Đeo khẩu trang có ngăn được lây quai bị?

Theo Infonet,
Chia sẻ

Bệnh quai bị lây qua đường tiếp xúc nước bọt, hắt hơi nên việc đeo khẩu trang hoàn toàn phòng được dịch. Nhưng sử dụng khẩu trang như thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.

Theo PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, bệnh quai bị lây qua đường tiếp xúc nước bọt, hắt hơi nên việc đeo khẩu trang hoàn toàn phòng được dịch. Nhưng sử dụng khẩu trang như thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.

Đeo khẩu trang ngừa bệnh

Khoảng 1 tháng nay, đã xuất hiện nhiều ca bệnh quai bị tại một số trường học trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Trung tâm Y tế huyện Bát Xát đã ghi nhận tổng số có 79 ca bệnh, hầu hết đều là học sinh, trong đó, trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Sàng Ma Sáo ngày nào cũng có trường hợp học sinh phải nghỉ học vì mắc quai bị. Tổng số toàn trường đã ghi nhận 43 em mắc bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, số học sinh mắc bệnh đã giảm còn 13 em. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục có nhiều em có các biểu hiện nghi ngờ của bệnh phải khám sàng lọc để cách ly an toàn. Học sinh đến trường phải đeo khẩu trang để đề phòng lây nhiễm quai bị.

PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh quai bị lây lan trong trường học như trên thì việc học sinh đeo khẩu trang phòng bệnh quai bị là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, PGS Kính cho rằng, khi đeo khẩu trang y tế dù mỏng cũng có thể không cho vi rút lây lan nhưng phải dùng 1 lần rồi bỏ chứ không được sử dụng nhiều lần. Sử dụng tiếp như thế hoàn toàn không còn giá trị để phòng bệnh.

Bệnh quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ.

Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.

Bệnh quai bị xảy ra ở trường học, học sinh phải đeo khẩu trang phòng bệnh. Ảnh VOV

Các tuyến nước bọt khác, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương.

Là một bệnh truyền nhiễm, thường xẩy ra vào mùa đông – xuân. Lây trực tiếp khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi nên phòng bệnh trực tiếp là tránh tiếp xúc gần, hắt hơi.

Ngoài ra, hiện nay quai bị cũng có vắc xin để phòng bệnh nên người dân cần tiêm phòng cho trẻ nhỏ và người lớn cũng cần tiêm phòng bởi quai bị để tránh biến chứng.

Biến chứng quai bị nguy hiểm như thế nào?

Bệnh quai bị để lại biến chứng nhiều nhất đó là viêm teo tinh hoàn. Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.

Tinh hoàn lúc này sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

Nhồi máu phổi: Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.

Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh.

Viêm tụy: Có tỷ lệ 3% - 7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.

Các tổn thương thần kinh: Viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Chia sẻ