Đi tìm chỗ đứng cho bữa cơm gia đình

,
Chia sẻ

Bữa cơm gia đình, điều nghe qua tưởng nhỏ bé và giản dị nhưng lại có tác động rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ

Hiếm hoi những bữa cơm quây quần

Chị Hòa, trưởng phòng PR của một tập đoàn tầm cỡ, cả ngày xoay chong chóng trước cả núi công việc và lịch tiếp khách kín mít còn anh Thành, chồng chị, là Giám đốc marketing của một công ty liên doanh với lịch làm việc “không có chỗ thở” từ sáng sớm đến tối muộn, nhiều khi đêm đã về khuya mới thấy tiếng xe vội vã đỗ xịch ở cổng.

Con của anh chị, đứa học lớp 3, đứa vào lớp 6, đều được giao khoán cho cô giúp việc đã ngoài 50 tuổi, không gia đình, không con cái. Từ việc cơm nước, đưa đón đến học hành của hai đứa trẻ đều trông cả vào osin. Hàng tuần, chị chỉ cần đưa tiền cho cô giúp việc lo chuyện cơm nước học hành cho các con. Chỉ cần có thế, chị lại tung tẩy đến cơ quan hay đến quán café đã hẹn trước với đồng nghiệp. 

Tối mắt với cả núi công việc, nào là tiếp khách, ký hợp đồng, dự tiệc chiêu đãi…, thời gian gia đình anh chị cùng nhau ngồi bên mâm cơm tối thật hiếm hoi. Có ai nhắc khéo thì chị buông thõng: “Ôi dào, ăn uống chỉ là việc phụ. Đồ ăn ở đâu mà chả sẵn, việc gì phải tốn thời gian đến thế…”.
 
Chuyện của gia đình anh Thành không phải của hiếm giữa Hà Nội nhộn nhịp. Theo lối sống văn phòng, công sở, bữa trưa mạnh ai nấy ăn, bố mẹ ăn ở cơ quan với đồng nghiệp, con cái ăn bán trú ở trường theo suất đặt từ đầu tháng. Mỗi người một ngả.

Anh Thành dạo trước thỉnh thoảng còn về nhà sớm, nhưng mâm cơm tối cũng chỉ có mình anh với 2 đứa trẻ con. Thời gian gần đây, anh lại tiếp tục lao vào những buổi tiệc chiêu đãi và những bữa nhậu. Mâm cơm tại nhà anh hiện giờ thường chỉ còn hai đứa trẻ và… bà osin. 

Thời đại dần chuyển sang công nghiệp, ai cũng lao đầu vào công việc, mong khẳng định được vị trí xã hội của riêng mình. Rất nhiều gia đình có chồng hoặc vợ một tuần chỉ ăn cơm nhà một lần mỗi tuần. Lý do được mang ra để bao biện là “vì công việc”. Cũng vì cuộc sống hối hả, gấp gáp, họ sống theo phương châm “tiện”.

Bữa ăn gia đình cổ truyền dường như không thể tìm được chỗ đứng trong những gia đình như thế, thay vào đó là bữa ăn hiện đại với xu hướng đơn giản hóa bằng những bữa cơm hàng, thức mua sẵn. Lâu lâu vợ chồng con cái mới quây quần ăn cơm cùng nhau. Nhịp sống đô thị thực sự là áp lực đối sự mong manh của nhiều mái ấm không thể tìm được nguồn khơi ngọn lửa tình cảm gia đình ấm áp chính từ những bữa cơm quây quần giản dị. 
 
Đâu phải bữa cơm nào cũng được đầy đủ và đông vui. Ảnh minh họa
 
Không chỉ là bữa ăn 

Lý do bào chữa cho việc lơ đãng với những bữa cơm gia đình của những người phụ nữ hiện đại vô cùng đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là… thiếu thời gian. Việc phân bổ quỹ thời gian của mình cho những công việc nội trợ thường nhật xem ra còn quá xa xỉ. Các “nội tướng” đang dần giũ bỏ trọng trách giữ lửa gia đình với những đòi hỏi về sự bình đẳng, thăng tiến.

Cũng chính vì thế, các ông chồng chẳng mấy mặn mà với những bữa cơm nguội ngắt mà lao đầu vào những cuộc nhậu. Tàn cuộc, ấy là lúc cả vợ lẫn chồng thêm một lần cảm thấy chán ngán cuộc sống riêng trước khi tiếp tục trượt dài, xa dần hạnh phúc gia đình vì những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. 

Theo thống kê gần đây của các nhà xã hội học, tại các thành phố lớn, có tới 25 - 30% gia đình không đều đặn có bữa cơm đủ mặt các thành viên. Sự thiếu vắng chủ yếu rơi vào các thành viên trụ cột của gia đình. Bữa cơm thiếu các thành viên đã làm nguội lạnh các sinh hoạt khác trong gia đình. Việc chơi đùa với con, dạy con lối sống, hỏi han trò chuyện với con cái cũng vì thế mà bị sao nhãng dần.

Các chuyên gia này cũng cho rằng, bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình là luôn tạo được bầu không khí ấm cúng giữa các thành viên. Bữa cơm gia đình là yếu tố không nhỏ tạo ra điều kì diệu ấy, nhất là khi cả nhà cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ quanh mâm cơm gia đình.

Bữa cơm gia đình, điều nghe qua tưởng nhỏ bé và giản dị nhưng lại có tác động rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ. Đó là cách hiệu quả nhất, nhẹ nhàng nhất để tìm hiểu và nắm rõ được mong muốn, suy nghĩ của chúng. Chính từ những bữa ăn, trẻ được nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự tôn trọng đối với người khác. Cách ứng xử trong bàn ăn góp phần đáng kể giúp trẻ hình thành tính kỷ luật kiên nhẫn và tự giác. Dạy trẻ ăn uống “như thế nào” cũng quan trọng không kém như ăn “cái gì” để giúp chúng mạnh khỏe.

Có được thói quen dùng bữa đều đặn với cả bỗ lẫn mẹ khiến trẻ có được cảm giác an toàn, được bảo vệ và che chở. Khi đó, trẻ sẽ tránh được những biểu hiện lệch lạc về tâm lí, dễ dàng học tập, tham gia tốt các hoạt động xã hội và đó cũng là cơ sở bền vũng để trẻ theo đuổi các sở thích trong cuộc sống. Được tạo nền tảng tâm lí ổn định, trẻ có khả năng đương đầu với khó khăn trong học tập và trong cuộc sống tương lai.

Hải Anh

Chia sẻ