Em bé sinh ra với chiếc đuôi dài - dị tật dễ mắc và ở giai đoạn đầu mang thai, nhất là tuần thai thứ 5 và 6

Ocean,
Chia sẻ

Hình ảnh em bé sinh ra với chiếc đuôi dài đang xôn xao mạng xã hội những ngày gần đây. Đây là dị tật gì và mẹ bầu cần làm gì để phòng tránh?

Những dị tật bẩm sinh ở trẻ thường có muôn hình vạn dạng và hình ảnh em bé với một chiếc đuôi dài 16cm đang khiến cộng đồng mạng xôn xao những ngày này là một trong số đó. Bức ảnh em bé với chiếc đuôi dài mọc giữa hai mông, nối với phần xương cụt khiến nhiều người cảm thấy gai người và thương xót thực sự. Ngỡ tưởng là ảnh ghép, nhưng hóa ra đó lại là một trường hợp có thật.

em-be-sinh-ra-voi-cai-duoi-0-1

em-be-sinh-ra-voi-cai-duoi-0

Hình ảnh em bé với cái đuôi khiến nhiều người tưởng ảnh ghép, nhưng hóa ra lại là thật.

Đó là câu chuyện bắt đầu vào ngày 30/5, khi một bé gái sinh ra với cái đuôi dài 16cm ở quận Noakhali, Bangladesh. Theo lời các bác sĩ, đây là trường hợp mắc dị tật dạng này đầu tiên ở Bangladesh.

Bác sĩ phẫu thuật Nhi khoa Nazrul Islam Akash, hiện đang công tác tại Đại học Y Bangabandhu Sheikh Mujib (BSMMU) là người đã trực tiếp cắt bỏ thành công "cái đuôi" cho bé gái. Ca phẫu thuật được thực hiện vào ngày 13/6, tại bệnh viện Al-Karim General Hospital, Dhaka và khi bé gái được 14 ngày tuổi.

Được biết, bé gái là con thứ hai trong gia đình. Bố của cô bé là một người nước ngoài đến từ Ả Rập Saudi, và mẹ là một bà nội trợ hiện đang sống tại quận Noakhali.

em-be-sinh-ra-voi-cai-duoi-0-2

em-be-sinh-ra-voi-cai-duoi-0-3

em-be-sinh-ra-voi-cai-duoi-0-4

Hình ảnh phim chụp Xquang của bé gái.

Bác sĩ Nazrul Islam Akash chia sẻ: "Mức độ nguy hiểm của dị tật này không cao như mức độ hiếm gặp của nó. Đó là một cái đuôi nhưng không có dây thần kinh, xương và không được kết nối với tủy sống. Đuôi người có 2 loại: đuôi giả và đuôi thật. Đó là một cái đuôi thật (tương tự như một ngón tay thừa). Nó không khiến cơ thể gặp nguy hiểm".

Bác sĩ Akash cũng cho biết, ông đã cắt bỏ nó thành công bằng một cuộc phẫu thuật, sau khi chụp X-quang và làm các xét nghiệm cần thiết. Cũng theo lời bác sĩ, tại Bangladesh trước đấy chưa ghi nhận trường hợp tương tự, nhưng trên thế giới đã có khoảng 35-40 trường hợp. Cái đuôi dài nhất được biết đến là của một người đàn ông sống tại Ấn Độ, dài 33cm.

Nhiều trường hợp "có đuôi" kỳ lạ trên thế giới

Những trường hợp trẻ sinh ra với một cục thịt thừa có hình dạng cái đuôi như thế trên thế giới không phải là quá hiếm gặp.

