịch. 

Nhiều dịch bệnh cùng lúc xuất hiện, phụ huynh đứng ngồi không yên

Dù không muốn song chị Thùy Nhi (Khâm Thiên, Hà Nội) vẫn phải đưa bé Bi (18 tháng) vào viện Bạch Mai để khám bệnh. Chị chia sẻ: “Bé nhà mình mới tiêm một mũi phòng sởi nên tôi rất ngại đưa con vào viện thời điểm này. Song những dấu hiệu gần đây ở Bi khiến tôi vô cùng lo lắng. Từ tối hôm kia, Bi bị sốt nhẹ, tôi cứ nghĩ con mọc răng nên không để ý, nhưng tới hôm qua, khắp người bé nổi mụn khiến tôi đứng ngồi không yên. Đưa con vào viện, tôi mới biết con bị thủy đậu”. 

Ghi nhận tại các bệnh viện Nhi Trung Ương, tại bệnh viện Bạch Mai,... nhiều trẻ nhập viện vì mắc bệnh chân tay miệng. Chị Bích Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) mấy ngày nay đều nghỉ làm ở nhà trông con, chị tâm sự: “Cả hai ngày hôm nay, bé nhà mình bị sốt cao liên tục, từ 38-39°C, bé không ăn gì, ho sù sụ, họng kêu đau. Mình để ý thì thấy trong miệng con có nhiều vết loét, chân có nốt. Đưa con đi khám, mình mới biết con bị tay chân miệng”.

Dịch bệnh mùa hè phức tạp, phụ huynh tấp nập đưa con nhập viện 1
Trong đợt vừa rồi, nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm phòng

Theo Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tính tới ngày 7/5/2014, trên cả nước ghi nhận thêm 49 trường hợp mắc sởi. Từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận hơn 4.000 trường hợp mắc sởi. Trong khi nhiều dịch bệnh có nguy cơ cao bùng phát vào mùa hè thì dịch sởi sau 4 tháng hoành hành dù đã giảm nhưng vẫn còn "nóng" tại các bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới… vẫn còn nhiều ca mắc sởi biến chứng nặng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo sởi trong bệnh viện, hiện nay, bệnh viện Bạch Mai đã lập hẳn một khu cách ly để điều trị cho bệnh nhân sởi. Cụ thể, bệnh viện Bạch Mai đã quyết định lập thêm một khu cách ly tại khoa Da liễu để điều trị cho bệnh nhi mắc sởi. 

Đối với thủy đậu, trung bình hàng năm, số ca mắc thủy đậu khoảng 30.000-40.000 trường hợp, bệnh thường nhẹ và hầu như không có trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm 2014 tới nay, cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc thủy đậu. 

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phu cũng cho biết, bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu diễn biến phức tạp cũng là do thói quen của mọi người. Muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết còn được gọi là muỗi nhà mua, chúng sinh nở ở môi trường nước trong như: chậu nước, lọ hoa, lon bia đựng nước mưa… Hiện bệnh chưa hề có vắc xin phòng bệnh, có tới 4 tuýp, dù trẻ đã mắc 1 tuýp nhưng vẫn có khả năng mắc những tuýp khác. Một khi mắc 2 tuýp cùng một lúc thì bệnh sẽ chuyển biến nặng. 

Dịch bệnh mùa hè phức tạp, phụ huynh tấp nập đưa con nhập viện 2
Bên cạnh sởi, nhiều bệnh khác có khả năng bùng phát thành dịch

Theo ông Trần Đắc Phu, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Một số bệnh dịch nguy hiểm và bệnh mới nổi có nguy cơ bùng phát. Đến nay cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong; 7931 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 người tử vong.

"Phòng hơn chữa bệnh"

Đó là lời Tiến sĩ Phu nhắc đi nhắc lại để cảnh báo bậc phụ huynh trong việc chăm sóc con. Tiến sĩ Phu khuyến cáo, để phòng ngừa sự lan rộng của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu và một số dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng, người dân cần thực hiện tốt những việc sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần (cả người lớn và trẻ nhỏ), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho bé ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

Dịch bệnh mùa hè phức tạp, phụ huynh tấp nập đưa con nhập viện 3
Tiến sĩ Phu chia sẻ, phụ huynh nên vệ sinh thật cẩn thận cơ thể, tay chân trẻ

Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống cần đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, vật dụng ăn uống khi chưa được khử trùng. 

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa…

Quản lý nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được xử lý hợp vệ sinh. 

Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe trẻ thường xuyên, kịp thời cách ly, điều trị những trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ khác. Nếu trẻ có những biểu hiện lạ, cần đưa bé tới những trung tâm y tế gần nhất để thăm khám.
Chia sẻ