Dị ứng với băng vệ sinh

,
Chia sẻ

Một số người có cơ địa dị ứng dễ bị dị ứng với những thành phần cấu tạo của băng vệ sinh, các loại chất tạo mùi thơm nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới "vùng kín".

Dạng dị ứng do cơ địa như thế này thường sẽ được phát hiện ngay từ giai đoạn dậy thì (bắt đầu làm quen với băng vệ sinh), hoặc lúc mới chuyển sang sử dụng một loại băng vệ sinh và dị ứng với một thành phần của loại băng này.

Nguyên nhân dị ứng thứ hai có thể là do sử dụng băng vệ sinh không đúng cách, ví dụ: Thời gian thay băng không đúng, sử dụng quá 6 – 8 tiếng cho mỗi lần thay. Những trường hợp dị ứng vì nguyên nhân này, triệu chứng dị ứng có thể sẽ không xuất hiện ngay từ lần đầu tiên sử dụng băng vệ sinh mà một thời gian sau mới xuất hiện.

Ngoài ra, cũng có thể do bản thân người tiêu dùng sử dụng một số băng vệ sinh là hàng giả, kém chất lượng, không được vô trùng hoặc có chứa những chất  gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Hậu quả khi xử lý không đúng

Không ít người khi bị ngứa không chịu được đã dùng tay gãi làm trầy xước “khu vực tam giác”, khiến vùng da này bị tổn thương, nhiễm trùng.

Tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi khi  bị nổi ngứa, đỏ: Việc làm này sẽ khiến cho vùng bị dị ứng càng bị nặng hơn.

Dấu hiệu nhận biết:

- Biểu hiện đầu tiên thường thấy nhất khi bị dị ứng băng vệ sinh là sau khi trải qua kỳ kinh nguyệt, vùng âm đạo bị nổi mẩn ngứa, rát.

- Một số người còn có dấu hiệu bị sưng đỏ

- Có thể xuất hiện mụn nhỏ lấm tấm và độ ngứa cao.

- Nếu bị nặng hơn, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt, khó thở, tức ngực. Một số trường hợp hiếm gặp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong là do ngộ độ, sốc phản vệ.

Xử lý đúng

Trong trường hợp nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bị dị ứng thì nên tìm đến bác sĩ để được khám và điều trị sớm.
 
Thông thường, dấu hiệu sưng đỏ và nổi mẩn là dấu hiệu có ở hai loại bệnh phụ khoa là nhiễm nấm và dị ứng, vì vậy cần phải qua xét nghiệm mới có thể xác định là có bị dị ứng hay không, và đã có không ít người vì nhầm lẫn mà tự ý mua thuốc sử dụng làm cho tình trạng càng nặng hơn.
 
Vì vậy, cần hạn chế tối đa việc tự ý dùng các loại thuốc bôi hay dung dịch rửa mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu đã từng bị dị ứng thì tốt nhất nên dùng các loại băng vệ sinh không có mùi thơm hoặc loại có chất liệu khác với chất liệu của loại đang sử dụng. Trường hợp đã thử sử dụng tất cả những loại băng vệ sinh này mà vẫn có dấu hiệu dị ứng thì nên nghĩ đến phương án sử dụng Mooncup (cốc nguyệt san dạng phễu) hay khăn vải thay thế băng vệ sinh - Cả 2 loại này đều không có hoá chất nên ít gây dị ứng.

Phòng tránh

Nên giữ vệ sinh vùng kín: Vệ sinh sạch sẽ bằng nước sạch, sau đó lau khô, tránh để ẩm ướt.

Trong trường hợp phải dùng băng vệ sinh thì nên thay băng sau 4 tiếng, kể cả loại dùng ngày thường. Một số phụ nữ nghĩ rằng loại hằng ngày không có máu kinh thì không sao nên có thể kéo dài thời gian sử dụng. Việc làm này sẽ khiến vùng kín bị ẩm ướt và sinh nhiệt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển.

Nên sử dụng các loại băng vệ sinh đã được công nhận an toàn, có  tác dụng  thấm nhanh, hút nhanh cũng như có chọn lọc để phù hợp với làn da của khu vực nhạy cảm.

Với những người có cơ địa dễ bị dị ứng, cần thận trọng khi thay đổi loại băng vệ sinh thường dùng.

Nếu gia đình có trẻ mới dậy thì, mẹ nên để ý hướng dẫn cho bé sử dụng băng vệ sinh đúng cách. Trong trường hợp đã sử dụng một loại băng vệ sinh ổn định thì nên dùng loại đó để tránh xảy ra tình trạng dị ứng có thể xảy ra khi thay thế sản phẩm khác.

Sử dụng khăn vải thay băng vệ sinh

Trước khi có băng vệ sinh,  phụ nữ Việt Nam vẫn sẻ dụng khăn vải, còn gọi là khăn vệ sinh. Khăn vệ sinh không tiện như băng vệ sinh vì phải giặt, phơi khô sau khi sử dụng tuy nhiên, khăn vệ sinh không có hoá chất nên trường hợp dị ứng xảy ra hầu như không có. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng khăn vệ sinh:

Khăn vệ sinh cũng cần thay giặt 2 – 3 lần/ngày.

+ Khăn vệ sinh có thể sử dụng nhiều lần vẫn tốt, chỉ cần lưu ý là phải giặt sạch, phơi nắng và giữ trong điều kiện khô ráo, sạch sẽ.

+ Nên giặt trong chậu riêng.

+ Lựa chọn loại vải màn trắng, mềm, dễ hút nước, mau khô và dễ giặt sạch.
+ Khi sử dụng, gấp khăn thành kích cỡ vừa đủ, có thể dùng kim băng cố định ở hai đầu băng.
 
Theo Mẹ Yêu Bé

Chia sẻ