Năm 2001, cậu bé Ấn Độ Arshid Ali Khan từng được mệnh danh là vị thần khỉ Hanuman vì sinh ra với một cái đuôi dài phía sau. Arshid phải sống trong một ngôi đền và cầu nguyện cho những ai tới viếng thăm. Những vị khách này thường để lại tiền mặt hoặc quà tặng như là một sự đền đáp cho cậu bé. Sau nhiều năm, "đuôi" của cậu bé phát triển dài lên 17cm, chiếc đuôi đã khiến cho chân và bàn chân cậu bé bị vẹo, việc đi lại trở nên khó khăn nếu không có sự trợ giúp.

cau-be-co-duoi-o-an-do-duoc-ton-sung-nhu-vi-than

Cậu bé mọc đuôi được tôn thờ như vị thần ở Ấn Độ.

Với sự giúp đỡ của các bác sĩ bệnh viện Fortis ở thành phố Mohali, sau ca phẫu thuật miễn phí kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ vào năm 2015, chiếc đuôi đã bị loại bỏ. Theo bác sĩ Ashis Pathak, người đã thực hiện ca phẫu thuật cho Arshid cho biết cậu bé sinh ra với dị tật bẩm sinh ở chân, khiến chi dưới bị yếu. Việc cắt bỏ phần "đuôi" có thể ảnh hưởng đến phần tủy sống bình thường ở trên, gây nên những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên ca phẫu thuật đã cắt bỏ thành công phần "đuôi", dù không thể khắc phục biến dạng ở chân, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe cậu bé về sau.

Tại Việt Nam, cách đây 3 năm cũng từng ghi nhận một bé gái 7 tháng tuổi "mọc đuôi" tại Bến Tre. Bé Nguyễn Tú Hương sinh ra với một "cái đuôi" mọc ở phần đốt xương sống cuối. Mỗi ngày trôi qua, cơ thể bé càng yếu ớt vì "cái đuôi" này to dần, dài ra. Đến thời điểm đi khám và điều trị cắt bỏ tại khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, TP.HCM), "cái đuôi" của bé đã dài khoảng 4 cm.

em-be-sinh-ra-voi-cai-duoi-2

Bé Hương từng mắc dị tật "cái đuôi" cách đây 3 năm.

Sau khi kiểm tra, xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận bé Hương bị bệnh dị tật cột sống chẻ đôi. "Cái đuôi" nằm vị trí đốt sống cuối, gần giữa hai mông của bé Hương chỉ là một dấu hiệu bên ngoài để nhận biết bệnh này. Bé đã được cắt bỏ phần đuôi dị dạng. Tuy nhiên, bác sĩ dự đoán, sau khi phẫu thuật, đôi chân bé sẽ bị bại liệt vì thời điểm đó, đôi chân bé rất yếu, chân trái thấp hơn chân phải, lòng bàn chân trái bị biến dạng.

Phát hiện dị tật cột sống chẻ đôi ở trẻ

Như vậy, rất có thể những "cái đuôi" này liên quan đến dị tật bẩm sinh cột sống chẻ đôi ở trẻ. Căn bệnh dị tật cột sống chẻ đôi có 2 dạng:

Dạng hở (dạng dễ nhận biết nhất, khi sinh ra phía sau lưng quần, mông của bé có vết thương hở. Dạng hở khi siêu âm dễ dàng phát hiện bệnh).

Dạng kín (là dạng khó nhận biết hơn, có nghĩa là sự tổn thương nằm bên trong, khi siêu âm rất khó phát hiện).

Cái "đuôi" của những trường hợp nêu trên thuộc dạng kín. Có nghĩa là dù có siêu âm, kiểm tra xét nghiệm nhiều lần khi mẹ mang thai vẫn rất khó phát hiện. Thậm chí khi sinh con ra, thấy cục thịt ùn ra, các bà mẹ cứ tưởng là cục thịt thừa nên một thời gian sau cục thịt dài, to ra mới đưa trẻ đến bệnh viện chữa trị.

Theo bác sĩ Nhi khoa, khi sinh ra, nếu quan sát thấy vùng thắt lưng của bé có 8 dấu hiệu bên ngoài, mắt thường có thể nhìn thấy được như sau thì bé đã mắc căn bệnh dị tật cột sống chẻ đôi:

1. Hình thành một "cái đuôi" với cục thịt thừa mềm nằm giữa hai mông.

2. Bướu máu dưới da, màu giống vết son đỏ trên da.

3. Có nhiều lỗ nhỏ gần vị trí mông bé (dân gian thường gọi là bé có nhiều hậu môn).

4. Có một túm lông đen.

5. Có một khối u tròn có thể nhô ra, hoặc ẩn dưới da, sờ mới thấy.

6. Thay đổi màu sắc da, da bị mất sắc tố (1 mảng da có màu trắng hoặc màu thâm cháy).

7. Có lỗ rò phía trên hậu môn, mủ hoặc dịch bất thường chảy ra từ lỗ rò khi trẻ mới sinh ra.

8. Đặt bé nằm sấp, quan sát thấy rãnh giữa mông bị lệch.

Đa số bé mắc chứng bệnh này khi sinh ra phát hiện được ngay, trừ rất ít trường hợp, các biểu hiện quá mờ không thấy được hoặc "cái đuôi" quá nhỏ khiến các bà mẹ chủ quan nghĩ là cục thịt thừa.

Để xử lý những trường hợp này, phải thực hiện phẫu thuật cho bé. Đa số trẻ chỉ cần phẫu thuật một lần. Tuy nhiên phần lớn trẻ mắc bệnh này có khả năng ảnh hưởng sức khỏe các bé về sau như: Bé mắc phải dạng hở phải nhập viện khẩn cấp, phẫu thuật kịp thời trong vòng 24h.

Nếu để lâu hơn, vết thương hở sẽ bị nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng. Còn dạng kín thì sau khi phẫu thuật, hệ thần kinh yếu dần, tiểu tiện không tự chủ được, hoặc hai chi dưới liệt dần, biến dạng xương khớp.

Phòng tránh dị tật cột sống chẻ đôi

Theo các bác sĩ, mặc dù việc sinh ra với một "cái đuôi" rất hiếm gặp ở con người, nhưng rõ ràng cấu trúc của phần đuôi luôn tìm thấy trong phôi thai. Những chiếc đuôi phát triển khoảng tuần thứ 5-6 của thai kỳ và chứa khoảng 10-12 đốt sống.

Hầu hết con người sinh ra không có "cái đuôi" vì cấu trúc đuôi dần biến mất hoặc hấp thụ vào phía trong cơ thể theo quá trình phát triển của thai nhi, hình thành xương đuôi hoặc xương cụt. Quá trình này xảy ra vào khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ.

Theo đó, dị tật cột sống chẻ đôi thường xuất hiện giai đoạn đầu mang thai, nên ngay từ trước khi có ý định mang thai, phụ nữ phải uống sắt và axit folic sẽ hạn chế  được 80% khả năng trẻ mắc bệnh.

Sản phụ cũng nên sử dụng các thực phẩm giàu sắt, axit folic như rau xanh đậm, đậu đỗ, nước cam, quả bơ, quả dâu tây, sữa, bánh dinh dưỡng, ngũ cốc (xem thành phần trên bao bì sản phẩm)...

Cuối cùng, gene là yếu tố có liên quan đến dị tật. Nếu người mẹ mắc chứng chẻ đôi cột sống (hoặc có tiền sử sinh con mắc chứng này) thì nguy cơ bé phải đối mặt với dị tật nhiều hơn.

Nếu người mẹ thuộc một trong hai trường hợp trên, cần trao đổi với bác sĩ thật kỹ trước khi có ý định mang thai. Bác sĩ có thể tăng lượng axit folic để giảm nguy cơ dị tật cho bào thai. Còn khi đã mang bầu thì khó có thể phòng ngừa được dị tật bẩm sinh nêu trên.

Chia sẻ